Phản lực cơ tự bay qua nhiều nước sau khi phi công nhảy ra
Vụ tai nạn hàng không kỳ lạ nhất trong lịch sử xảy ra vào ngày 4/7/1989. Hôm đó đại tá Skurigin, người điều khiển chiếc MiG-23, nhận thấy phi cơ không thể cất cánh. Do phi cơ lượn dần xuống phía dưới, Skurigin tin rằng động cơ đã ngừng hoạt động nên ông nhấn nút để bật ra khỏi máy bay. Sau đó, trước sự ngạc nhiên của viên đại tá, chiếc máy bay không lao xuống đất mà tiếp tục bay về hướng tây theo chế độ tự động, The National Post đưa tin.
Phi cơ phản lực MiG-23. Ảnh: aerospaceweb.org |
Các phản lực cơ của Mỹ bám sát chiếc MiG-23 khi nó bay qua Tây Đức. Sau đó Pháp cũng điều phi cơ chiến đấu theo chiếc máy bay Liên Xô khi nó lọt vào không phận của họ. Cuối cùng phi cơ tiến sang Bỉ và rơi trúng một ngôi nhà khiến một thiếu niên trong nhà tử vong.
Sau vụ tai nạn, chính phủ Bỉ chỉ trích Liên Xô về sự phản ứng chậm trước tình huống khẩn cấp và không thông báo cho họ về việc phi cơ MiG-23 mang theo vũ khí hạt nhân hay hóa học hay không.
Chiến hạm khổng lồ gây lụt tại Nhật Bản
Trước khi chìm bởi hỏa lực Mỹ vào ngày 24/10/1944 trong Trận chiến Vịnh Leyte, thiết giáp hạm Musashi của đế quốc Nhật Bản là một trong hai tàu chiến nặng nhất và lớn nhất mà loài người từng đóng. Với chiều dài 256 m và trọng lượng rẽ nước khi đầy tải lên tới 72.800 tấn, nó sở hữu những khẩu pháo 460 mm có tầm bắn lên tới gần 37 km. Ngoài ra nó còn mang theo tới 150 khẩu đội chống máy bay.
Một bức tranh về thiết giáp hạm Musashi của đế quốc Nhật Bản. Ảnh: blogspot.com |
Tuy nhiên, kích thước và khối lượng khổng lồ của Musashi chính là nguyên nhân khiến nó vô tình gây nên một trận lụt ở thành phố Nagasaki khi quân đội Nhật Bản hạ thủy vào tháng 11/1940, Fox News đưa tin. Quá trình đưa tàu xuống nước khiến mực nước ở cảng tăng thêm 100 cm. Nước tràn tới những khu vực dân cư xung quanh cảng và khiến nhiều tàu cá gần đó lật. Để bảo đảm bí mật cho lễ hạ thủy tàu, quân đội Nhật cấm người dân ra khỏi nhà khi nước lũ tràn vào.
Đội quân viễn chinh tháo chạy vì binh sĩ say rượu
Để trả thù cho việc chính quyền Tây Ban Nha đối xử tệ với các nhà ngoại giao Anh, giới cầm quyền Anh phái 10 tới 15 nghìn binh sĩ cùng 80 tàu chiến để chiếm thành phố Cadiz của Tây Ban Nha vào năm 1625. Tuy nhiên, đa số binh sĩ trong lực lượng chiếm Cadiz là những người buộc phải tòng quân nên họ không thiết tha với việc chiến đấu. Ngoài ra họ cũng không mang đủ vũ khí, lương thực trong cuộc viễn chinh, Examiner đưa tin.
Một pháo đài ở thành phố Cadiz, Tây Ban Nha. Ảnh: blogspot.com |
Ngay sau khi đổ bộ lên thành phố Cadiz, những người lính Anh lấy rượu vang của dân địa phương vì kho rượu trên các tàu của họ đã cạn. Sau đó, lính Anh say đến nỗi họ không nghe lệnh của các sĩ quan. Edward Cecil, người chỉ huy đoàn quân, ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ trở lại tàu, song để lại 2.000 người say. Sau đó người Tây Ban Nha đã tiêu diệt những người không xuống tàu. Trong số những lính Anh xuống tàu, chỉ khoảng một nửa còn sống sót khi tàu về nước do thời tiết khắc nghiệt và sự thiếu thốn lương thực.