Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Đại hội Đảng bộ TP HCM lần X. |
Gợi mở thảo luận tại tổ về Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP HCM lần X, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng nêu ra hàng loạt vấn đề mà thành phố đang phải nghiên cứu, tìm giải pháp. Zing.vn trích đăng lại phát biểu này.
Tại sao TP HCM vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng? Tại sao ai cũng thừa nhận TP HCM là nơi đầu tư cơ hội làm ăn tốt nhất cả nước nhưng không phải là nơi có môi trường đầu tư tốt nhất? Tại sao nguồn lực của thành phố không hiếm nhưng mỗi năm lại có một số chuyện đi sau người ta?
Được các tỉnh đến học tập mà không nhân rộng ra?
Ví dụ, mô hình cải cách hành chính áp dụng tin học ở quận 1 rất tốt, được các tỉnh đến học tập và được mời đi giảng dạy tại các học viện nhưng ở TP không nhận rộng ra được mà chỉ có trong vài quận huyện?
Tại sao TP có thiết bị, công nghệ, đội ngũ trí thức như vậy nhưng có những năm công bố chỉ số áp dụng công nghệ thông tin lại thua các tỉnh lân cận, nghe rất vô lý phải không? Cụ thể, tại sao cán bộ mình gặp thì nghe nói chuyện rất hay nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn còn than?
Một câu hỏi tại sao chung nhất là TP HCM có sự cạnh tranh rất mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nhưng tại sao cạnh tranh nhân lực trong khu vực công lại không như thế?
Hiện nay, miền Trung có sự cạnh tranh nhân lực khu vực công khốc liệt hơn TP HCM, trong khi khu vực tư thì mình cạnh tranh rất cao. Ông Lý Quang Diệu (cố Thủ tướng Singapore) ngày xưa nói phải chọn được công dân hạng A cho bộ máy hành chính. Nói chung là có rất nhiều câu hỏi tại sao?
"Làm gì?" và "Như thế nào?"
Từ những câu hỏi “Tại sao?” như vậy, chúng ta mới xác định tới việc “Làm gì” và "Như thế nào?" để TP có môi trường đầu tư tốt nhất. Làm gì để địa phương có cạnh tranh nhân lực tốt nhất? Làm gì để tại TP này, "ai, ông nào muốn làm ăn thì phải lo làm ăn”?
Làm gì để những rào cản bị dẹp bỏ để người dân có tiền, muốn đầu tư thì an tâm, tin cậy đưa tiền vào lưu thông, phát triển kinh tế? Làm gì để những chỉ số phải tương xứng với tiềm năng của TP, phải đạt được mức độ nào đó xứng đáng?
Chúng ta đặt ra rất nhiều câu hỏi “Tại sao”, “Làm gì” và khi hoàn chỉnh cũng dựa vào đó nhưng khi triển khai còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta còn phải suy nghĩ.
Có thể nói trên lý thuyết, văn bản, tổng kết, đề ra như vậy nhưng từ đó đến quá trình tổ chức thực hiện còn một gia đoạn nữa đòi hỏi những điều kiện, quyết tâm khác theo tinh thần “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”. Nhưng cái chính là chúng ta cần phải chỉ ra được những cái cần làm trong thời gian tới.
Nói như các anh thì cứ phải 1,5 - 1,6 (tốc độ phát triển GRDP phải gấp 1,5 - 1,6 lần cả nước). Đi nhích nhích khoảng 1,5 - 1,6 nhưng khi mình đi thì hơn nữa và chạy thì càng hơn nữa, thì mức độ ra làm sao?
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu bên lề Đại hội Đảng bộ TP HCM lần X Ảnh: T.T.Dũng/Tuổi Trẻ |
Lo cho dân, tin dân, học dân, trọng dân thể hiện ra sao?
Vấn đề mô hình thì khó, nhưng với mô hình hiện nay nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền được không? Và làm thế nào để nâng cao được chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân.
Làm sao đó để điều chúng ta hay nói là chỉ có lợi ích của dân chứ không có lợi ích nào khác. Đại hội cũng là lo cho dân, tổng kết cũng là tổng kết chuyện lo cho dân, rồi “tin dân, học dân, trọng dân” thể hiện ra sao trong thực tế cuộc sống, trong làm việc của cán bộ.
Trong nhiều nội dung cải cách hành chính vấn đề con người luôn là nội dung quan trọng. Có người nói rằng khi có quy định chính sách nào đó cán bộ chúng ta sẽ có đối sách. Cứ có chính sách hay gì đó ông cán bộ sẽ nghĩ ra đối sách để ứng phó chuyện đó.
Ví dụ, chúng ta quy định mấy ngày phải hoàn trả hồ sơ nên đi kiểm tra chỗ nào cũng đúng (thời hạn). Nhưng thật ra, người dân phải nộp hồ sơ đến mấy lần. Nộp hồ sơ xong rồi, 10 - 20 ngày sau “ổng” kêu lên bổ sung hồ sơ, 10 ngày sau kêu bổ sung lần nữa. Khi nào đầy đủ hồ sơ ổng mới bắt đầu tính thời gian.
Vậy vấn đề tiếp nhận hồ sơ một lần phải tính từ lúc người ta mang hồ sơ tới. Nếu hồ sơ không đủ thì anh không nhận và phải hướng dẫn cho người ta. Khi anh nhận rồi anh phải giải quyết như thế nào
Tạo sức ép để cán bộ vươn lên
Rồi vấn đề dịch vụ công, chúng ta nói rằng quan trọng nhất là khi có quyền ảnh hưởng, gặp gỡ nhau rồi chắc chắn sẽ “đẻ ra “quyền”.
Ví dụ, người làm thủ tục - người đi xin thủ tục, người thu thuế - người nộp thế ở nước ngoài nghĩ ra cách làm sao cho hai người này gặp nhau qua máy móc là tốt nhất, càng ít gặp nhau thường xuyên (ngoài đời) càng tốt, ít có cơ hội vòi vĩnh hơn.
Ngành thuế cả nước rút ngắn thời gian nộp thuế. TP HCM cũng đặt ra mức bình quân chung như cả nước, như những địa phương khác... thì đâu phải là điều đáng tự hào? Họ cần 280 tiếng, mình chỉ có 200 giờ, thậm chí 150 giờ, như vậy có được không?
Đặt ra những ví dụ như vậy, tôi cho rằng cần phải đặt ra cho cán bộ sức ép để vươn lên. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý và cả đội ngũ cần phải quyết tâm để thực hiện điều này tốt hơn. Tôi tin rằng chúng ta có nhiều dư địa để cải tiến, cải cách và phát triển những nội dung chúng ta đang làm.