Những mẩu đối thoại bé xinh ngộ nghĩnh trong bộ sách được ghi lại bằng “ngón tay cái”. Đó là bởi sau khi nói chuyện với cô nhóc hay cậu nhóc, người lớn phải dùng ngón tay cái gõ nhanh vào note điện thoại hoặc status Faccebook vì sợ mình sẽ quên mất.
Những mẩu chuyện ấy được ghi lại trong bộ sách Chuyện kể bằng ngón tay cái. Các câu chuyện mang đến cho tất cả thành viên trong gia đình niềm vui không gì sánh được của sự chia sẻ và yêu thương. Thỉnh thoảng, đọc lại những câu chuyện trong đó, độc giả sẽ mỉm cười, nhớ rằng nhà mình từng có nhiều khoảnh khắc hạnh phúc đến vậy.
Khi trẻ con là sợi dây kết nối diệu kỳ
Bộ sách Chuyện kể bằng ngón tay cái gồm ba cuốn: Chuyện cháu chuyện bà, cùng cười ha ha ha; Bố trẻ gà mờ, nhóc con khó đỡ; Thế giới nhỏ xinh của mẹ con mình của các tác giả Cát Tường, Hải Nam và Khánh Trâm, Thế An, Huệ Anh vừa thân quen như từng gặp đâu đó mỗi ngày, vừa mới mẻ bởi mỗi đứa trẻ đều là một thế giới lạ lẫm khác biệt.
Mặc dù người lớn nào cũng từng là trẻ con nhưng tâm hồn trẻ thơ luôn là thế giới hoàn toàn bí ẩn với người đã trưởng thành. Ở đó, mọi thứ trẻ con chống cằm suy ngẫm đều khiến ông bà, bố mẹ phải “xoắn não” không biết phải gỡ rối tình huống như thế nào. Trẻ thường đặt những câu hỏi "tréo ngoe" như: “Giữa nhện... và mẹ, bố sợ bên nào hơn?”, “con có thể dùng điều khiển từ xa để cho xe máy của bố chạy ẻn ẻn được không?”, “chúng ta ăn thịt gà rồi thì ai sẽ nhận nuôi đàn con của chúng?”...
Bộ ba cuốn sách Chuyện kể bằng ngón tay cái. |
Người lớn có thể sẽ ngơ ngác trước câu hỏi nhỏ, có thể sẽ lúng túng khi bị “hỏi xoáy đáp xoay” và có thể cười ra nước mắt bởi những ngọt ngào mà hồn nhiên trong sáng quá đỗi.
Trong suốt hành trình nuôi lớn một đứa trẻ không có nút "undo", các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đón nhận những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống với trung tâm là một bạn nhỏ có khả năng “nở” ra "mười vạn câu hỏi vì sao". Khoảng cách không còn là điều gì đáng ngại nếu mỗi thành viên thành thật bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Kendo năm tuổi - chú nhóc hay tính toán nhưng lém lỉnh - đã khiến bà nội và cô giúp việc trải qua không biết bao nhiêu “kiếp lênh đênh” bởi nhiều bất ngờ đáng yêu trong cái đầu bé nhỏ. “Cháu ước gì em Rơm sẽ không bao giờ mọc răng - Vì sao cháu lại muốn thế? - Vì em Rơm sẽ chỉ ăn được mỗi cháo, còn lâu mới ăn được món chân giò nướng muối giòn sừn sựt hay bịch kẹo dẻo của cháu - Ối trời!!!”.
Bố cũng không phải là ông - bố - biết - tuốt khi bố rất sợ nhện, bố không biết sửa xe máy hay nóng máu mỗi khi cậu nhóc trong nhà phản bác ý kiến của mình. Nhưng chính những khuyết điểm nho nhỏ như vậy mà các cậu nhóc luôn thấy bố của mình dễ gần, dễ hiểu và có thể tin tưởng, chia sẻ.
Mẹ của Subin - người mẹ tự xem mình giàu vốn sống và đầu óc bay bổng nhất - thì việc sinh ra và nuôi nấng một đứa trẻ như Subin vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng. Nếu như không trải qua, sẽ không thể nào hiểu được cảm giác thực sự trở thành mẹ của một (vài) nhóc tì. Ví dụ, một hôm Subin nói: “Mẹ, mẹ nhét Subin vô bụng mẹ đi - Ủa, chi vậy? - Mẹ nhét Subin với cô Ruby vô chung luôn, để cô Ruby khỏi về nhà mà ở chơi với con luôn - Ủa chắc bụng tui là cái công viên hay gì trời?”.
Người lớn học cùng con
Khi các con hỏi quá nhiều, có thể người lớn sẽ hơi mất kiên nhẫn một chút. Chúng ta thường nói với con “Con hãy đi ra chỗ khác chơi đi!” hay “Đừng hỏi những điều ngớ ngẩn như thế”. Mỗi người lớn có thể thử thay đổi cách trả lời để con không hụt hẫng như: “Ông bà/ bố mẹ cần thời gian tìm hiểu nên sẽ trả lời con sau!”, “Ồ, sao con không thử hỏi bạn bè và thầy cô trên lớp?”, “Con có thể đọc thêm sách để tìm ra câu trả lời đấy”. Mọi hiểu lầm, mâu thuẫn, xung đột đều có thể giải quyết bằng những cuộc trò chuyện.
Chuyện kể bằng ngón tay cái tức là dùng tay note lại những câu chuyện vui vẻ của gia đình trên điện thoại. |
Trẻ con đến tuổi khám phá thế giới xung quanh, luôn cần người lớn bên cạnh. Người lớn là vị cứu tinh cũng như người bạn biết tuốt của con. Tuy nhiên, trong một vài tình huống, người lớn thường quên mất có một vài khái niệm mà trẻ con không hiểu, ví dụ như “cái chết”, trò chuyện với con về luật giao thông, thậm chí là đối phó với những trò quái chiêu như chuyện ăn vạ của trẻ thì người lớn cũng phải cần đến “bí kíp” để vừa chơi vừa giáo dục cho trẻ.
Bên cạnh những câu chuyện tí hon bé xinh, ngộ nghĩnh và hài hước với nhiều cung bậc thì bộ sách Chuyện kể bằng ngón tay cái còn cung cấp cho mỗi phụ huynh những bí quyết bỏ túi trong nhiều trường hợp dạy trẻ để người lớn hiểu và có cách giáo dục phù hợp nhất.
Chúng ta luôn dạy con “lớn thì phải nhường nhịn bé”, điều đó đúng hay sai? Khi nhà có thêm thành viên nhí, ông bà, cha mẹ giúp con chuẩn bị những gì? Lời hứa của người lớn đối với con quan trọng thế nào? Làm sao để con không dùng “nắm đấm” với bạn?... Những câu hỏi này sẽ được tác giả gỡ rối sau các câu chuyện nhỏ.