Một tấm ảnh chụp người đàn ông Trung Quốc mà Kohon Ja bị ép cưới trên điện thoại của cô. Kohon Ja, 21 tuổi, quay lại Myanmar vài tháng sau khi bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Sau khi trốn chạy khỏi Myanmar giữa cuộc nội chiến, cô tới sống trong những trại tị nạn tạm bợ trước khi đi lậu sang Trung Quốc vào tháng 12/2017, nơi cô dành bốn tháng đầu ở một xưởng luyện kim và 2 tháng tiếp đó làm việc cho một nhà máy sản xuất đồ chơi, trước khi bị lừa tới một ngôi làng để tìm việc công việc trả cô 1,70 USD/giờ. Ảnh: ANR. |
Một người phụ nữ Myanmar khác tới và nói với Kohon Ja rằng có một công việc cho cô ở làng của chồng người này. Khao khát có việc làm, cô gái trẻ tìm tới ngôi làm kia, mà không ngờ rằng người phụ nữ này là một kẻ môi giới các cô dâu trẻ. Bà ta giả bộ tìm việc cho nạn nhân trong vài ngày, sau đó quay lại với Ja và nói với Ja rằng cô không thể làm việc ở đây. “Nếu cô không thể nói tiếng Trung Quốc, cô không thể tìm việc ở đây. Tốt hơn là hãy cưới một người đàn ông địa phương”, người này nói. Kohon Ja sau đó bị bắt cưới để trả những chi phí đi lại, thức ăn và chỗ ở, và cô đã không thể từ chối. |
Một đám cưới được tổ chức nhanh chóng, với khách mời duy nhất là những kẻ môi giới. Người chồng nói với Kohon Ja rằng ông ta đã trả 50.000 tệ (7.000 USD) cho những người môi giới và bắt cô quan hệ tình dục. Cô liên tục sống trong sự theo dõi của gia đình nhà chồng và có những ngày bị khóa cửa trong nhà cả tuần, không có đủ thức ăn hay nước uống khi người đàn ông đi vắng. Chỉ tới khi Kohon Ja được cho một chiếc điện thoại và tìm cách liên lạc với những người bạn và gia đình ở Myanmar, cô mới được cứu thoát. Tuy nhiên trước khi được trả về, Ja phải sống trong trại dưỡng lão không có áo quần để thay trong 20 ngày, bị cảnh sát Trung Quốc gây áp lực, và ngay cả khi nạn nhân trở về Myanmar, những người hàng xóm liên tục đàm tiếu và lăng mạ cô. |
Nhiều nạn nhân không được may mắn chạy thoát như Kohon Ja. Theo ước tính của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, khoảng 21.000 phụ nữ và trẻ em gái từ bang Kachin và Bắc Shan của Myanmar bị lừa cưới đàn ông Trung Quốc từ năm 2013 đến 2017, trong đó khoảng 15.000 người vẫn đang sinh sống ở Vân Nam, Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp buôn bán cô dâu sang Trung Quốc, người Myanmar, bao gồm cả người thân của các nạn nhân, đóng một vai trò không nhỏ. Các nhà môi giới thường kiếm được 3.000 đến 4.000USD cho mỗi phụ nữ bị buôn bán. "Chỉ có một vài cơ hội việc làm... Đối với những kẻ môi giới, việc buôn bán phụ nữ là rất dễ dàng", Nang Pu, giám đốc tổ chức Phát triển và Giới tính HTOI cho biết. |
Trong ảnh, một phụ nữ đang may quần áo. Cô trốn thoát sau khi bị lừa làm người đẻ thuê. Một trường hợp tương tự là Shai Pan, 25 tuổi, bị lừa sang Trung Quốc để tìm việc sau khi bị kẻ môi giới dụ dỗ và cho xem hình ảnh những nhà máy Trung Quốc. Sau khi tới Trung Quốc, cô được đưa tới một tòa nhà 10 tầng nơi có nhiều người phụ nữ đang mang thai, trong đó có cả những bé gái 14 tuổi. Do chính sách một con, nhiều gia đình Trung Quốc phá thai để sinh được con trai, dẫn tới tỉ lệ nam giới tại nước này cao hơn hẳn nữ giới. Nhiều gia đình không thể cưới vợ cho con trai, dẫn tới tình trạng nhiều phụ nữ nước ngoài bị bán sang Trung Quốc, không chỉ để làm vợ mà còn để mang thai hộ. |
Shai Pan biết mình bị lừa. Một phụ nữ từng nói với Pan rằng cô nhận 10.000 USD cho mỗi đứa trẻ người này hạ sinh. Pan liên tục từ chối công việc, bất chấp số tiền nhận được hấp dẫn đến đâu. Cô nhanh chóng gọi cho bố mình để báo cảnh sát và được cứu thoát sau đó. Đường dây cũng bị bại lộ, người môi giới bị bắt trong khi 30 phụ nữ khác được cứu. Không hiếm những trường hợp phụ nữ Myanmar như Shai Pan bị bán vào những “trại đẻ thuê” kiểu này. Có cả một ngành công nghiệp buôn bán phụ nữ Myanmar làm người mang thai hộ ở Trung Quốc. Trong ảnh, ba phụ nữ Myanmar đang tập sử dụng máy may ở một trung tâm đào tạo nghề, nơi họ học những kĩ năng cần thiết để kiếm một nghề ổn định. |
Myanmar là một đối tác quan trọng với Trung Quốc do vị trí địa chính trị quan trọng của nước này cũng như sự tham gia tích cực của nước này trong chính sách Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Tuy vậy, Bắc Kinh gặp nhiều phản đối khi cố gắng xây dựng một con đập chắn đầu nguồn sông Irrawaddy, con sông lớn nhất và là kênh vận chuyển và giao thông đường thủy quan trọng nhất của Myanmar. Để thay đổi bức tranh ngoại giao với Myanmar, Trung Quốc cần phải đối diện với những vấn đề nhân đạo nghiêm trọng từ nạn buôn bán phụ nữ từ Myanmar sang Trung Quốc, một vấn đề có thể gây tổn hại tới chính sách Vành đai và Con đường, vốn đang đem lại lợi ích lớn cho giao thương của nước này với nhiều quốc gia đang phát triển. Trong ảnh, trẻ em trong các trại tị nạn Myanmar đang ôn bài mỗi tối sau khi được những giáo viên tình nguyện dạy học. |