Làm cha mẹ không mong gì hơn ngoài việc được chứng kiến con chào đời, nuôi dạy con khôn lớn. Làm ông bà, niềm vui lớn nhất là chứng kiến con cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Mọi cung bậc cảm xúc đón nhận và chăm sóc các thành viên trong gia đình xuất hiện trong bộ sách gồm 4 cuốn: Ngày bố làm bố; Ngày mẹ làm mẹ; Lại bị giận rồi và Bà ơi, không sao đâu.
Bộ sách gồm 4 cuốn kể về tình cảm gia đình. Ảnh: T.H. |
Ngày trở thành cha, mẹ
Cha mẹ nào cũng luôn chờ đợi, hồi hộp trước khoảnh khắc con chào đời. Giây phút ấy có cả những mong ngóng, lo lắng và niềm vui khó tả.
Ngày mẹ làm mẹ (Nagano Hideko) mô tả rõ nét những cung bậc xúc cảm ấy khi mẹ sinh em bé đầu lòng tại bệnh viện qua mạch kể nhẹ nhàng, đi theo trình tự. "Thước phim quay chậm" ấy soi rọi tình yêu của mẹ với đứa con vừa lọt lòng.
Cảm xúc mang nặng, đẻ đau chỉ người mẹ mới thấu cảm hết. Nhưng khi ấy, người bố cũng có những cảm nhận riêng.
Ngày bố làm bố (Nagano Hideko) kể về một ngày “chói chang, run rẩy”, khi mà phong cảnh hàng ngày bỗng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết, và “không hiểu sao, bố cười như nắc nẻ, có một sức mạnh kỳ diệu đang trỗi dậy trong bố”.
Ông bố trong truyện dù đã hai lần trải qua cảm xúc này, đến lần thứ ba không còn bỡ ngỡ nhiều. Song, đối với ông, đó vẫn là niềm vui và hạnh phúc khó tả.
Hai cuốn sách với những dòng viết xúc động nhưng không kém phần hài hước đều được minh họa bằng những nét vẽ nguệch ngoạc, tạo hình nhân vật với từng cá tính riêng.
Bộ sách đoạt giải thưởng Sankei Juvenile Literature Publishing Culture Award (các cuốn sách xuất sắc trong tất cả các thể loại sách dành cho trẻ em) lần thứ 41.
Phần minh họa của cuốn Lại bị giận rồi được vẽ bằng nét chì dày giúp tạo hình nhân vật nghịch ngợm, tự do rõ nét. Ảnh: T.H. |
"Lại bị giận rồi"
Ken-chan là cậu bé nhân vật chính trong truyện. Mỗi lần bày bừa đồ đạc và quên thu dọn sau khi dùng, mẹ cậu sẽ la mắng bắt dọn dẹp lại.
Cậu bé sợ nhất mỗi lần bị mẹ mắng, nhưng luôn muốn mẹ hiểu rằng dù có thường xuyên làm mẹ giận thì cậu vẫn yêu mẹ thật nhiều.
Lại bị giận rồi là tác phẩm đầu tay của nhiếp ảnh gia Konishi. Cuốn sách được thiết kế với màu sắc trong trẻo, hình ảnh đáng yêu qua nét vẽ tự do, tinh nghịch bằng bút chì, gửi gắm những thông điệp mà mỗi người mẹ nên biết.
"Bà ơi, không sao đâu"
Tình cảm gia đình được nuôi dưỡng không chỉ bởi người làm cha, mẹ. Muốn gắn kết đại gia đình nhiều thế hệ, không thể bỏ qua tình cảm bà - cháu.
Người bà trong Bà ơi, không sao đâu (Kusunoki Akiko) mắc bệnh mau quên. Cuốn sách kể lại hành trình cả gia đình đã cùng nhau giúp đỡ để bà vượt qua căn bệnh này.
Toàn bộ câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một đứa trẻ. Óc quan sát trẻ thơ nhưng ở đó, người đọc vẫn hình dung được, ẩn lấp sau từng tình tiết là sợi dây kết nối gia đình. Đó là điều không thay đổi ngay cả khi trí nhớ của người bà mỗi ngày một kém.
Cuốn sách được thiết kế với phần tranh vẽ của họa sĩ Tshii Tsutomu. Những bức họa trông giống tranh lụa bởi lớp màu mịn màng và rất mỏng. Mỗi trang sách là một bức tranh đẹp.
Truyện đạt Giải thưởng Cây bút mới năm 2017 và được dựng thành phim năm 2019.