Trong dự án đầu tư viễn thông sang Lào, Campuchia, lãnh đạo của tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) xem đây là sự lựa chọn xuất phát từ thực tế lịch sử. Lào và Campuchia là hai nước đã có một mối quan hệ truyền thống đặc biệt với Việt Nam. Nói về quyết định đầu tư này, Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel chia sẻ: như Bác Hồ đã nói, "giúp bạn là tự giúp mình". Bạn ổn định, phát triển cũng là giữ sự ổn định cho "phên giậu" của chúng ta. Ðó là một động cơ rất quan trọng, một mục tiêu chiến lược về quốc phòng - an ninh mà Viettel thực hiện thông qua hoạt động đầu tư nước ngoài.
Sau sáu năm đầu tư kinh doanh tại hai quốc gia láng giềng, hiện hai doanh nghiệp của Viettel (Metfone tại Campuchia và Unitel tại Lào) đã trở thành thương hiệu viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Metfone và Unitel còn được trao tặng danh hiệu "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển" tại Giải thưởng truyền thông thế giới (WCA) năm 2011-2012. Viettel đã triển khai xây dựng thành công tuyến đường trục truyền dẫn Ðông Dương dung lượng 400 Gbps nối trực tiếp ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia không chỉ nâng cao dung lượng mạng lưới cho Metfone và Unitel mà còn vu hồi cho đường trục Bắc Nam của Viettel.
Tại Campuchia, sự có mặt của Metfone đã làm giá cước điện thoại giảm từ hai đến bốn lần, góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông tới cả vùng sâu, vùng xa; tạo công ăn việc làm cho hơn hai nghìn người với mức thu nhập bình quân 270 USD/người/tháng và hơn năm nghìn cộng tác viên. Chưa hết, Metfone còn hỗ trợ Quân đội Hoàng gia Campuchia xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng; triển khai internet miễn phí tới gần 1.000 trường học, cơ sở giáo dục... với tổng số tiền hơn 21 triệu USD.
Ở Lào, Viettel đã giúp bạn gây dựng lại một doanh nghiệp của nhà nước vốn đang gặp nhiều khó khăn cả về vốn và chiến lược phát triển; tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 cán bộ nhân viên Unitel có mức thu nhập trung bình khoảng 2,5 triệu kíp/người/tháng và vài nghìn cộng tác viên. Unitel đã hỗ trợ triển khai hệ thống cầu truyền hình giao ban xa cho Bộ Quốc phòng Lào; hỗ trợ triển khai miễn phí dịch vụ internet cho hơn 600 trường học và cơ sở giáo dục...
Tại hai quốc gia láng giềng, Viettel đã đầu tư nghiêm túc, bền vững, có trách nhiệm với nhân dân, Chính phủ và đất nước bạn, góp phần củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Ðông Dương. Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của Viettel không chỉ đặc biệt ở hai nước lân cận. Trước khi Viettel đến Haiti (một quốc gia ở châu Mỹ) đầu tư, quan hệ của quốc gia này với Việt Nam khá hạn chế. Thậm chí, nước này còn chưa có cơ quan đại diện tại Việt Nam. Nhưng sau hoạt động đầu tư của Viettel, Thủ tướng Haiti đã sang thăm chính thức Việt Nam, mở ra một giai đoạn quan hệ ở tầm cao mới.
Cuối năm 2012, Viettel đã trở thành "đặc sứ" trong chuyến công du của Thủ tướng Cộng hòa Haiti đến Việt Nam. Trong chuyến đi ấy, đã diễn ra một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam khi một doanh nghiệp đầu tiên trở thành "đối tác" của một Chính phủ. Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đích thân Thủ tướng Lauren Xanvađo Lamôthê đã cùng Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel ký bản ghi nhớ Viettel trở thành đối tác đầu tư chiến lược của Chính phủ Haiti.
Thực tế, Viettel đã tạo nên một câu chuyện cổ tích tại Haiti khi công ty Việt Nam tiếp tục quyết định đầu tư sau thảm họa động đất khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng và 80% số cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Thời điểm đó, hãng tin AP có hẳn một bài phân tích dài với tiêu đề: "Quân đội Việt Nam sẽ trở thành vị cứu tinh của ngành viễn thông Haiti". Sau 14 tháng xây dựng, Natcom - thương hiệu viễn thông của Viettel tại Haiti đã chính thức cung cấp dịch vụ và tạo ra một bước nhảy vọt về hạ tầng viễn thông của quốc gia này...
Bên cạnh những kết quả kinh doanh thành công, việc tạo ra một hình ảnh đẹp của công ty Việt Nam tại nước ngoài còn đem lại những ý nghĩa lớn lao khác. Thứ trưởng Quốc phòng Trương Quang Khánh nhận xét: "Việc phát triển hoạt động ra nước ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng đã góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa, không những nâng cao vị thế của Viettel mà còn của đất nước, của Quân đội Nhân dân Việt Nam".
Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh bộ đội biên phòng nhận xét: "Việc Viettel đầu tư thành công ở nước ngoài, nhất là ở Lào và Campuchia, có nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ đơn thuần ở khía cạnh mở rộng sản xuất kinh doanh. Ðó còn là nâng cao vị thế đất nước, thắt chặt mối quan hệ giữa nước ta và nước bạn".