Trư Bát Giới là nhân vật được nhiều người biết tới qua tác phẩm Tây du ký. Tuy nhiên, không ít người hiểu rõ cái từ "bát giới" trong tên nhân vật có ý nghĩa gì.
Thầy trò Đường Tam Tạng trong phim Tây du ký. |
Trong cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019, tác giả Dũng Phan trong bài viết về Trư Bát Giới có đoạn: "Cái tên Bát Giới được Đường Tăng đặt cho với ý nghĩa là tám ranh giới phải kiềm chế: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm giường quá rộng và không ăn mặn".
Thông tin này khiến một số bạn đọc phản ứng, cho rằng cách giải thích này không chính xác. Để hiểu đúng ý nghĩa tên “Trư Bát Giới”, cần nương vào bối cảnh xuất hiện nhân vật trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.
Cụ thể, trong tập 2 của bộ Tây du ký (gồm 10 tập, NXB Văn học, NXB Mũi Cà Mau phát hành năm 1993) nhân vật Trư Ngộ Năng xuất hiện khi chuẩn bị làm con rể nhà Cao lão và hiện nguyên hình là một yêu quái.
Sau khi hàng phục Ngộ Không, yêu quái kể với Tam Tạng chuyện Bồ tát khuyến thiện. Lúc này, Tam Tạng bày hương án, khấn tạ đức Bồ tát. Lễ xong, yêu quái cúi lạy Tam Tạng, xin đi theo sang phương Tây, rồi quay sang Hành Giả gọi là sư huynh.
Ý nghĩa của từ "bát giới" được giải thích rõ trong tập 2 tiểu thuyết Tây du ký. |
Nhận đồ đệ xong, Tam Tạng muốn đặt một pháp danh để sớm tối gọi cho tiện. Lúc này yêu quái nói: “Thưa sư phụ, con đã được Bồ Tát xoa đầu thụ giới, đặt cho con pháp danh là Trư Ngộ Năng rồi ạ”.
Nghe vậy Tam Tạng cười nói: “Tốt! Tốt! Sư huynh con tên là Ngộ Không, con là Ngộ Năng, cũng đều thuộc tông phái trong pháp môn ta cả”. Nghe vậy, Ngộ Năng đáp lời: “Thưa sư phụ, con đã nhận giới hạnh của Bồ tát đoạn tuyệt với ngũ huân, tam yếm, ở nhà bố vợ (Cao lão) ăn chay giữ giới, không bao giờ ăn mặn, nay gặp sư huynh xin phá giới một bữa”.
Tam Tạng không đồng ý, nói: “Không được, không được! Con đã không ăn mặn rồi, vậy thì ta đặt cho một tên nữa là Bát Giới nhé!”. Từ đấy, “chú ngốc” lại có tên là Trư Bát GIới.
Trang 245 của sách giải thích rõ về ngũ huân, tam yếm mà Ngộ Năng nhắc tới. Ngũ huân là năm thứ gia vị mà người tu hành không ăn: Hành, hẹ, tỏi, ớt, rau thơm. Tam yếm là ba loài kiêng không giết thịt: chim nhạn, chó và cá đen (ô ngư); vì chim nhạn có nghĩa vợ chồng, chó biết nghĩa chủ tớ, cá đen có lòng trung kính.
Như vậy, đặt trong bối cảnh truyện, "bát giới" ở đây chỉ có nghĩa là ngũ huân, tam yếm mà người tu hành phải đoạn tuyệt như đã giải thích ở trên.