Tang thương ngẫu lục là tập ký sự viết bằng chữ Hán của hai tác giả Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án viết đầu thời Nguyễn, kể về rất nhiều câu chuyện, nhân vật trong giai đoạn Lê mạt - Nguyễn sơ.
Trong mẩu chuyện về ông Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628), sách viết rằng: Ông người làng Phù Lưu, Thiên Lộc (nay là huyện Lộc Hà), Hà Tĩnh, khi giữ chức Chưởng quản Lục bộ (Tể tướng), các bậc thân quý của Chúa Trịnh đều kiêng nể không dám làm chuyện phạm pháp.
Một hôm, viên Quận mã (con rể Chúa) đi đánh giặc thua bỏ chạy, ông cho bắt bỏ vào ngục rồi khép vào tử tội. Chúa muốn tha nhưng không biết nói cách nào, nhân đem những chỉ dụ ra để cãi lý, song rốt cuộc không cãi nổi ông.
Chưởng quản Lục bộ có nhiều vợ, 5, 6 bà, trong đó bà thứ ba được ông yêu nhất. Quận chúa liền đem những đồ báu ngọc, nhờ người vú nuôi đưa vào xin yết kiến bà Ba, và đem việc Quận mã ra nhờ bà nói giúp với ông.
Bà Ba từ chối mà rằng: “Tướng công là người thanh liêm, vả lại việc đó là việc can hệ trọng trong triều, tôi đâu dám can dự vào”.
Quận chúa cố nài nỉ, bà Ba chầm chậm nói: “Thế thì sang mai, bà sửa xôi nếp cái, lợn nhỏ luộc chín, để sẵn cả các thứ gia vị cùng dao vào mâm chờ lúc Tướng công đi vắng mang cả mâm vào đây mà biếu”. Quận chúa mừng rỡ cảm ơn ra về.
Sáng hôm sau, khi sắp sửa vào triều, ông bảo dọn cơm sáng, bà Ba thưa: “Trong triều đã đầy đủ các quan, hay để lúc về hãy dùng cơm vậy!”.
Ông nghe lời ra xe đi, khi tan triều về đến nhà nhân đương đói, thấy mâm đồ ăn, mở ra lại thấy sẵn dao liền thái thịt lấy xôi ăn. Ăn xong, ông hỏi sao có thức ăn đó. Bà Ba mới thú thật, ông giận lắm, phàn nàn một lúc lâu rồi nói: “Lỗi tại ta, lỗi tại ta. Chỉ vì một bữa ăn no mà tha chết cho một mạng người, hay là ý trời đã định thế chăng?”.
Ông vội đánh xe vào trong hầu Chúa để xin tha tội cho Quận Mã, Chúa mừng lắm y ngay.
Tang thương ngẫu lục và Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí) đều có viết về vị quan thanh liêm Nguyễn Văn Giai. |
Câu chuyện mang nhiều tính chất giai thoại, vì cũng ngay cạnh câu chuyện về Tể tướng Nguyễn Văn Giai, các tác giả bổ sung thêm một chuyện tương tự về Tể tướng Phạm Công Trứ như sau:
Về sau có vị Quốc lão là Phạm Trứ (Phạm Công Trứ, 1600 - 1675) cầm quyền chính. Một viên Tù trưởng phạm tội đáng chết, người vợ liền đút lót với người đầu bếp của ông, nhờ mang chim sẻ vào dâng nói: “Cụ lớn ưa thích món này”. Người đầu bếp nướng món chả chim để ông xơi. Khi ăn xong ông hỏi, người đầu bếp mang vàng ra lạy xin tha tội. Ông liền móc cổ nôn ra hết và bảo:
“Thôi, mày đem vàng ra ngay đi, ta không trách phạt gì!”.
Đến khi người tù sắp bị xử tử, ông vào xin hầu Chúa xin tha tội chết cho hắn. Chúa nghe theo.
Sau mấy câu chuyện trên, tác giả bộ ký sự Tang thương ngẫu lục bình luận: "Hai việc nói trên kể cũng giống nhau. Hai ông đều là văn tướng, nổi danh thời Lê Trung hưng, mà một ông ăn lễ thịt lợn luộc, một ông ăn chả chim sẻ mà nên chuyện".
Từ bài học đó, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án rút ra bài học cho người đời, nhất là các vị quan lại trong việc nhận quà tặng của người khác: "Vậy thì, há chẳng nên cẩn trọng sự ham thích đấy ru?".
Theo bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Nhân vật chí, thì Nguyễn Văn Giai năm 27 tuổi thi đỗ Hội nguyên khoa thi năm 1580 đời vua Lê Thế Tông tại Thanh Hóa (lúc đó vua Lê và nhà Mạc vẫn đang diễn ra chiến tranh Nam - Bắc triều), rồi sau đó thi Đình đỗ Đình nguyên nhị giáp tiến sĩ, ban đầu được bổ làm Án sát sứ ở Thanh Hóa. Trong việc đánh đuổi nhà Mạc, lấy lại kinh đô Thăng Long, ông có công to, được đánh giá là một trong những công thần khai quốc thời Lê trung hưng.
Theo Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Giai làm quan trải ba triều vua Lê trong suốt 48 năm, công lao quyền vị đứng đầu lúc bấy giờ. Năm 1628, ông mất, triều định truy tặng chức Đại tư đồ, ban cho tên thụy là Cẩn Độ, ghi nhớ tính cách cận trọng, đức độ của ông.
Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người thanh liêm, tự ông nêu gương cho các quan noi theo, ngay cả chúa Trịnh cũng kiềng nể. Gia phả dòng họ của ông còn ghi lại lời ông răn bảo triều thần: "Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy".