Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những chuyện kể thỉnh kinh trước Ngô Thừa Ân

Những chuyện này cho biết diễn tiến của đoàn đi thỉnh kinh, từ chỗ chỉ có Đường Tam Tạng đến đoàn thỉnh kinh có bốn người (thêm Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới và Sa Tăng).

Tây du ký - tác phẩm trứ danh của Ngô Thừa Ân - được xếp vào tứ đại danh tác của tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh, Trung Quốc. Đây cũng là một trong những bộ tiểu thuyết cổ điển phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tây du ký được Ngô Thừa Ân viết khi tuổi đã ngoài 70. Tác phẩm dựa trên cảm hứng từ hành trình có thực của nhà sư Huyền Trang (thời Đường Thái Tông) sang Ấn Độ cầu học giáo nghĩa Phật giáo, đồng thời thỉnh kinh mang về nước.

Bên cạnh đó, bộ tiểu thuyết này được biên soạn cũng dựa trên cơ sở những tác phẩm viết về chuyện thỉnh kinh của Huyền Trang có từ thời Đường, Tống, Nguyên và đầu Minh.

Tay du ky tien truyen anh 1

Sách Tây du ký tiền truyện (Trần Hoàng Vũ dịch), Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) và NXB Thanh niên liên kết phát hành. Ảnh: Netabooks.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quá trình hình thành và phát triển của tiểu thuyết Tây du ký, Tri Thức Trẻ Books và NXB Thanh niên đã liên kết phát hành cuốn Tây du ký tiền truyện.

Cuốn sách gồm 4 tác phẩm tiền thân của Tây du ký, gồm: Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện, Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, Đường Tăng thủ kinh đồ sách, Phác thông sự ngạn giải.

Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện (Truyện Tam Tạng pháp sư chùa Đại Từ Ân) là tác phẩm được giới thiệu đầu tiên trong cuốn sách. Tác phẩm này do sa môn Tuệ Lập (615 - ?) biên soạn.

Tuệ Lập vốn họ Triệu, tên là Tử Lập. Ông xuất gia năm 15 tuổi, năm Trinh Quán thứ ba (629), đúng năm Trần Huyền Trang bắt đầu sang Ấn Độ cầu pháp. Về sau, ông chính là một trong những người hỗ trợ Huyền Trang trong việc dịch kinh.

Sách do Tuệ Lập soạn ban đầu có 5 quyển, sau được sa môn Ngạn Tông (thời Đường Duệ Tông) biên soạn lại thành 10 quyển. Bài tựa sách đề năm Thùy Củng thứ tư (năm 688).

Toàn bộ 10 quyển này thuật lại cuộc đời của Huyền Trang. Trong đó, từ quyển 1 đến nửa đầu quyển 6 là hành trình của ông từ lúc ra đời, xuất gia và con đường cầu pháp trở về Đại Đường.

Mặc dù, trong sách còn những câu chuyện mang nặng tính lịch sử và triết lý tôn giáo. Tuy nhiên, có rất nhiều chi tiết trong sách là nguồn cảm hứng cho những sáng tác về chuyện đường Tam Tạng sang Tây Thiên thỉnh kinh có niên đại về sau.

Tác phẩm thứ hai được giới thiệu trong Tây du ký tiền truyện Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại (Thi thoại về chuyện Đường Tam Tạng nhà Đại Đường đi lấy kinh).

Sách không đề tên tác giả hay năm xuất bản. Nhưng giới học giả cho rằng sách được ấn hành vào đời Tống - thời kỳ thể loại thoại bản hết sức thịnh hành.

Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại gồm 3 quyển, chia thành thượng, trung, hạ. Truyện gồm 17 tiết, kể chuyện đoàn đi lấy kinh do Tam Tạng dẫn đầu có 6 người.

Dọc đường đi có thêm nhân vật Hầu hành giả đi cùng. Nhân vật này thần thông biến hóa hàng yêu diệt quái giúp đỡ Đường Tăng rất nhiều trên đường thỉnh kinh. Truyện cũng xuất hiện nhân vật thần Thâm Sa cản trở Tam Tạng lấy kinh, về sau hóa thành nhân vật Sa Ngộ Tịnh (Sa Ngộ Tĩnh).

Tay du ky tien truyen anh 2

Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim Tây du ký 1986.

Đường tăng thủ kinh đồ sách (Sách tranh về Đường Tam Tạng đi lấy kinh) là tác phẩm thứ ba được giới thiệu trong Tây du ký tiền truyện.

Theo nhà sưu tập cuối đời Thanh là Lương Chương Cự (1755 - 1849), tác giả của sách tranh này là họa gia Vương Chấn Bằng thời nhà Nguyên vẽ ra.

Đường tăng thủ kinh đồ sách được chia thành 2 quyển thượng, hạ, gồm 32 bức tranh màu.

Trong sách, ngoài Huyền Trang ra còn xuất hiện nhân vật theo hầu là ngựa Hỏa Long và một nhân vật hình người mặt khỉ.

Tác phẩm thứ tư được giới thiệu trong Tây du ký tiền truyện Phác Thông sự ngạn giải, vốn xuất phát từ cuốn sách dạy hội thoại Hán ngữ lưu hành tại bán đảo Triều Tiên vào cuối thời kỳ Cao Ly. Sách này được nhắc đến lần đầu vào 1423, dưới thời Triều Tiên Thế Tông.

Phác Thông sự ngạn giải có ba đoạn chính văn và chín đoạn chú văn có nhắc đến hoặc dẫn lại nội dung của Đường Tam Tạng Tây du ký, cho thấy diện mạo tiền thân của tiểu thuyết Tây du ký 100 hồi nổi tiếng.

Ở đó, câu chuyện đã diễn tiến từ chỗ đoàn thỉnh kinh chỉ có hai người là Đường Tam Tạng và Tôn Hành Giả sang đoàn thỉnh kinh có thêm bốn người (có thêm Trư Bát Giới và Sa Tăng).

Bên cạnh việc giới thiệu bốn tác phẩm trên, Tây du ký tiền truyện còn đề cập đến những dị bản của các tác phẩm này, hoặc những tác phẩm có liên quan đến tiền truyện Tây du ký.

Chẳng hạn như Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại có hai bản, hay như chùm tạp kịch Tây du ký của Dương Cảnh Hiền thời nhà Minh...

Truyền thuyết về nhân vật Tam Quốc

"Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc" có nhiều câu chuyện kể về lai lịch nhân vật hay phát minh đi trước thời đại.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm