Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 15/12, doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc đã không đạt như kỳ vọng.
CNBC đưa tin doanh số bán lẻ trong tháng 11 của đất nước 1,4 tỷ dân tăng 3,9% so với một năm trước, thấp hơn mức dự báo 4,6% của giới quan sát (do Reuters khảo sát).
Doanh số bán lẻ lao dốc bất chấp sự kiện mua sắm Lễ Độc thân diễn ra vào ngày 11/11. Nguyên nhân chủ yếu là doanh số ôtô lao dốc trong những tháng gần đây.
Doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc không cao như kỳ vọng của giới quan sát. Ảnh: Reuters. |
Tăng trưởng chững lại
Theo ông Bruce Pang - Trưởng bộ phận Nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, mức tăng doanh thu hàng hóa trực tuyến của tháng 11 (13,2%) chậm hơn so với tháng 10 (14,6%).
"Những sóng gió và tình trạng không chắc chắn đã cản đường phục hồi của kinh tế Trung Quốc", ông Pang nhận định. Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ trong vài tháng tới.
Sản xuất công nghiệp đã tăng 3,8% trong tháng 11 so với một năm trước đó.
Đầu tư tài sản cố định trong 11 tháng đầu năm tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn mức dự báo 5,4%.
Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phát triển bất động sản trong 11 tháng đầu năm đã tăng trưởng so với một năm trước đó, nhưng với tốc độ chậm hơn giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.
Đầu tư vào lĩnh vực chế tạo tăng 13,7% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11, so với mức tăng 14,2% trong 10 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc có thể sắp chuyển sang chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có khả năng vẫn theo đuổi chiến lược 'Zero-Covid', trong khi triển vọng của lĩnh vực bất động sản còn chưa rõ ràng
- Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management
Đầu tư vào bất động sản tăng 6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11, so với mức tăng 7,2% trong 10 tháng đầu năm nay.
“Nền kinh tế vẫn khá yếu trong tháng 11”, ông Zhiwei Zhang - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management - nhận định.
Ông cho rằng tiêu dùng nội địa suy yếu do chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0) của chính quyền Trung Quốc, sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản của đất nước và chính sách tài khóa thắt chặt.
"Trung Quốc có thể sắp chuyển sang chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có khả năng vẫn theo đuổi chiến lược 'Zero-Covid', trong khi triển vọng của lĩnh vực bất động sản còn chưa rõ ràng", ông bình luận.
"Vẫn còn phải xem liệu các hỗ trợ chính sách có thể ổn định nền kinh tế trong những tháng tới hay không”, ông nhận định.
Giá nhà mới tại Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 0,3% so với tháng 10, theo tính toán của Reuters.
Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa virus lây lan cũng hạn chế hoạt động du lịch và kinh doanh. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng lao dốc.
Tương lai khó đoán
Tỷ lệ thất nghiệp thành thị đã tăng từ mức 4,9% trong tháng 10 lên 5% vào tháng 11, theo dữ liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi vẫn ở mức cao 14,3%.
Xuất khẩu vẫn là một điểm sáng cho nền kinh tế Trung Quốc . Trong tháng 11, xuất khẩu của nước này tăng 22% so với một năm trước đó.
Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ bắt đầu bổ sung gói kích thích tài khóa vào đầu năm 2022. Giới chức Bắc Kinh vừa tiết lộ mục tiêu chính của họ trong năm tới là xử lý những rào cản đối với tăng trưởng và ổn định nền kinh tế.
"Chính sách tài khóa có thể đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ tăng trưởng vào năm tới", ông Ding Shuang - nhà kinh tế của Standard Chartered Plc - nhận định.
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12. Động thái này sẽ giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.
Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa virus lây lan của Bắc Kinh đã hạn chế hoạt động du lịch và kinh doanh. Ảnh: Reuters. |
Quyết định được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022.
Bắc Kinh cũng yêu cầu chi tiêu tài khóa nhiều hơn vào năm 2022. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những hỗ trợ của Bắc Kinh có giúp giảm thiểu tác động của cuộc trấn áp đối với lĩnh vực bất động sản hay không.
Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản có thể là mối nguy lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - đã mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Các nhà phân tích từ lâu đã e ngại rằng sự sụp đổ của China Evergrande có thể ảnh hưởng nặng nề tới lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm 30% GDP Trung Quốc.
"Bắc Kinh sẽ không tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát nữa", ông Logan Wright - Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group - nói với Bloomberg. "Nhưng tôi không chắc rằng sự suy thoái tài chính và kinh tế nghiêm trọng nhất đã qua đi", ông cảnh báo.