Thuở nhỏ, thứ tôi mê nhất là những câu chuyện ma mà người lớn kể. Những câu chuyện ấy không li kì, kinh dị, kĩ xảo, rõ ràng như những bộ phim tôi xem sau này của Nhật, Mỹ hay Thái Lan, Hàn Quốc. Nhưng về độ rùng rợn, lạnh gáy thì đảm bảo hơn rất nhiều, bởi những câu chuyện ấy được sinh ra trong bầu khí quyển Việt, nhân vật là nhân vật Việt, bối cảnh cũng là bối cảnh Việt. Chỉ một gốc cây, tảng đá, ngôi nhà bỏ hoang, bát hương vỡ thôi mà chứa trong mình bao điều huyền bí...
Những chuyện kỳ bí của làng
Giờ đây đọc cuốn sách Cô gái áo xanh: Những chuyện kỳ bí của làng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi lại lần nữa được gặp một phần ấu thơ của mình khi xưa. Hai mươi câu chuyện trong tập là hai mươi câu chuyện về ma.
Tập truyện ma của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. |
Nào là câu chuyện về bóng ma cô gái trên sông cứ đêm trăng sáng lại lên bờ rủ đàn ông xuống sông dìm chết; rồi chuyện về bóng ma trên cây thị; về hồn ma đứa trẻ bị chết trên triền đê những năm đói 1945; về hồn ma người chết vì bom Pháp hiện về nhờ người tìm thủ cấp; về người chèo đò bí ẩn lúc nửa đêm với cái đầu trọc cùng khuôn mặt trắng như vôi; về ngôi chùa cổ chìm dưới lòng hồ mà người làng vẫn nghe tiếng chuông mõ hằng đêm; về hồn ma ăn trộm trầu cau; về cậu bé tên Đúc vẫn hiện lên rủ chúng bạn đá bóng cùng; về những hồn lính gọi đò vào đêm rằm tháng bảy; về ma đưa lối dẫn đi lấy của...
Mỗi câu chuyện đều chứa trong mình những bí ẩn và đầy huyền bí của cuộc sống, có vay có trả, nhân quả báo ứng. Và điểm thú vị ở cuốn sách là tác giả đều cố gắng đi tìm nguồn gốc sự sinh ra của những bóng ma đó.
Khi mà "những hồn ma là ảo nhưng lại luôn xuất phát từ những câu chuyện thật với những con người thật".
Để người đọc hiểu bóng ma cô gái trên sông kia do bị hãm hiếp mà chết, giờ cô hiện lên để lôi kéo, giết những kẻ có dã tâm muốn chiếm đoạt thân xác cô. Để cô không còn hại người nữa, làng bèn lập đàn tế, với đại diện các xóm, cùng lá bùa là lời xin lỗi gửi tới cô gái bị hãm hại khi còn quá trẻ.
Câu chuyện về hồn ma đứa trẻ chết năm 1945 là do khát sữa, mẹ chết đói trước, còn nó, nó cũng ngước mắt lên nhìn mọi người cầu xin mà không được. Nhiều người đi qua dừng lại, nhưng vì đói quá, thân mình còn lo chưa xong thì lo được cho ai. Giờ để nó đi người ta cũng cúng, và mỗi người phụ nữ đang nuôi con trong làng đều vắt một chút sữa mình vào bát, cả làng kéo lên đê, đúng chỗ đứa bé chết khi xưa. Và rồi từ đó nó không về nữa.
Chuyện về người chèo đò lúc nửa đêm thì hóa ra chẳng có gì xa lạ. Người chèo đò đó vốn là người làng, chửa hoang, bị cạo đầu bôi vôi, buộc bè chuối trôi sông mà chết. Nay làng biết nguồn gốc, bỏ đi hủ tục cạo đầu, bóng ma thấy an ủi không tìm về nữa.
Những câu chuyện ma gợi suy ngẫm về câu chuyện về nhân quả, đối nhân xử thế. |
Hay chuyện hồn ma cứ tối tối hiện lên ăn trộm cau và trầu, không phải nghịch phá, mà đằng sau đó là câu chuyện của tình mẫu tử, lòng hiếu nghĩa. Khi bà mẹ già nghiện trầu cau hơn nghiện cơm, nhà lại nghèo, người con trai duy nhất chết đi bà sống một mình. Nay hồn ma anh con trai về đi ăn trộm cho mẹ. Người mẹ chết, từ đấy trong làng chẳng nhà nào mất trầu cau nữa.
Rồi chuyện ma dẫn đi lấy của, sau đó là một câu chuyện nhân quản về đối nhân xử thế. Khi cũng vào năm đói, có nhà ông kia giúp được bà cụ ăn mày chút thức ăn khi còn sống. Cụ chết đi, ông mai táng rồi ba năm sau cải táng, chăm sóc phần mộ như người thân của mình. Cụ bà cảm động vì lòng tốt đó hiện về dẫn đi lấy của báo ơn. Ông đi, về mở ra, thấy vàng, khấn mình không cần vàng, chỉ xin có mụn cháu trai nối dõi tông đường, rồi đem hũ vàng ra bờ sông chôn. Một thời gian sau, con dâu sinh đôi cho nhà ông hai đứa cháu trai kháu khỉnh. Còn ông thì khỏe mạnh cho tới năm 99 tuổi, chết sau một giấc ngủ. Dù gia cảnh nghèo khó nhưng ông không bán một thỏi vàng nào đi cả. Cái vị trí chôn vàng kia mãi mãi là bí mật...
Chuyện ma hay những câu chuyện nhân quả
Khi đọc hai phần ba cuốn sách tôi muốn tin những câu chuyện trong đó là có thật. Nó thật như những câu chuyện tôi được nghe lúc nhỏ nơi thị trấn xưa kia. Nó thật như chính những gì chúng ta nếm, cầm nắm, chạm vào. Những gì chưa giải quyết xong ở "cõi này" thì sẽ được giải quyết nốt ở "cõi bên kia", mọi sự rất công bằng. Sống tốt nhận tốt, sống xấu nhận xấu, tất cả đều nhân quả và có lí do của nó.
"Nhưng quá ít người tin đó là một câu chuyện có thật. Chính vì không có niềm tin ấy mà chúng ta phải sống trong u uất, trong đố kị, trong tranh giành, trong tham lam vô độ như những bầy hoang thú mà chúng ta không biết vì sao chúng ta lại sống như thế!" - nhà văn Nguyễn Quanh Thiều nói về cuốn sách.
Tác giả Nguyễn Quang Thiều. |
Câu chuyện thứ năm: Tiếng phấn rít trên bảng đen - là câu chuyện duy nhất vượt khỏi khuôn khổ ngôi làng Chùa nằm ven sông Đáy. Nó kể về hồn ma người thầy giáo bị giặc Pháp giết khi bảo vệ học sinh và lên tiếng tố cáo tội ác của chúng trên đất Việt. Thầy chết đi, hồn về mỗi đêm, đi từ lớp học qua làng, cào lên mặt các cánh cửa gỗ.
Người ta làm mọi cách như mời thầy cúng, thay đổi phong thủy, xây tượng Quan Âm Bồ Tát mà hồn vẫn về cào cửa. May mắn thay, có người buôn mật mía đi qua, mách làng cứ ngày đầu tháng và hôm rằm thì cúng bảy hộp phấn trắng cho hồn người thầy giáo. Từ đấy hồn không về nữa, khi khát khao dạy dỗ học sinh đã được thấu hiểu. Và người làng nhận ra, đây không phải ma, mà là một người con anh dũng đã chết cho quê hương đất nước.