Chỉ trong khoảng 4 tháng kể từ khi ca bệnh đầu tiên do chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể. Các nhà khoa học đã giải mã được bộ gen của virus này, bước đầu tiến hành thử nghiệm vaccine chống lại chúng, quy trình thông thường có thể mất tới nhiều năm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp về virus SARS-CoV-2. Việc tìm hiểu câu trả lời cho những thắc mắc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh thời gian tới.
Vẫn còn nhiều thứ chúng ta chưa biết rõ về virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: CDC. |
Đã có bao nhiêu người mắc bệnh?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus có thể lây từ người sang người qua các giọt nước bắn ra từ mũi, miệng khi người nhiễm ho hoặc hắt hơi. Chúng có thể tồn tại trên một số bề mặt nhiều ngày, do vậy, ngoài việc hít phải virus bạn còn có thể vô tình chạm vào khiến virus dính ở tay, sau đó đưa virus vào cơ thể khi chạm tay tới mắt, mũi hay miệng.
Một số bằng chứng cho thấy phân tử virus có thể xuất hiện trong phân của người bệnh và lây nhiễm, nhưng đây là những bằng chứng chưa rõ ràng.
Virus đã lây lan ra toàn cầu, nhưng chúng ta không biết được thực sự có bao nhiêu người đã mắc. Ảnh: Bing. |
Chúng ta cũng không thể biết thật sự có bao nhiêu người đã nhiễm virus. Theo số liệu tính đến tối 28/3, có hơn 600.000 ca nhiễm, trên 29.000 ca tử vong. Tuy nhiên, có thể còn nhiều trường hợp chưa được biết đến do chưa xét nghiệm. Các nhà khoa học dự tính tới 80% số người nhiễm không có biểu hiện hoặc biểu hiện rất nhẹ.
Virus khi xâm nhập cơ thể sẽ tìm tới các tế bào, sử dụng chúng để nhân lên hàng triệu bản và đi khắp cơ thể. Do vậy, lượng virus xâm nhập cơ thể lúc đầu có thể không gây triệu chứng sốt, khó thở. Càng tiếp xúc nhiều với các nguồn lây nhiễm, nguy cơ bị dính virus càng cao.
Người đã khỏi bệnh có bị nhiễm lại không?
Đây là một câu hỏi quan trọng, và chúng ta chưa có câu trả lời. Đã có một số trường hợp người bệnh hồi phục bị tái nhiễm. Tuy nhiên, phần lớn nhà khoa học cho rằng đây là hiện tượng tái phát chứ không phải tái nhiễm. Nói cách khác, bệnh của người đó đã thuyên giảm, xét nghiệm virus ở vùng họng và mũi cho kết quả âm tính, nhưng thực chất virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể.
Người đã hồi phục hoàn toàn sẽ có kháng thể trong máu và có thể chống lại virus. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết kháng thể có tác dụng trong bao lâu. Kháng thể do hệ miễn dịch tự tạo ra có thời gian hữu hiệu khác nhau, và một số loại kháng thể sẽ mất tác dụng nhanh hơn.
Kể cả khi đã có kháng thể, virus SARS-CoV-2 cũng có thể tự tiến hóa thành các chủng mới, giống như virus cúm mùa, khiến cho kháng thể không còn tác dụng.
Các nhà khoa học cho rằng người già với hệ miễn dịch yếu hơn sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, người trẻ cũng nhiễm virus và có thể diễn biến nặng tới mức phải nhập viện. Ảnh: Getty. |
Nhiều phòng thí nghiệm đang phân tích máu của các bệnh nhân đã nhiễm virus để kiểm tra xem họ có thực sự miễn nhiễm không. Khi có kết quả kiểm tra huyết thanh, chúng ta mới có thể nhìn nhận đầy đủ về đại dịch này.
Người trẻ có nguy cơ tử vong vì dịch?
Người trẻ dù có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn vẫn có thể nhiễm Covid-19. Bệnh có thể tiến triển nặng tới mức phải nhập viện.
Đến nay, vẫn chưa thể kết luận người trẻ an toàn hơn trước dịch bệnh. WHO cho biết những người cao tuổi với các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh tim hay cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy nam giới có khả năng mắc bệnh và tử vong do Covid-19 cao hơn nữ giới. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ca bệnh do virus ở nam giới là 2.8% còn nữ giới là 1.7%, theo thống kê được đăng tải trên BMJ Global Health cập nhật đến ngày 28/2.
Bao giờ có thuốc giải hoặc vaccine?
Chúng ta chưa biết được thời hạn chính xác. Đến nay, chưa có loại vaccine hoặc thuốc chống virus nào thực sự chứng minh hiệu quả khi điều trị.
Các phương pháp điều trị hiện nay tập trung vào giảm triệu chứng như khó thở. Thuốc chống virus cũng chỉ có tác dụng làm giảm khả năng nhân bản của virus trong cơ thể, nhưng chưa có loại thuốc nào thực sự được thừa nhận. Tất cả mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.
Đối với vaccine, mặc dù các công ty đã có thể thử nghiệm vaccine lâm sàng với thời gian kỷ lục, chúng ta vẫn phải chờ khoảng 12-18 tháng mới có thể có vaccine tiêm đại trà.
Một trong những trở ngại là virus có thể tiến hóa rất nhanh. Một số nhà khoa học đã chỉ ra điểm khác biệt của virus hiện tại so với phiên bản xuất hiện tại Vũ Hán vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy cấu trúc virus khá bền, do vậy vaccine vẫn có thể có hiệu quả.
Mặc dù vaccine cho Covid-19 đã được thử nghiệm trên người, ít nhất 12-18 tháng nữa chúng mới sẵn sàng để sử dụng đại trà. Ảnh: AP. |
Virus có dễ bị tiêu diệt khi trời nóng?
Một số chuyên gia cho rằng thời tiết nóng vào mùa hè sẽ làm chậm sự phát tán của virus. Tuy nhiên, vào ngày 25/3 Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết trời nóng cũng khó làm giảm sự lây lan của virus. WHO đã khuyến cáo virus có thể lan truyền trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả thời tiết nóng ẩm.
Dịch bệnh kéo dài đến bao giờ?
Không ai biết câu trả lời cho câu hỏi này.
Việc chấm dứt dịch bệnh sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ thời gian mà mọi người có thể cách ly xã hội, tới những loại thuốc hiệu quả trị virus hoặc vaccine ngừa dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ "mở cửa trở lại" vào ngày lễ Phục sinh, tức 12/4. Tuy nhiên, ông đã nhận nhiều chỉ trích về việc đặt ra cột mốc quá gần và có thể khiến y tế không được ưu tiên.
Tại tâm dịch Hồ Bắc, Trung Quốc, cuộc sống đang dần trở lại sau 2 tháng phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải chờ đợi thêm mới biết được bao giờ cuộc sống sẽ có thể bình thường sau dịch.