Cố tình để thư lọt vào tay đối phương
Chiến tranh Boer lần thứ hai là xung đột giữa Đế quốc Anh với Cộng hòa Transvaal và Orange Free – hai nước cộng hòa ở châu Phi – từ ngày 11/10/1899 đến ngày 31/5/1902. Phần lớn dân ở hai nước là người Hà Lan và một số nước châu Âu khác. Họ sang châu Phi để khai hoang, tìm vàng và kim cương. Vì thế các sử gia gọi họ là người Boer và cuộc chiến của họ với Anh là Chiến tranh Boer. Xung đột kết thúc với việc hai nước phải đầu hàng Đế quốc Anh.
Ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, Đế quốc Anh phái Robert Baden-Powell, một viên tướng nhiều mưu mẹo, cùng gần 1.500 sĩ quan, binh sĩ tới thành phố Mafeking thuộc Cộng hòa Transvaal. Nhiệm vụ của ông là quấy rối bên sườn quân Boer để họ không thể tung hết lực lượng vào các vị trí trọng yếu của quân Anh. Khi khoảng 8.000 lính Boer tiến về phía thành phố, Robert nhận định rằng lực lượng của ông quá yếu so với đối phương và đánh lừa là cách duy nhất để ông xua đuổi họ. Vì thế ông ra lệnh cho binh sĩ và người dân trong thành phố khiêng những hộp cát ở vài vị trí để lính trinh sát của quân Boer tin rằng họ đang tạo ra những bãi mìn. Vì sợ những bãi mìn nên quân Boer không dám tấn công vào thành phố ngay lập tức.
Tướng Robert Baden-Powell. Ảnh: blogspot.com |
Để phân tán lực lượng của đối phương, Robert gửi thư tới một người bạn ở nơi khác tại Cộng hòa Transvaal. Trong thư ông cảnh báo rằng một lực lượng lớn của Anh sắp tới đây và khuyên người bạn nên chuẩn bị cho tình huống xấu. Trên thực tế Robert biết người bạn đã chết, song ông cố tình gửi thư với hy vọng nó lọt vào tay quân Boer. Hy vọng của ông trở thành hiện thực. Sau khi đọc thư, người chỉ huy quân Boer rút 1.000 binh sĩ về phía sau để phòng quân tiếp viện của Anh (nhưng hơn nửa năm sau quân Anh mới tới). Cuộc chiến tâm lý giúp Robert cầm cự trong 7 tháng. Cuối cùng quân tiếp viện của Anh tới và đẩy lui quân Boer. Khi Robert về Anh, giới cầm quyền và người dân chào đón ông như một vị anh hùng dân tộc.
Tướng Nhật Bản mở toang cổng thành
Mở cổng thành là một kế khiến kẻ thù tin rằng thế trận mai phục đang chờ họ nếu họ tiến vào thành hoặc một khu vực nào đó. Mục đích của việc mở cổng thành là khiến đối phương rút lui, chứ không tiêu hoa sinh lực địch. Kế này xuất hiện trong nhiều tiểu thuyết lịch sử - chẳng hạn như Tam Quốc diễn nghĩa. Nhưng trên thực tế, nhiều tướng từng áp dụng nó trong chiến trận. Tokugawa Ieyasu, một vị tướng tại Nhật Bản, từng áp dụng kế bỏ trống thành trong trận Mikatagahara vào tháng 10/1572. Khi đó đối thủ của ông là Takeda Shingen – người chỉ huy một đội quân đông hơn nhiều so với ông, Japan Times đưa tin.
Ảnh minh họa: blogspot.com |
Trong trận Mikatagahara, lực lượng của Takeda áp đảo quân của Tokugawa nhờ quân số gấp bội. Để tránh nguy cơ thất bại thảm hại, Tokugawa ra lệnh cho binh sĩ rút vào một thành để cố thủ. Trong quá trình rút vào thành, ông yêu cầu binh sĩ cắm đuốc dọc hai bên đường, đồng thời mở mọi cửa thành. Một trong các bộ tướng của Tokugawa đánh một trống lớn trên đỉnh tháp gần một cổng. Đòn tâm lý của Tokugawa phát huy tác dụng. Khi thấy cảnh tượng mà Tokugawa bày ra, Takeda tin rằng đối phương muốn nhử họ vào thành để phục kích. Vì thế ông ra lệnh cho quân sĩ cắm trại bên ngoài thành. Khi màn đêm buông xuống, một toán quân của Tokugawa lặng lẽ trèo tường ra khỏi thành rồi tấn công vào trại của đối phương. Trong cơn hoảng loạn, Takeda tưởng rằng địch đột kích trại với số lượng lớn nên vội vàng rút quân.
Hai tướng Pháp chiếm cầu bằng ba tấc lưỡi
Trong trận Schongrabern vào tháng 11/1805, quân đội của hoàng đế Pháp Napoleon đối đầu với quân Nga và Áo. Jean Lannes và Joachim Murat, hai tướng của Napoleon, muốn chiếm một cầu quan trọng để qua sông Danube. Nhưng một lượng lớn binh sĩ Áo bảo vệ cây cầu. Hai tướng Pháp hiểu rằng, nếu quân Áo không thể bảo vệ cầu, họ sẽ dùng thuốc nổ để đánh sập nó. Vì thế họ quyết định dùng mưu để chiếm cầu.
Ảnh minh họa: twcenter.net |
Với vài sĩ quan và binh sĩ, Jean và Joachim bình thản bước qua cầu để sang phía địch trước sự ngạc nhiên tột độ của lính Áo. Một số lính Áo bắn về phía họ, nhưng họ không tỏ ra sợ hãi. Hai viên tướng tuyên bố một thỏa thuận đình chiến vừa có hiệu lực nên quân Pháp sẽ tiếp quản cây cầu. Khi một lính Áo tìm cách làm sập cây cầu bằng thuốc nổ, Jean mắng anh ta và dọa rằng anh ta sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nếu châm ngòi nổ. Vào lúc đó, viên tướng chịu trách nhiệm giữ cầu tin lời của hai tướng Pháp. Bất chấp sự can ngăn của thuộc cấp, viên tướng Áo ra lệnh cho binh sĩ rút khỏi cầu. Quân Pháp chiếm cầu mà không phải nổ phát súng nào.