Tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức, lần đầu tiên VNPT công khai phương án tách MobiFone ra khỏi tập đoàn này. Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, MobiFone sẽ tách ra đi kèm với một số doanh nghiệp khác.
Tổng giám đốc VNPT lần đầu công bố dự kiến tách MobiFone ra khỏi tập đoàn. Ảnh: Hiệp Đức. |
Còn ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, theo phương án dự kiến, việc tách MobiFone đi kèm với một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả của VNPT để đảm bảo một bức tranh tài chính lành mạnh cho tập đoàn sau khi tái cơ cấu.
Ông Phạm Hồng Hải cho biết, phương án tách MobiFone khỏi VNPT sẽ tạo ra viễn cảnh đúng như chiến lược phát triển ngành viễn thông tới năm 2020 là có ít nhất 3 mạng di động có đủ khả năng cạnh tranh lẫn nhau (MobiFone, VinaPhone, Viettel). Bên cạnh đó, việc MobiFone tách ra cũng giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Bình luận về việc tách MobiFone ra khỏi VNPT, Tiến sĩ Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) chia sẻ: “Nếu tôi ở VNPT, tôi cũng không muốn tách vì MobiFone là công sức của mình gây dựng nên, chiếm tới hơn 70% lợi nhuận toàn tập đoàn. Tách ra là một thiệt thòi lớn – một chuyện vạn bất đắc dĩ”. Người từng làm Tổng giám đốc VNPT nhận định, trong 1-2 năm đầu, việc khó khăn là chắc chắn nên chuyện chuyển một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đi theo MobiFone cũng là điều bình thường.
Ông Mai Liêm Trực cho rằng, việc VNPT "mất" MobiFone là lỗi của chính tập đoàn này. Ảnh: Hiệp Đức. |
Xét về khía cạnh lợi ích của VNPT, ông Trực cho rằng, đây là một tổn thất nhưng điều này có lỗi từ chính VNPT. “Nếu như trước đây VNPT cổ phần hóa MobiFone (từ năm 2005) thì giờ mọi chuyện đã khác. Việc không chịu cổ phần hóa theo đúng quy định của Nhà nước đã khiến VNPT phải chịu hậu quả ngày nay”.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Minh – Chủ tịch MobiFone, Phó tổng giám đốc VNPT chia sẻ, nếu việc tách hoàn tất, MobiFone sẽ trở thành một tổng công ty kinh doanh đa dịch vụ chứ không đơn thuần là thông tin di động như trước. Tuy nhiên, MobiFone có bộ máy, nhân sự, và thương hiệu tốt nên sẽ đủ sức để cạnh tranh và phát triển với cấu trúc mới. Ông Minh khẳng định: “Sau khi tách, MobiFone sẽ có cơ hội phát triển mạnh, đóng góp cho ngân sách nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa chắc chắn sẽ được đẩy nhanh”. Về gánh nặng của những doanh nghiệp thua lỗ đi kèm, Chủ tịch MobiFone nói ngắn gọn: “Việc giải quyết như thế nào đã bàn trong đề án tái cơ cấu”.
Khi một nhà báo đặt câu hỏi: “Liệu gánh nặng đi theo MobiFone (các doanh nghiệp thua lỗ) có làm cản trở quá trình cổ phần hóa mạng di động này không?”. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đây là 2 việc độc lập nhau. Quá trình thành lập tổng công ty trong đó có MobiFone và nhiều doanh nghiệp khác sẽ không ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa mạng di động.
Trao đổi riêng với Zing.vn, một lãnh đạo cấp cao của VNPT tiết lộ, dự kiến sẽ có hàng chục doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả đi theo MobiFone khi thành lập tổng công ty mới, với số lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng. “MobiFone tách riêng không thôi thì khoản lợi nhuận chiếm gần 80% của VNPT sẽ ra đi, trong khi tập đoàn đang phải gánh rất nhiều doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ. Công ty con vốn được coi là gà đẻ trứng vàng mà tách ra phải gánh vách trách nhiệm đó cho bố mẹ cũng dễ hiểu. Việc tự do có cái giá của nó”, ông này bình luận.