Tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa là tác phẩm trứ danh của La Quán Trung, được viết vào thế kỷ 14 dựa theo bộ sử Tam Quốc chí của Trần Thọ.
Tác phẩm kể lại thời hỗn loạn giữa 3 nước Thục, Ngụy, Ngô, được xếp vào hàng tứ đại danh tác văn học Trung Quốc, bên cạnh Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng.
Ở Việt Nam, hiếm có tác phẩm văn học nào lại được đông đảo bạn đọc biết đến như Tam Quốc diễn nghĩa. Hơn một thế kỷ qua, khá nhiều bản dịch tác phẩm này được giới thiệu rộng rãi tới công chúng.
Bên cạnh đó, hàng loạt ấn phẩm khác nói về các nhân vật, sự kiện có liên quan thời Tam quốc cũng được giới thiệu, cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn khác nhau xung quanh tác phẩm bất hủ này. Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc là một trong số đó.
Khác với tác phẩm của La Quán Trung, Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc mang một dáng dấp, hình hài khác. Đây là tập hợp gồm 59 mẩu truyện do dân gian sáng tạo và lưu truyền về 12 nhân vật tiêu biểu trong Tam Quốc diễn nghĩa.
Sách Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc (Nguyễn Phúc An dịch, Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) và NXB Thanh niên liên kết phát hành. |
Hầu hết truyện này đều là hư cấu, mục đích là kích thích hưng phấn cho người đọc, khiến cho người đọc tò mò. Trong đó, không ít truyện kể về những vật dụng quen thuộc của nhân vật, sáng chế, phát minh, hoặc kỹ thuật giải phẫu y học đi trước thời đại.
Chẳng hạn, truyện Thu quy phục hạc nói về lai lịch 2 chiếc áo quý của Khổng Minh. Đó là "Bát Quái Y" được ông mặc khi chinh chiến, giúp việc điều binh khiển tướng chắc như đinh. Chiếc còn lại là "Hạc Xưởng Xam" được Khổng Minh dùng trong những dịp tiếp khách, thương nghị quốc sự. Nó giúp ông có những đối sách tốt.
Truyện Hoàng Môn Thức Huệ Nữ và Kỳ xa nghênh thân đề cập chuyện hôn sự của Khổng Minh với tiểu thư họ Hoàng, một cô gái xấu xí nhưng có nhiều phát minh khiến ông nể phục. Bà cũng đưa ra những điều kiện đưa rước trong lễ vu quy, gợi ý cho Khổng Minh chế tạo mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy) đưa đón bà về nhà chồng.
Truyện Thanh Long Yển Nguyệt Đao nói về nguồn gốc bảo đao của Quan Vũ. Theo những người thợ luyện đao cho ông, 6 hạng mức luyện đao là đao sắt, đao gang, đao gang thuần, đao gang dẻo, đao gang xang và bảo đao.
Người thường thì đúc đao sắt và đao gang. Đao gang thuần đúc mười chiếc, hỏng 9 chiếc. Đao gang dẻo đúc trăm chiếc hư chín, mười chiếc. Đao gang xanh và bảo đao là những vật quý trên đời.
Truyện Đầu Tây Thi, gan Kinh Kha nói về việc thần y Hoa Đà phẫu thuật Điêu Thuyền thành người có dung mạo đẹp như Tây Thi và gan dạ như Kinh Kha. Nhờ đó, Vương Doãn thực hiện kế liên hoàn thành công, mượn tay Lã Bố giết Đổng Trác, trừ hại cho nước nhà.
Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc còn có những tình tiết hư cấu mang tính chất văn hóa tín ngưỡng dân gian rất rõ rệt. Những tình tiết này giải thích cho một hiện tượng tự nhiên hoặc tín ngưỡng nào đó.
Chẳng hạn, truyện Dùng trí trừng trị Ưng Tử Trình nói về tích Khổng Minh nhổ lông vũ trên mình Ưng tử điểu kết thành chiếc Vũ Mao Phiến (chiếc quạt lông vũ mà Khổng Minh luôn mang theo mình). Do mất sạch lông vũ, Ưng tử điểu biến thành ngọn sơn thạch. Về sau, người đời gọi là Ưng Tử Thạch.
Hay truyện Khổng Minh kiều nói về tích của Lạc Mạo Đài (Đài mũ rơi), Đậu Phủ Than (Bãi đậu hũ), Khổng Minh Kiều (Cầu Khổng Minh). Truyện Ngọn đèn vạn năm trong mộ cổ thành Bạch đế nói về tích đổi tên huyện Ngư Phục thành huyện Phụng Tiết…
Ngoài những tình tiết hư cấu trên, một số nhân vật trong Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc còn được thiêng hóa. Họ mang dáng dấp của vị thần có năng lực siêu việt, có thể xử lý những vấn đề mà rnhiều người bình thường hợp lại không thể xử lý được, có thể giao tiếp với thần tiên, ma quỷ không bị trở ngại gì…
Nhưng đôi khi, chính những nhân vật này lại bị hạ bệ, giải thiêng hóa, như truyện Lưu Bị kế phục Quan Trương, Đào viên xưng huynh đề cập sự xảo trá, quỷ quyệt của Lưu Bị, sự trẻ con của Trương Phi…
Ngoài những truyện trên, Truyền thuyết các nhân vật Tam Quốc còn những truyện hấp dẫn, ly kỳ khác...