Anh trai của Samiya David đón cô ở sân bay hai tháng sau khi Samiya sang Trung Quốc cùng người đàn ông đã mua cô làm vợ. Tình trạng của cô gái trẻ vô cùng tồi tệ so với lúc đi: suy dinh dưỡng, hốc hác và ngồi xe lăn.
Mặc dù từ chối trả lời câu hỏi của gia đình liên tục nói rằng “Tôi ổn”, Samiya qua đời chỉ vài tuần sau đó.
Cái chết của Samiya một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng và ngược đãi đối với những phụ nữ và bé gái Pakistan, chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa, bị bán sang Trung Quốc làm vợ trong thời gian qua.
Pakistan là một trong những quốc gia có tỉ lệ buôn người cao nhất thế giới.
Nguồn cung “vợ” cho nam giới Trung Quốc
Một điều tra của AP cho thấy nạn buôn người đang gia tăng với xu hướng nhắm vào người theo đạo Thiên chúa giáo.
Người theo đạo Thiên chúa chiếm chỉ 2% trên tổng số 220 triệu dân của đất nước Hồi giáo Pakistan. Đây cũng là một cộng đồng nghèo đói và dễ tổn thương, nơi phụ nữ ít được tôn trọng và dễ dàng trở thành “món đồ” hy sinh để nuôi sống gia đình.
Điều đáng chú ý là những phụ nữ được phỏng vấn đều có một điểm chung: họ cho biết mình thường xuyên bị xa lánh, không được tôn trọng, bị lạm dụng hoặc thậm chí bán vào các nhà thổ. Nhiều người thậm chí không được chồng cho ăn uống tử tế, hoặc vứt bỏ mà không để lại bất cứ hỗ trợ về tài chính nào.
“Những người nghèo bán con gái để lấy tiền, họ không quan tâm con mình sẽ bị đối xử ra sao… Đây thật sự là tột cùng tội ác”, Masih, em họ Samiya David chia sẻ.
Em họ và người thân tới thăm mộ của Samiya David. Cô gái trẻ qua đời chỉ 2 tuần sau khi quay về từ Trung Quốc trong tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Ảnh: AP. |
Trước khi cưới, Samiya sống trong căn nhà hai phòng cùng anh trai và mẹ tại Francisabad Colony, một khu phố nghèo với những ngôi nhà chật hẹp ở Punjab, một tỉnh trải rộng qua biên giới Pakistan và Ấn Độ.
Anh trai của Samiya lấy tiền từ một người môi giới để ép cô cưới người đàn ông Trung Quốc hồi cuối năm 2018. Vài tháng sau khi cưới, Samiya cùng chồng tới Trung Quốc.
“Samiya đã rất khỏe mạnh khi đi”, Masih nói với AP.
Chính sách một con kéo dài 35 năm đã gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng tại Trung Quốc - với số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới 34 triệu người. Đây là xuất phát điểm của nạn buôn người, chủ yếu là phụ nữ, trái phép vào đất nước tỷ dân.
Những cô dâu nước ngoài này chủ yếu đến từ các quốc gia láng giềng Nam Á và Đông Nam Á như Pakistan, Lào, Indonesia hay Myanmar.
629 trẻ em gái và phụ nữ Pakistan bị bán sang Trung Quốc trong năm 2018 và đầu năm 2019, theo điều tra của AP.
Nạn nhân khó tìm lại công lý dù bị ngược đãi
Trong tấm ảnh cưới Samiya đưa cho phóng viên AP xem, cô mặc một chiếc váy cưới màu trắng, nở nụ cười rạng rỡ với mái tóc đen mượt, khác hẳn với người phụ nữ ngoài đời thực với gò má hốc hác, hốc mắt trũng sâu và gương mắt trông có vẻ mệt mỏi.
“Tôi ổn. Tôi ổn. Không có vấn đề gì cả”, Samiya lẩm bẩm trong khi nhìn vô định vào không trung. Cô chết vào ngày 1/5, không lâu sau khi trở về từ Trung Quốc.
Samiyah David giơ bức ảnh chụp 6 tháng trước trên điện thoại cho phóng viên xem. Trong ảnh, cô trông khỏe mạnh bên người chồng Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Bác sĩ Meet Khan Tareen, người khám bệnh cho Samiya tại bệnh viện ở Lahore cho biết cô bị suy dinh dưỡng trầm trọng, thể trạng yếu, sút cân và có nhiều vết thương cũng như bị suy nội tạng. Mặc dù vậy, Samiya không hề được nhập viện.
Sau khi qua đời, Samiya không được khám nghiệm tử thi. Không ai rõ cô có “qua đời do lý do tự nhiên” thực sự như trong giấy khai tử ghi không, trong khi anh trai cô từ chối nói chuyện với cảnh sát về cái chết của em gái.
Theo Masih, em họ Samiya, gia đình cô đang cố gắng giấu sự thật vì sợ mất mặt.
“Dù họ có phát hiện những gì Samiya phải trải qua, họ sẽ thà lờ nó đi còn hơn bị mất thể diện”.
Một phụ nữ tên Samia Yousaf, 24 tuổi cũng chia sẻ với AP những trải nghiệm bị ngược đãi ở Trung Quốc. Tin tưởng vào lời hứa có cuộc sống tốt đẹp hơn, cô đã sang Trung Quốc sống cùng chồng để phát hiện ngôi nhà mình ở lụp xụp và không hề như tưởng tượng.
Sau khi sinh con cho người chồng ngoại quốc, Yousaf không được nhà chồng cho bế con và cho con bú. Người chồng của cô cũng không giúp cô đi lại, thường xuyên để cô ngã mà không đỡ dậy.
Người phụ nữ tiếp tục bị ngược đãi sau khi rời bệnh viện, không được chồng cho ăn và nghĩ rằng người chồng “muốn giết mình”. Lần cuối cô được gặp con trai là tháng 9/2017, trước khi cô quay về Pakistan. Yousaf cho biết tên của cô cũng không hề có trong giấy khai sinh của con trai.
“Mỗi ngày tôi đều nghĩ tới thằng bé… Trái tim tôi sẽ luôn đau buồn”.
Samia Yousaf lấy tay lau nước mắt khi nhắc tới con trai. Cô buộc phải rời người chồng Trung Quốc 45 tuổi về nước do bị bạo hành và phải để con trai lại. Ảnh: AP. |
Gia đình của những phụ nữ như Yousaf và Samiya thường hứa hẹn với nạn nhân rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn khi cưới chồng. Những người bán họ đi thường chính là người thân, họ hàng hoặc thậm chí hàng xóm với mục đích kiếm tiền từ những kẻ môi giới.
Sau khi bị bán đi, rất ít phụ nữ quay lại Pakistan. Phần lớn trở thành vợ hoặc bị bán vào nhà thổ, nơi họ rất khó được liên lạc với gia đình hoặc có cơ may trở lại quê hương.
Chính phủ Pakistan chậm chạp trong giải quyết nạn buôn người
Nhiều người có quan hệ mật thiết tới các vụ điều tra tội danh buôn người cho biết chính phủ Pakistan chần chừ trong việc giải quyết vấn nạn này do lo sợ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với Trung Quốc.
Saleem Iqbal, một nhà hoạt động theo đạo Thiên chúa cho rằng chính phủ đang gây áp lực lên các cơ quan điều tra để cản trở quá trình điều tra.
“Khi chúng tôi nói chuyện với quan chức Pakistan, họ không thèm để ý”.
Trong khi đó, bộ trưởng Ngoại giao Pakistan quả quyết chính phủ Pakistan và Trung Quốc không hề nhân nhượng bất cứ ai tham gia tổ chức hôn nhân vượt biên giới trái phép.
Tờ Washington Post trích lờ Heather Barr, đồng điều hành Ban quyền lợi phụ nữ thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết do các nạn nhân đều đến từ những cộng đồng thiểu số nghèo, vấn đề vận chuyển người trái phép thường không phải chủ đề được ưa thích trên bàn đàm phán Pakistan - Trung Quốc.
Pakistan và Trung Quốc bên bàn đàm phán CPEC. Ảnh: Twitter. |
Pakistan phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế và quân sự. Bắc Kinh thường xuyên tài trợ Islamabad vũ khí, nhiều loại thiết bị hạt nhân cũng như tên lửa hạt nhân.
Về mặt kinh tế, Pakistan là một trong những quốc gia tham gia nhiệt tình chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Năm 2015, hai nước kí kết thỏa thuận Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), với khoản đầu tư 75 triệu USD từ Trung Quốc dành cho các nông nghiệp, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy điện và sáng kiến phát triển của Pakistan, theo Washington Post.
Với khoản nợ lớn và đi kèm là những lợi ích phát triển kinh tế rõ ràng khi “kết thân” với Trung Quốc, Pakistan càng khó giải quyết triệt để vấn đề buôn người có liên quan tới công dân Trung Quốc.
Hồi tháng 10, tòa án tại Faisalabad từng xử trắng án cho 31 công dân Trung Quốc bị cáo buộc buôn người.
Pakistan hiện nằm trong nhóm thứ 2 theo báo cáo thường niên về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ - mức xếp hạng dành cho những nước không đạt yêu cầu về việc giảm thiểu buôn người trái phép dù có nhiều cố gắng.
“Thật khủng khiếp khi những phụ nữ đang bị đối xử tồi tệ mà không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ chính quyền hai nước. Và để nó xảy ra ở mức này thì thật đáng kinh ngạc”, Omar Warriach, quan chức điều hành tổ chức Ân xá Quốc tế tại Nam Á cho hay.