Nếu không có biện pháp phòng ngừa đúng cách, bất cứ ai cũng có thể mắc Covid-19. Tuy nhiên dựa trên thống kê được các quốc gia công bố, một số nhóm người nhất định có khả năng nhiễm và tử vong cao hơn, trong đó có liên quan đến giới tính.
Cụ thể, nam giới có khả năng mắc bệnh và tử vong do Covid-19 cao hơn nữ giới. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ca bệnh do virus ở nam giới là 2.8% còn nữ giới là 1.7%, theo thống kê được đăng tải trên BMJ Global Health cập nhật đến ngày 28/2.
Ở Trung Quốc, tỷ lệ nam giới hút thuốc là 50% còn nữ giới là 2%. Ảnh: AP. |
Khi dịch bệnh bùng phát, một số nước cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn như Pháp, Đức, Iran, Italy, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Tại Italy với hơn 3.000 ca tử vong tính đến 19/3, nam giới chiếm đến 71% còn ở Tây Ban Nha, số nam giới chết do virus cao gấp đôi nữ giới.
Chưa có nghiên cứu chuyên sâu về lý do nam giới dễ mắc Covid-19 và tử vong hơn nữ giới, đó là lời khẳng định từ Giáo sư Sarah Hawkes thuộc Trung tâm UCL về Giới tính và Sức khỏe Toàn cầu.
Tuy nhiên, việc nam giới hút thuốc nhiều được cho là một trong những nguyên nhân. Tại Trung Quốc, khoảng 50% nam giới hút thuốc, còn nữ giới chỉ là 2%.
Website Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận người hút thuốc dễ bị bệnh nặng hơn nếu mắc Covid-19. Virus có thể từ tay truyền đến điếu thuốc rồi vào cơ thể khi đưa điếu thuốc lên miệng. Ngoài ra, họ cũng có thể chia sẻ điếu thuốc cho người khác, làm tăng nguy cơ lây lan virus.
Các yếu tố hành vi trái ngược giữa nam và nữ cũng có thể là nguyên nhân. Nhiều nghiên cứu chỉ ra đàn ông ít rửa tay hơn, ít dùng xà phòng, ít khám sức khỏe định kỳ và thường bỏ qua các lời khuyên về sức khỏe cộng đồng.
Ngoài hút thuốc, lối sống và hệ miễn dịch bẩm sinh cũng được cho là nguyên nhân khiến nam giới dễ mắc bệnh, tử vong do Covid-19 hơn nữ giới. Ảnh: Getty Images. |
Một số chuyên gia cho rằng những đặc điểm sinh học cơ bản cũng có thể là nguyên nhân. Dù tỷ lệ hút thuốc chênh lệch, nam giới tại các quốc gia với nền văn hóa khác nhau vẫn có tỷ lệ mắc, tử vong do Covid-19 nhiều hơn nữ giới.
"Tôi nghĩ một thứ gì đó bao quát hơn mới là nguyên nhân", Sabra Klein, giáo sư trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg nhận định.
Một nghiên cứu mà Klein tham gia tiết lộ rằng nam giới có hệ miễn dịch kháng các loại virus truyền nhiễm như viêm gan C, HIV thấp hơn nữ giới. Từng có một thí nghiệm trên chuột với virus corona cho kết quả tương tự, tuy nhiên với chủng SARS-CoV-2 thì chưa có nghiên cứu nào.
Hormone cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Estrogen được chứng minh có thể làm tăng phản ứng chống virus của tế bào miễn dịch. Nhiều gen điều hòa tế bào miễn dịch được mã hóa trên nhiễm sắc thể X (nam có một, nữ có 2), vậy nên có thể một số gen liên quan đến phản ứng miễn dịch sẽ hoạt động mạnh hơn ở nữ so với nam.
Sự khác biệt về hệ thống miễn dịch theo giới tính nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong các nghiên cứu chuyên sâu hơn về Covid-19. Hiện có rất ít quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus công bố thông tin về giới tính các ca nhiễm và tử vong. Hy vọng nhiều quốc gia sẽ sớm công bố số liệu để chúng ta hiểu rõ hơn về những đối tượng dễ mắc bệnh, tử vong do virus