Tướng Mỹ đẩy hàng trăm lính vào lãnh thổ địch để cứu con rể
Trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II tại châu Âu, trại tù binh chiến tranh Hammelburg ở Đức trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công táo bạo nhưng vô ích. Các thành viên của lực lượng phản ứng nhanh Baum (theo tên của Abraham Baum, người chỉ huy lực lượng) nhận lệnh thọc sâu vào lãnh địa của phát xít Đức khoảng 100 km để giải phóng các tù binh ở Hammelburg vào ngày 26/3/1945. Tướng George Patton, người ra mệnh lệnh vô cùng mạo hiểm này, tin rằng con rể của ông là một tù nhân tại trại Hammelburg, The Washington Post đưa tin. Quyết định vội vàng của Patton đã đẩy 314 binh sĩ Mỹ và 57 phương tiện cơ giới vào một chiến dịch mà họ biết khả năng thất bại rất cao.
Tướng George Patton của quân đội Mỹ trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Ảnh: History |
Lực lượng Baum đối mặt với sự kháng cự quyết liệt khi họ tiến tới Hammelburg, khiến họ mất nhiều xe tăng và một trung đội bộ binh. Khi họ tới trại giam, 30% binh sĩ trong đội quân đã tử trận. Họ cũng phát hiện ra rằng những người chỉ huy đã tính toán quá thấp số lượng tù binh. Các sĩ quan chỉ huy nói rằng chỉ 300 tù binh trong trại giam, song trên thực tế các binh sĩ đếm được khoảng 10.000 người.
Hai ngày sau, quân Đức phản công. Nhiều binh sĩ Mỹ cố gắng chạy vào trong những khu rừng gần đó. Baum bị thương bởi một viên đạn. Quân Đức hủy diệt toàn bộ phương tiện cơ giới của phía Mỹ và tiêu diệt 26 người. Chỉ vài người có thể quay trở lại chiến tuyến của phe Đồng minh, còn những người khác trở thành tù binh – giống như những người mà họ muốn cứu. Vào ngày 6/4/1945, sư đoàn thiết giáp số 14 của quân Mỹ tấn công và giải phóng trại giam. Chiến thắng của họ khiến chiến dịch của lực lượng Baum trở nên không cần thiết.
Chiến dịch ngớ ngẩn của cơ quan tình báo Đức
Mặc dù Adolf Hitler, Quốc trưởng Đức Quốc xã, hoãn chiến dịch xâm lược Anh (mang tên Sư tử biển) vào ngày 9/9/1940, Wulf Schmidt, một điệp viên Đức, vẫn nhảy dù xuống lãnh thổ Anh vào ngày 14/9/1940. Ngay khi Wulf vừa chạm đất, người Anh đã bắt hắn. Wulf là một phần của Chiến dịch Lena, một kịch bản mà cơ quan tình báo quân đội Đức vạch ra để dọn đường cho một cuộc xâm lược không bao giờ diễn ra.
Trên thực tế, ngay cả khi Chiến dịch Sư tử biển và Chiến dịch Lena diễn ra, chắc chắn chúng sẽ không thể giúp Đức xâm lược thành công Anh. Toàn bộ những điệp viên tham gia Chiến dịch Lena không thể nói thành thạo tiếng Anh và cũng chẳng hiểu phong tục của người Anh.
Giới chức Anh thừa nhận rằng, ngoài Wulf Schmidt, những điệp viên Đức sa lưới do chúng quá ngu ngốc. Chẳng hạn, một gián điệp Đức cố gắng mua bia vào lúc 10h sáng mà không hề biết rằng, vào thời đó, các quán không bán bia trước giờ người dân ăn bữa trưa. Vì thế mà người dân đoán hắn là gián điệp nên đã báo chính quyền. Hai tên khác sa lưới khi chúng đạp xe ở Scotland ở lề đường bên phải (trong khi người dân ở đây di chuyển ở lề đường bên trái). Sau đó hai tên cố gắng giải thích với cảnh sát bằng giọng Anh không chuẩn. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ phát hiện thân phận của chúng khi họ kiểm tra vali mà chúng mang Khi mở vali, họ thấy xúc xích Đức và kem Nivea (loại kem của Đức).
Đức phái lính đặc nhiệm sang Ba Lan rồi bỏ mặc
Vào tối 25/8/1939, lính đặc nhiệm và gián điệp Đức vượt đèo Jablonkow ở khu vực biên giới Czech - Ba Lan theo lệnh của cơ quan tình báo quân đội Đức. Mục tiêu của đội đặc nhiệm là một nhà ga tàu hỏa ở làng Mosty. Ngoài ra họ cũng muốn chiếm hoặc phá các đài phát thanh, đường dây điện thoại, những cây cầu gần làng Mosty để dọn đường cho quân Đức chiếm Ba Lan.
Xe tăng của phát xít Đức hành quân trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: History |
Nhưng trước khi chiến dịch diễn ra, Quốc trưởng Adolf Hitler của Đức nhận tin Anh và Pháp sẽ bảo vệ Ba Lan, còn Italy – một đồng minh của Đức – chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Vì thế Hitler quyết định hoãn chiến dịch xâm lược Ba Lan. Nhưng không ai trong số những lính đặc nhiệm Đức đang ẩn náu trong lãnh thổ Czech biết quyết định của Quốc trưởng, bởi họ không được phép dùng radio. Họ vẫn tiến hành chiến dịch theo đúng kế hoạch.
Lính đặc nhiệm Đức, dưới sự chỉ huy của một trung tá mang tên Hanz-Albrecht Herzner, tạo được yếu tố bất ngờ và hầu như không hứng chịu tổn thất về nhân sự. Họ áp dụng những thủ thuật ngụy trang tinh vi, đồng thời dọa dẫm dân địa phương rằng một đạo quân lớn của Đức sẽ tràn sang trong vài ngày tới nên người Ba Lan chỉ còn lựa chọn duy nhất là đầu hàng. Với hai cách ấy, họ đã bắt sống vài nghìn lính Ba Lan trên một tàu hỏa quân sự.
Song vài giờ sau, khi hoàng hôn buông xuống, Herzner không thể liên lạc với đơn vị quân đội gần nhất trong lãnh thổ Đức. Viên trung tá nhận ra rằng quân Đức sẽ không thể hỗ trợ đơn vị của ông ta. Herzner và các lính đặc nhiệm buộc phải rút về nước với tâm trạng tủi hổ ê chề, bởi người Ba Lan chế giễu họ.
Mặc dù vậy, tới ngày 1/9/1939, quân đội Đức vẫn xâm lược Ba Lan. Chiến thắng trong chiến dịch cho thấy khả năng chiến đấu hiệu quả của quân đội Đức. Sự kiện Đức tấn công Ba Lan là điểm khởi phát cho Đại chiến Thế giới thứ hai. Ngay sau đó, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức vào ngày 3/9/1939. Australia, New Zealand, Canada, Nam Phi và nhiều nước đồng minh của Anh, Pháp cũng tuyên chiến với bộ máy chiến tranh của Hitler.
Về sau người ta mới biết sự cố Jablonkow là nỗ lực của Wilhelm Canaris, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Đức, nhằm hạ bệ Hitler trước khi trùm phát xít xâm lược Ba Lan. Canaris và những người cùng phe với ông đã cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo quân sự không thực hiện chiến dịch xâm lược Ba Lan, nhưng họ không nghe theo yêu cầu của ông.