Phần lớn chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan diễn ra một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa nạn nhân thứ 11 rời khỏi hang, một tai nạn vô cùng nguy hiểm đã xảy ra, theo New York Times.
Chiều ngày 10/7, nhóm cứu hộ trực tại một khoang ngầm nhận thấy sợi dây dẫn đường được bố trí xuyên suốt hang bị giật mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy nạn nhân sắp được đưa ra khỏi đường hầm ngập nước.
"Tới rồi đó", họ ra hiệu với nhau. Thiếu tá Charles Hodges thuộc lực lượng Không quân Mỹ, chỉ huy nhóm cứu hộ Mỹ tại hiện trường, tả lại cảnh mọi người kiên nhẫn chờ đợi.
Đội ngũ người nhái mang bình dưỡng khí chuẩn bị lặn vào những đường hầm ngập nước bên trong hang động Tham Luang. Ảnh: AP. |
Nhưng 15 phút, 60 phút, rồi 90 phút, nhóm cứu hộ ngày càng lo lắng khi không thấy các đồng nghiệp đưa nạn nhân trở ra. Họ không hề biết rằng thợ lặn dẫn đường đã lỡ buông tay và lạc mất dây dẫn trong quá trình mang theo cáng chở nạn nhân thứ 11.
Với tầm nhìn gần như bằng 0 vì hang động tối như mực, anh và đồng nghiệp chỉ có thể mò mẫm trong hệ thống đường hầm ngập nước ngoằn ngoèo như một mê cung. Anh quay trở lại một cách từ từ, tiến sâu vào hang để tìm lại sợi dây và tiếp tục chiến dịch giải cứu.
Cuối cùng, nạn nhân và nhóm cứu hộ vẫn thoát khỏi hang một cách an toàn.
Luôn được giải cứu vào phút chót
Thợ lặn Kaew thuộc lực lượng SEAL, Hải quân Thái Lan, hồi tưởng về buổi tối cuối cùng của chiến dịch giải cứu. Khi ấy, anh đang ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt cách cửa hang Tham Luang gần 2 km. Trong khi đang nhai nốt miếng pizza hải sản kèm dứa, Kaew nghe một tiếng hét lớn: "Nước đang tràn vào rất nhanh, ra ngoài ngay lập tức".
Máy bơm chính bất ngờ bị hỏng khi chiến dịch giải cứu chuẩn bị kết thúc, khiến mực nước cao ngang hông nơi anh Kaew đang đứng phút chốc dâng lên tận ngực. Anh vội vàng rời khỏi hang khi không mang theo bất kỳ thiết bị lặn nào bên người, suýt bị "cơn đại hồng thủy" nhấn chìm.
Cơn mưa là một trong những trở ngại chính trong chiến dịch giải cứu 13 nạn nhân kẹt trong hang Tham Luang. Ảnh: Getty. |
Kaew cho biết đó là một khoảnh khắc vô cùng đáng sợ. Chỉ vài phút trước, anh vừa chào đón nhóm thợ lặn và các bác sĩ cuối cùng rời khỏi đường hầm ngập nước.
Theo nguồn tin từ quân đội Thái Lan, nhiều đặc nhiệm suýt mắc kẹt tương tự 13 nạn nhân vừa được giải cứu. Họ không kịp tháo dỡ nhiều thiết bị còn sót lại trong hang.
"Cả thế giới đang dõi theo, vì vậy chúng tôi phải thành công", Kaew lắc đầu sửng sốt khi kể lại hành trình giải cứu "không tưởng" của anh và các đồng đội. "Tôi không nghĩ chúng tôi có sự lựa chọn nào khác".
Đội cứu hộ gồm nhiều thợ lặn chuyên nghiệp nhiều lần đối mặt với thử thách khốc liệt suýt cướp đi mạng sống của họ. Trong quá trình giải cứu, 3 thợ lặn SEAL bị mất tích đến 23 giờ. Khi họ xuất hiện trở lại từ những đường hầm ngập nước, các đồng đội ngay lập tức đưa 3 người đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vì thiếu oxy.
Một cựu đặc nhiệm không thể vượt qua thử thách này. Anh bỏ mạng khi đang lắp đặt bình dưỡng khí phục vụ công tác cứu hộ. Anh tên Saman Kunan, 38 tuổi.
“Khi hoàn thành nhiệm vụ, Saman lặn trở ra. Tuy nhiên, giữa lúc quay về, đồng đội phát hiện anh bất tỉnh và cố gắng cấp cứu nhưng không thành”, lực lượng SEAL thông báo.
Binh lính mang di ảnh của cựu đặc nhiệm Saman Kunan, người thiệt mạng trong quá trình giải cứu đội bóng Thái. Ảnh: Reuters. |
Trong 3 ngày giải cứu gấp rút, Kaew và các đồng đội lần lượt cáng 12 cậu bé và huấn luyện viên đội bóng Moo Pa (Lợn Rừng) băng qua nhiều mô đất gập ghềnh phủ bùn sình trơn trượt.
"Giờ thì các cậu bé và bạn bè của tôi đã an toàn. Đến cuối cùng thì chiến dịch này cũng thành công", Kaew nói, anh không được phép tiết lộ họ tên đầy đủ.
Nhiều thợ lặn và cư dân thị trấn Mae Sai tin rằng các vị thần đã bảo hộ 13 nạn nhân và những người hùng không quản khó nhọc để giải thoát họ.
Trong suốt 18 ngày thực hiện chiến dịch, Kaew quấn bùa hộ mệnh đạo Phật trong băng keo chống nước và đeo quanh cổ. "Hang động này là chốn linh thiêng, nó được bảo vệ đến những phút cuối cùng", anh nói.
Bí quyết thành công là may mắn và lòng quả cảm
Trả lời báo chí, một số quan chức thuộc quân đội Thái Lan tiết lộ chiến dịch giải cứu đã huy động não bộ và cơ bắp của hơn 10.000 người Thái Lan và nhiều quốc gia khác, trong đó có 2.000 binh lính, 200 thợ lặn và người đại diện của hơn 100 đơn vị chính phủ.
Việc giải cứu 13 nạn nhân mắc kẹt buộc đội ngũ người nhái phải thực hiện những chuyến lặn sâu, xuyên qua những đường hầm ngập trong làn nước giá lạnh. Ngoài sức khỏe bền bỉ, họ luôn phải giữ sự tỉnh táo để đối phó với những sự cố không thể lường trước, đồng thời chú ý đến sức khỏe của các nạn nhân, không để các em ở dưới nước quá 40 phút.
Nhóm cứu hộ tại hiện trường chiến dịch giải cứu. Ảnh: Getty. |
Nhiều kén nhựa, cáng nổi và hàng nghìn mét dây dẫn đã được sử dụng để đưa đội bóng nhí cùng huấn luyện viên thoát khỏi hang Tham Luang. Đức vua Thái Lan cũng tài trợ nhiều trang thiết bị, và người dân khắp xứ sở Chùa Vàng cùng chung tay góp sức theo mọi cách mà họ có thể làm, từ nấu ăn, cắt tóc, đến tìm lỗ thông bên trên hang động.
Tuy nhiên, vượt trên tất cả, chiến dịch giải cứu các cậu bé từ 11-16 tuổi và huấn luyện viên đội bóng Lợn Rừng đòi hỏi lòng quả cảm.
"Tôi không biết có chiến dịch nào buộc cả người giải cứu lẫn nạn nhân phải trải qua sự nguy hiểm trong thời gian dài như vậy không, trừ những người lính cứu hỏa tiến vào tòa tháp đôi tại New York sau vụ khủng bố 11/9, kể cả khi biết nó sẽ đổ sụp", thiếu tá Hodges nói.
Theo New York Times, hang động Tham Luang là một trong số ít những địa điểm hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Không một loại tín hiệu nào, từ GPS, wifi đến sóng điện thoại có khả năng vươn đến những đường hầm kỳ bí bên trong hang động.
Địa hình hiểm trở bên trong hang động Tham Luang gây nguy hiểm cho nhóm thợ lặn. Ảnh: AP. |
Cuộc khảo sát hang Tham Luang gần đây nhất là vào những năm 1980, được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia người Pháp giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhiều phần bên trong hang vẫn chưa được khám phá và chưa được đánh dấu trên bản đồ. Một số chuyên gia nhận xét đây là một trong những hang động hiểm trở nhất thế giới.
Khi nhóm cứu hộ bắt đầu tiến vào Tham Luang, mọi dự đoán về khoảng cách giữa các điểm trong đường hầm đều thiếu chính xác và các vị trí trên bản đồ đều không chắc chắn. Nhóm cứu hộ không thể đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào dù là cơ bản nhất.
"Điều quan trọng nhất giúp chiến dịch thành công là sự may mắn. Quá nhiều điều có thể trở nên sai lầm, nhưng bằng cách nào đó chúng tôi vẫn đưa được các cậu bé ra ngoài", thiếu tướng Chalongchai Chaiyakham nói.
"Tôi không thể tin là nó thành công", ông nhắc lại.