Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu nói và hành động khiến người khác chán ghét

Những hành động và phong cách ăn nói như sau sẽ khiến người khác chán ghét: Tự cho mình là đúng, thích đưa chuyện, ngồi lê đôi mách, nói chuyện không biết giữ chừng mực cho phép…

Khi đến một số nơi công cộng như rạp chiếu phim, công viên hay quán bar, chúng ta có thể thường xuyên nhìn thấy những “hot boy, hot girl” ăn mặc sành điệu, nhìn lướt qua dễ thấy thiện cảm với họ vì cách trang điểm, kiểu tóc hay ngoại hình đó khiến ta ấn tượng, thế nhưng họ chỉ cần mở miệng nói thì sẽ khiến chúng ta thất vọng hoàn toàn. Họ cười đùa quá lố, văng tục chửi bậy, muốn làm gì thì làm, không thèm để ý đến người khác, trông thật phản cảm.

Cho dù xã hội ngày nay tôn sùng cá tính và sự mới mẻ, nhưng nếu cá tính của bạn được xây dựng trên việc làm ảnh hưởng đến người khác, chắc chắn sẽ chẳng có ai đón nhận điều đó. Thông thường, những hành động và phong cách ăn nói như sau sẽ khiến người khác chán ghét, hãy nhớ kỹ nhé:

Tự cho mình là đúng

Đó là những người luôn khăng khăng hành động của mình là đúng, ý kiến của mình là tốt nhất, đã vậy thái độ còn rất cao ngạo, không bao giờ chịu tiếp thu góp ý hoặc sự khuyên bảo của người khác, cũng không coi ai ra gì. Đây là căn bệnh phổ biến của giới trẻ ngày nay, ví dụ như có một số bạn trẻ mới đi làm, trong tay nắm một chút kiến thức tân tiến bèn thích ra vẻ bản thân hiểu biết, “múa rìu qua mắt thợ”. Những câu mà họ thường hay nói đó là:

- Tôi biết…

- Tôi đã nói là phải như vậy mà…

- Không cần phải bàn bạc gì nữa, cứ như vậy đi…

Sở dĩ kẻ tự cho mình là đúng không được người khác yêu mến là do họ tự đặt địa vị của bản thân lên quá cao so với thực lực của mình, bất chấp cảm giác và sự đánh giá khách quan từ những người xung quanh, thậm chí là không có thái độ tôn trọng với các bậc tiền bối. Họ cho rằng bản thân mình điều gì cũng tốt, mà phủ định mọi thứ của người khác. Kể cả khi phát hiện ra bản thân đã sai, họ cũng không bao giờ chịu nhận lỗi, lại càng không biết mở lời xin lỗi người khác.

Nguoi tre anh 1

Những người thích đưa chuyện dễ khiến người khác ghét nhất. Nguồn: giaoducthoidai.

Thích đưa chuyện, ngồi lê đôi mách

Cá nhân tôi đặc biệt không thích những kẻ hay đưa chuyện và ngồi lê đôi mách. Những “điều tra viên” này thường xuyên xuất hiện sau lưng khi chúng ta đang thì thầm hoặc tâm sự những chuyện tế nhị, riêng tư, dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc máy tính của người khác, luôn moi móc hoặc tìm hiểu một cách quá đáng những việc chẳng hề liên quan đến mình để thỏa mãn sự hiếu kỳ của bản thân. Những người thích bịa chuyện lại càng nguy hiểm hơn, họ không chỉ tò mò chuyện của người khác, mà còn có tài thêm mắm dặm muối, sau đó rỉ tai hết người này đến người khác, khiến cho nạn nhân dở khóc dở cười.

Trong những tình huống thông thường, nếu đối phương không muốn nói thì không nên hỏi thăm một cách tùy tiện, nếu không sẽ khiến họ cảm thấy khó xử. Nếu trả lời bạn thì thấy khó chịu, không trả lời bạn lại cảm thấy ngại, từ đó họ sẽ tìm cách lảng tránh bạn.

Nếu quanh bạn không có chuyện gì xảy ra, tuyệt đối không được thêu dệt bịa chuyện. Kể cả bạn có nói xấu một ai đó trước mặt người khác, họ cũng sẽ nghĩ rằng: “Biết đâu anh/cô ta cũng nói xấu sau lưng mình như thế?”, cứ như vậy, dần dần mọi người sẽ nghi kị và không muốn trò chuyện cùng bạn, bạn sẽ không còn bạn bè, chí ít là không có bạn tâm giao.

Nói chuyện không biết giữ chừng mực cho phép

Một câu nói có thể gây cười, cũng có thể khiến người khác khiếp sợ. Một câu nói hay, người khác có thể không để tâm, nhưng nói một câu khó nghe, họ chắc chắn sẽ để ý. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay mắc phải một tật xấu, đó là không biết giữ chừng mực, không biết “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói chuyện. Câu chuyện sau là một ví dụ: Người bạn nọ giới thiệu cho Quân một khách hàng mới, ba người hẹn gặp nhau ở một quán cà phê.

Cậu bạn giới thiệu: “Đây là anh Hoàng, người Hà Nội, anh ấy mới vào đây chưa được một tuần, cần tìm mua một vài sản phẩm bên cậu, thế nên mình giới thiệu cho hai người gặp nhau”. Quân vui vẻ đứng dậy bắt tay, vô tình nói: “Chào anh, dân Bắc Kỳ mà cũng mua loại sản phẩm này hả anh?”.

“Em có vẻ ghét dân ngoài Bắc bọn anh?”. Khách hàng vẫn cười, nhưng sắc mặt lộ rõ vẻ không hài lòng. Không khí cuộc gặp bỗng trở nên nặng nề và miễn cưỡng.

Dù ba người đều còn trẻ, có thể bông đùa một cách thoải mái, thế nhưng chỉ vì một câu đùa vô ý của mình, Quân đã làm phật lòng Hoàng. Vì vậy, khi giao tiếp với bất cứ ai, nhất là trong lần gặp đầu tiên, chúng ta phải lưu ý, không nên đề cập đến những vấn đề nhạy cảm hay đùa cợt quá đà, khiến người khác lâm vào tình thế khó xử.

Trốn tránh trách nhiệm

Từ xưa đến nay, những bậc trượng nghĩa, dám gánh vác trách nhiệm nặng nề đều khiến mọi người nể phục và yêu mến. Ở bên cạnh họ, chúng ta cảm thấy rất tin tưởng và tràn đầy cảm giác an toàn. Chiều ngược lại, ai cũng ghét kiểu người hễ gặp chuyện là đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, đó là những kẻ ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mà không quan tâm đến hoàn cảnh của người khác.

Nếu chẳng may gặp sai sót trong công việc hoặc bị lãnh đạo phê bình, điều đầu tiên họ làm là ngụy biện cho mình, hoặc đổ vấy trách nhiệm lên đầu người khác.

- Em không hề liên quan đến việc này!

- Trách nhiệm này không thuộc phạm vi của em!

- Đó là em căn cứ theo yêu cầu của công ty mà làm thôi!

- Việc này phải tìm Huy, tuy em phụ trách nhưng cậu ấy cũng có phần sai sót!

Là thanh niên, chúng ta cần can đảm gánh vác trách nhiệm, đó không chỉ là yêu cầu công việc, mà còn là cơ hội để trau dồi kinh nghiệm và học hỏi thêm các kỹ năng. Ngay cả khi trách nhiệm đó quả thực không liên quan đến bản thân, chúng ta cũng nên nhẹ nhàng giải thích cặn kẽ, tránh gây hiểu lầm. Đừng vì những lợi ích nhất thời mà đánh mất đi thiện cảm của những người xung quanh đối với bạn.

Thích lợi dụng

“Nấu cháo” điện thoại bàn ở công ty, chưa từng chủ động trả tiền khi đi ăn uống cùng bạn bè, khư khư giữ đồ của mình trong khi tùy tiện dùng đồ người khác… Những kiểu người như vậy chắc chắn không ai muốn kết giao.

Ngoài ra, rất nhiều bạn trẻ ngày nay có thói quen vay tiền bừa bãi nhưng lại luôn chây ì khất nợ. Đây là một hành động rất thiếu văn minh và ảnh hưởng tiêu cực đến hình tượng và mối quan hệ của bạn. Tất nhiên, khi mới chân ướt chân ráo bước vào công việc, những khi tiêu xài quá đà hay sa cơ lỡ vận, vay mượn bạn bè hay đồng nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhưng hãy cố gắng hạn chế và khắc phục điều này bằng cách lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, hoặc tìm những việc làm thêm để tăng thu nhập.

Alpha Books / NXB Văn học

SÁCH HAY