Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những câu chuyện vui về hội nghị Paris (kỳ 1)

Mỹ, Việt Nam và vài nước khác đưa ra 8 địa điểm để đàm phán, nhưng bên này đồng ý thì bên kia phản đối. Cuối cùng Việt Nam đề nghị Hội nghị họp ở Paris và Mỹ chấp nhận.

Ông
Ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn VNDCCH tới Paris để đàm phán với Mỹ. Ảnh: VOV World

Tới Paris với tư cách thành viên Đoàn VNDCCH từ những ngày đầu phái đoàn đặt chân lên đất Pháp cho đến khi các bên đặt bút ký vào thỏa thuận lịch sử, ông Trịnh Ngọc Thái nhớ khá nhiều chuyện trong hành trình mang tên Hòa đàm Paris 1973.

Đoàn 37

Tiểu đoàn 307 nổi tiếng trong Kháng chiến chống Pháp ở miền nam và đa số người dân Việt Nam thuộc bài hát tôn vinh đơn vị này. Trong Hội nghị Paris có một đoàn 37, nhưng họ không chiến đấu trên chiến trường mà trên mặt trận ngoại giao.

Đoàn 37 chính là tên của Đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH - sau đây chúng ta gọi tắt là Đoàn Việt Nam. Họ xuất phát từ Hà Nội đầu tháng 5/1968 để sang Paris dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Tổng số người trong đoàn là 37. Trưởng đoàn là ông Xuân Thủy.

Ông Xuân Thủy từng làm Bộ trưởng Ngoại giao của VNDCCH trong giai đoạn 1963-1965, nhưng khi nhận nhiệm vụ Trưởng phái đoàn đàm phán tại Paris thì ông không điều hành Bộ nào. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Xuân Thủy đang đảm nhiệm cương vị Bí thư Trung ương Đảng. Vì thế, khi Chính phủ cử ông đi với tư cách Bộ trưởng là một chức vụ để có danh nghĩa làm Trưởng đoàn đàm phán. Ông cũng không phải là "Bộ trưởng không Bộ" như nhiều người lầm tưởng.

Bác Hồ còn cử ông Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt cho Đoàn đàm phán. Khi đó, ông Thọ đang là Uỷ viên Bộ Chính trị - Trung ương Đảng. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ không xuất phát cùng với Đoàn 37 mà đến Paris sau đó. Bác Hồ giao cho ông Thọ nhiệm vụ cố vấn là bởi ông từng là Phó Bí thư Trung ương cục miền nam nên ông hiểu rõ tình hình trên chiến trường, tương quan lực lượng, không những mặt trận quân sự giáp mặt với quân Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy, mà cả mặt trận chính trị ngay trong lòng địch.

Ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu phái đoàn của MTDTGPMNVN (viết tắt là Mặt trận), còn bà Nguyễn Thị Bình làm Phó trưởng đoàn. Từ tháng 6/1969, khi Chính phủ CMLTCHMNVN (sau đây viết tắt là Chính phủ CMLT) ra đời, bà Nguyễn Thị Bình đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và trở thành Trưởng đoàn Chính phủ CMLT. Trước khi Đoàn lên đường, Bác Hồ cũng dặn dò bà Nguyễn Thị Bình chu đáo.

Việc Bác Hồ và ban lãnh đạo Đảng ta cử các ông Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và bà Nguyễn Thị Bình lãnh đạo cuộc đàm phán, trên chiến trường ngoại giao, mở ra giai đoạn "vừa đánh vừa đàm" đi đến hành động ký kết Hiệp định Paris là một sự lựa chọn chính xác tuyệt vời. Tuy Bác Hồ không kịp chứng kiến ngày ký kết Hiệp định nhưng lúc sinh thời Bác đã chỉ đạo và theo dõi Hội nghị từng ngày từng giờ. Trong hồi ký, Cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon đã viết rằng: Trong suốt thời gian Hội nghị diễn ra, đoàn Mỹ lủng củng và không ổn định, phải thay Trưởng đoàn đến 4 lần. Còn phía hai đoàn Việt Nam và đoàn Chính phủ CMLT thì đoàn kết với nhau. Ông Xuân Thủy, bà Nguyễn Thị Bình và cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đại diện cho hai đoàn trong suốt quá trình đàm phán.

Tại sao nơi họp là Paris?

Sau khi phía Việt Nam và Mỹ đồng ý ngồi vào bàn thương lượng thì vấn đề phải giải quyết đầu tiên là ngồi họp ở đâu. Tất nhiên không phải là Washington, Hà Nội hay Sài Gòn. Mỹ, Việt Nam và vài nước khác đưa ra 8 địa điểm để đàm phán, nhưng bên này đồng ý thì bên kia phản đối. Cuối cùng Việt Nam đề nghị Hội nghị họp ở Paris và phía Mỹ đã chấp nhận.

Vì sao Việt Nam đề nghị họp ở Paris? Trước hết, Paris là Thủ đô của một nước lớn không những ở châu Âu mà của cả thế giới, trung tâm truyền thông trên toàn cầu. Một sự kiện, một thông tin phát đi từ Paris thì ngay lập tức cả thế giới đều biết. Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược là một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Lập trường của Việt Nam là chống xâm lược để giành lại độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Lập trường của Việt Nam đã khơi dậy lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý và Việt Nam muốn lập trường đó được công khai truyền đi cho dư luận hiểu và đồng tình.

Paris có phong trào của nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Đảng cộng sản Pháp và các tổ chức hữu nghị luôn luôn lên án sự xâm lược của Mỹ, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Phong trào yêu nước của người Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ tại Pháp, nơi số lượng Việt kiều đạt mức lớn nhất trên thế giới. Phong trào này có bề dày một thế kỷ và do chính Bác Hồ xây dựng trong thời gian hoạt động ở Pháp.

Chính quyền Pháp lúc đó cũng không đồng tình với sự xâm lược của Mỹ, nước đã hất cẳng Pháp để hòng chiếm đóng Việt Nam, phế truất Bảo Đại để đưa Ngô Đình Diệm thay thế.

Pháp vui mừng khi Việt Nam và Mỹ đề nghị họp ở Paris vì nếu Hội nghị thành công thì Pháp cũng có phần vinh dự. Chính vì vậy mà phía Pháp tiếp đón đoàn Việt Nam từ khi đặt chân đến Paris, bảo vệ an ninh cho tất cả các hoạt động của đoàn Việt Nam trong suốt thời gian 4 năm đàm phán. Phía Pháp cũng chuẩn bị phòng họp riêng với bàn ghế thiết kế riêng phục vụ Hội nghị. Việc ăn uống của từng đoàn trong các phiên họp chính thức cũng được chuẩn bị rất chu đáo. Khi Hội nghị kết thúc, chính phủ Pháp thông báo "miễn phí" tất cả những chi tiêu phục vụ Hội nghị và sau đó ít lâu, hai nước Pháp và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao từ Tổng đại diện lên cấp Đại sứ.

Đó là 4 lý do chính khiến ta đề nghị họp Hội nghị ở Paris.

Đoàn Việt Nam ở đâu?

Khi rời Hà Nội còn bom đạn để đi Paris, không ai biết cụ thể là Hội nghị kéo dài bao lâu, chỉ biết lên đường đến Paris cho kịp họp phiên đầu tiên vào ngày 13/5/1968. Điều may mắn là thời gian chuẩn bị lên đường rất gấp nhưng đi vào mùa hè nên chỉ cần có nhất bộ complet, không cần chuẩn bị quần áo ấm.

Lúc đó ở Paris, Việt Nam có Tổng đại diện là cơ quan đại diện cao nhất cho Nhà nước, đứng đầu là ông Mai Văn Bộ - một người có tác phong chững chạc, phong độ và lịch thiệp. Đón một đoàn quan trọng nhất từ trước đến nay sang dự một Hội nghị có tính chất quyết định đối với vận mệnh của đất nước, ông Bộ muốn bố trí cho Đoàn ở một nơi đàng hoàng, sang trọng để cho người ta biết "Mình là ai?". Ông Bộ nghĩ mãi và quyết định thuê cho đoàn ăn ở tại khách sạn Lutétia, một khách sạn loại sang, 5 sao, ở số 45 trên Đại lộ Raspail - trung tâm của Thủ đô ánh sáng. Thậm chí, ông Mai Văn Bộ còn bắt khách sạn treo cờ đỏ sao vàng trước cửa để đón Đoàn Việt Nam. Khi Đoàn đặt chân xuống sân bay và về khách sạn, giới truyền thông các nước đã chờ sẵn để quay phim chụp ảnh lóa cả mắt. Kiều bào Việt Nam tại đây thì hãnh diện tập trung rất đông ở sân bay rồi hộ tống Đoàn về khách sạn, tay cầm cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu hoan nghênh.

37 thành viên trong đoàn chưa kịp làm quen với nếp sinh hoạt của người châu Âu: Ngủ thì nằm giường đệm "đau cả lưng"; Ăn thì chẳng biết cầm dao, nĩa thế nào, cứ món nào chưa biết thì gọi; Quần áo thì chỉ có duy nhất bộ complet mà người ta không cho giặt, phơi phóng tự do như ở nhà, còn giặt quần áo ở khách sạn thì rất đắt. Trong phòng ông Xuân Thủy thì luôn có hoa, trái cây tươi và một tủ rượu đủ loại.

Sau vài ngày, nhân viên khách sạn đưa cho Trưởng nhóm lễ tân của đoàn là bà Vũ Thị Đạt cái "phắc - tuya" (hóa đơn). Nhìn thấy số tiền ghi trong hóa đơn, bà Đạt suýt ngất, bèn báo cáo Trưởng đoàn. Ông Xuân Thủy bàn với Phó đoàn là ông Hà Văn Lâu và ông Mai Văn Bộ. Sau đó, đoàn quyết định phải chuyển chỗ ở, không cần 5 sao, thậm chí không có sao nào - miễn là có chỗ ăn ngủ, tiện làm việc và có chỗ dựng cột điện đài để liên lạc với trong nước là được. Trưởng đoàn Xuân Thủy giao cho ông Mai Văn Bộ đi nhờ Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ.

Lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp phân công hai đồng chí Gaston Plissonnier (Bí thư Trung ương Đảng) và Elie Mignot liên hệ với đoàn Việt Nam. Sau khi bàn bạc, đồng chí Gaston Plissonnier bố trí cho Đoàn tới ăn ở tại Trường đào tạo cán bộ Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (còn gọi là Trường Đảng Maurice Thorez). Ngôi trường này nằm ở Choisy Le Roi - thành phố ngoại ô Paris do Đảng cộng sản Pháp nắm chính quyền và đồng chí Fermand Dupuis làm Thị trưởng. Lúc đó, các học viên của Trường đang nghỉ hè nên có thể cho Đoàn Việt Nam ở tạm một thời gian. Có địa điểm, mừng quá, Đoàn Việt Nam chuyển đến ngay, còn hạ hồi phân giải tính sau.

Trường Đảng Maurice Thorez thật lý tưởng vì có đầy đủ phương tiện cho đoàn ăn ở và làm việc. Trong trường có một căn nhà trước đây đồng chí Maurice Thorez, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp ở. Ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ được sử dụng căn nhà này vì có đủ phòng khách, phòng ở, nơi làm việc và đặc biệt là có phòng kín dành cho các cuộc họp quan trọng. Các thành viên còn lại của Đoàn ở trong một khu nhà ngay bên cạnh, có phòng đơn, phòng đôi để nghỉ, phòng ăn lớn liền với nhà bếp và có phòng tiếp khách ở tầng trệt. Trong trường còn có một sân rộng có thể tập thể dục, chơi boule (bi sắt), chơi cờ, đánh bóng chuyền. Còn ai muốn chơi bóng bàn thì có thể xuống chơi ở tầng hầm khu nhà.

Thấm thoắt, thời gian nghỉ hè của Trường Đảng Maurice Thorez đã trôi qua mà Hội nghị thì chưa đi đến đâu cả và cũng không ai nói trước được là còn kéo dài đến bao giờ. Đoàn Việt Nam thì hết sức bối rối, còn phía Đảng Cộng sản Pháp thì cũng chưa biết giải quyết thế nào. Trước mắt, phía bạn hoãn ngày tựu trường và cuối cùng thì chuyển trường Đảng tới một địa điểm khác ở xa Paris để tiếp tục chương trình giảng dạy. Còn Đoàn Việt Nam thì đành "xem của bạn cũng là của ta" và ở Choisy Le Roi mãi 1 năm, 2 năm, 3 năm, rồi 4 năm. Đến khi Hội nghị kết thúc, phía bạn không lấy của Đoàn bất kỳ chi phí nào, gồm cả tiền thuê nhà và số cán bộ bạn cử đến giúp đỡ và phục vụ cho Đoàn Việt Nam và Đoàn Mặt trận trong công việc bảo vệ, lái xe, cấp dưỡng, giặt là quần áo tự nguyện và không lương trong suốt hơn 4 năm.

 

http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/Hiepdinh/2013/1/E4CA1E8EEA940308/

Theo Trịnh Ngọc Thái/Thế giới & Việt Nam

Bạn có thể quan tâm