Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cây bút vượt lên số phận

Bệnh tật và những di chứng đã cướp đi khả năng hoạt động bình thường của nhiều người. Khi tìm đến văn chương, họ như được hồi sinh.

Tac gia tre anh 1
1. Nguyễn Hữu Thịnh (1981, Hải Dương) được đông đảo bạn đọc đánh giá là cây xương rồng trổ hoa. Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ cha, ngay từ nhỏ, anh đã mang một hình hài tật bệnh (liệt hai chân và một tay). Thế nhưng, bằng nỗ lực sống của xương rồng trên sa mạc, anh đã vươn lên “trổ hoa” với hơn 1.000 bài thơ. Thương lắm mai sau (2010), Hoài khúc Tương Thi (2014) hay Gọi phía mùa thu (2017)... là những vần thơ trong trẻo được bạn đọc yêu mến. Ảnh: T.G.
Tac gia tre anh 2
2. Vũ Nguyên (1990, Thanh Hóa) là chàng trai bị bại liệt, đôi chân teo tóp, không có khả năng đi lại. Anh tìm đến thơ ca với vốn liếng vỏn vẹn là 29 chữ cái tiếng Việt mà mẹ dạy và ngón tay duy nhất biết cử động. Anh đã xuất bản và bán được hàng nghìn tác phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Các tập thơ Chuyện tình chàng thi sĩ, Bài thơ cho em, Tình tương tư... của anh thể hiện niềm vui sống lạc quan bằng trái tim đầy khao khát, đem lại rung cảm đồng điệu cho những tâm hồn cùng chung số phận. Ảnh: P.D.
Tac gia tre anh 3
3. Cùng “sở hữu” ngón tay duy nhất có thể gõ phím, Trần Trà My (1986, Quảng Trị) còn trải qua một cơn phẫu thuật thất bại khiến đôi chân bị bại liệt, nhưng cô nàng 8X vẫn mang trong mình tình yêu văn chương cháy bỏng. Nỗ lực đã giúp cô trở thành nhà văn được lớp trẻ biết đến với các truyện ngắn Giấc mơ đôi chân thiên thần (2009), Chúng ta chính là mùa xuân (2010), Yêu... trên từng ngón tay (2013) và Tin vào điều tử tế (2019)... Ảnh: NVCC.
Tac gia tre anh 4
4. Nguyễn Kim Hòa (1984, Ninh Thuận) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ít ai ngờ rằng, Đỉnh khói (2015), Sa mạc và những vệt nhớ (2016), Con chim phụng cuối cùng (2017) là những tác phẩm được ra đời bởi một cô gái viết lách chỉ bằng ba ngón tay trong tư thế nằm nghiêng. Mới đây, cô được Forbes vinh danh là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 vì những hoạt động tiên phong, bứt phá, vượt qua nghịch cảnh để truyền cảm hứng cho cộng đồng. Ảnh: T.O.
Tac gia tre anh 5
5. Nguyễn Ngọc Sơn (1979, Phú Thọ) phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận khi đã ở giai đoạn cuối. Anh là tác giả cuốn sách nổi tiếng Xin đừng khóc nữa mẹ ơi (2008), Tuổi trẻ đích đáng (2018)... và được trao giải thưởng cá nhân của Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi năm 2008, bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thành tích trong lao động, rèn luyện. Ảnh: Vietnamnet.
Tac gia tre anh 6
6. Trần Hồng Giang (1974, Nam Định) là một nghị lực phi thường vượt lên số phận trong hoạt động sáng tác văn học tỉnh Nam Định. Anh nằm liệt khi mới lên 5 vì một chấn thương nặng vào đốt sống cổ, làm thân thể bại liệt. Từ những nét chữ thấm đẫm nước mắt đầu tiên viết bằng cách áp bút vào má, anh tìm đến thơ ca để giãi bày lòng mình. Nỗi nhớ mùa hè (2003), Chuồn chuồn phố (2011) và trường ca Thương lắm quê mình (2014) là những tác phẩm thể hiện một tâm hồn dạt dào tinh thần lạc quan và tấm lòng đối với quê hương, hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Ảnh: FBNV.

Tác giả trẻ tiếp cận bạn đọc như thế nào?

Bên cạnh việc trau chuốt cho tác phẩm hay, nhiều tác giả trẻ hiện nay không còn chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, mà tìm cách đưa tác phẩm đến người đọc một cách hiệu quả.

Cô gái viết văn với một ngón tay trỏ

Cuốn sách "Bản tình ca cuộc sống" chứa đựng thông điệp nhân văn của cô gái đầy nghị lực Trần Trà My.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm