Một số phụ huynh nhắc đến việc tưởng nhớ cựu đặc nhiệm Saman Kunan, người đã hy sinh trong chiến dịch giải cứu đội bóng.
Kameay Promthep, bà của cậu bé Duangpetch Promthep, 13 tuổi, nói mình sẽ không bao giờ cho phép cháu lại gần nước hoặc bất kỳ hang động nào nữa. Bà không muốn Duangpetch gặp tai nạn và lại khiến người khác khổ sở.
"Tôi sẽ bảo Dom (tên thân mật của Duangpetch) cảm ơn tất cả mọi người trên đất nước Thái Lan cũng như những người đến từ các nước khác đã tốt bụng giúp đỡ nó. Nếu không có đặc nhiệm SEAL, chính quyền và những người hỗ trợ, Dom sẽ không bao giờ được nhìn thấy bà của nó nữa. Từ giờ, Dom phải trở thành người tốt", bà Kameay nói.
Ông Banphot, cha của Duangpetch, cho biết tất cả 13 nạn nhân sẽ có một thời gian tu tập ở chùa sau khi khỏe mạnh trở lại để ghi nhớ công lao của thợ lặn hy sinh.
"Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa các con vào cửa Phật và sẽ thực hiện điều này khi các gia đình đã sẵn sàng", AP dẫn lời ông Banphot. Theo truyền thống Thái Lan, việc xuất gia là cách để làm điều thiện. Hầu hết nam sinh tại Thái đều có thời gian sống ở chùa.
Ông Banphot Konkum cho phóng viên xem hình của con trai. Ảnh: AP. |
Kể về chuỗi ngày các nạn nhân phải vật lộn để sinh tồn khi mắc kẹt trong hang Tham Luang, ông Banphot cho biết thầy trò đội bóng Moo Pa (Lợn Rừng) đã dùng tay lần mò tìm đường đến vị trí cao và không bị ngập nước để trú ẩn. Nhóm cứu hộ sau đó đã phát hiện dấu vân tay của các em trên nhiều mô đất và mỏm đá.
"13 thầy trò phải đào lỗ thông qua những đường dẫn hẹp cho đến khi tìm thấy mỏm đất Nen Nom Sao, nơi cả đội mắc kẹt suốt những ngày sau đó. Tới đây thì không còn đường nào để đi tiếp nữa", ông Banphot kể.
Người cha cho biết cả 13 nạn nhân không hề biết trời đổ mưa ngay sau khi cùng vào hang Tham Luang hôm 23/6. Trận mưa này gây ngập và khiến các nam sinh không thể rời khỏi hang.
"Khoảng 1 tiếng sau khi con tôi cùng thầy và các bạn vào hang, nước bắt đầu dâng. Các cháu buộc phải chạy sâu vào trong vì nước chảy rất xiết", ông Banphot nói.
Mẹ của nạn nhân nhỏ tuổi nhất, Chanin Wiboonrungruang, cho biết các cậu bé không mang thức ăn vào hang vì họ chỉ định ở lại trong vòng 1 giờ.
"Sau 3 ngày liền không có thức ăn, con trai tôi chỉ biết khóc vì đói lả. Nó phải uống nước rỉ từ thạch nhũ. Ban đêm trong hang rất lạnh và không gian tối như mực, các cậu bé phải nằm sát nhau để sưởi ấm", bà Aikhan Wiboonrungruang nói.
Aikhan cho biết con trai bà kể chuyện huấn luyện viên Ekapol Chanthawong đã dạy các cậu bé thiền để quên cơn đói và giảm tiêu hao năng lượng.
Ông Banphot Konkum và chiếc áo mà cậu bé Duangpetch thường mặc khi tập luyện. Ảnh: AP. |
Chiến dịch giải cứu đội bóng Thái kết thúc thành công khi tất cả nạn nhân đều được đưa khỏi hang an toàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc cựu đặc nhiệm Saman tử vong khi lắp đặt bình dưỡng khí trong đường hầm cho thấy nỗ lực giải cứu không hề dễ dàng.
13 nạn nhân hiện được điều trị tại bệnh viện tỉnh Chiang Rai và đang trong tình trạng ổn định, không mắc bệnh hoặc có thương tích gì ngoại trừ việc bị nhiễm trùng cấp độ nhẹ, theo AP.
Gia đình các nạn nhân ban đầu chỉ được nhìn thấy con trai qua một lớp kính cách ly. Giờ đây họ có thể vào trong phòng bệnh với điều kiện đứng cách xa nạn nhân 200 m để đảm bảo không bị lây bệnh.