Tập sách gồm 13 truyện ngắn của tác giả An Lâm do NXB Văn hoá - Văn nghệ TP HCM ấn hành. An Lâm sinh năm 1977 tại Đồng Nai, định cư ở Mỹ từ 2009 sau 3 năm làm việc ở Hà Lan, 4 năm ở Singapore. Là cựu học sinh chuyên Văn ở Biên Hoà, đã có truyện in trên báo từ khi học sinh, tuy nhiên theo tự sự của tác giả, cô chỉ thực sự thích viết sau tuổi 30.
Tác giả chia sẻ: “Vào một ngày cuối hè 2015, những câu chuyện này nhảy nhót trong đầu tôi, đòi tôi cho chúng quyền được kể. Tôi ngồi vào bàn và viết, những câu chuyện về nơi tôi đang sống (không phải là một nước Mỹ long lanh, hùng mạnh, diễm lệ), về những người dân Mỹ (không phải là những người sáng láng, đẹp đẽ, thành đạt), mà một nước Mỹ rất đời thường của những người dân rất đỗi bình thường...”.
Giấc mơ Mỹ là những lát cắt cuộc sống hàng ngày ở Mỹ của tác giả An Lâm. |
Đúng như những trang nhật ký đời thường, mỗi mẩu chuyện là một lát cắt của cuộc sống hàng ngày ở Mỹ, cạnh đó là những suy nghĩ của nữ tác giả, có thể liên hệ với quê nhà, với Âu châu hoặc với chính bản thể của mình. Liên tưởng một cách tự nhiên, giản dị, nhiều khơi gợi mà vẫn để cho độc giả một khoảng trống để tiếp tục suy nghĩ sau câu chuyện vừa được kể của tác giả.
Lisa tâm thần - Lisa Looney - là một người hàng xóm kỳ dị, nuôi một con trăn và một con mèo cụt đuôi thả rông nên đã nhiều lần bị hàng xóm kiện. Bản thân cô cũng thản nhiên ngủ trưa bên vườn nhà hàng xóm. Rồi một ngày cô mang trăn và rắn nhờ cảnh sát tìm người nuôi hộ, còn mình vào trại tế bần. Cô đã gửi lại nhờ hàng xóm chuyển cho em trai mình một bức thư: “Cảm ơn lời đề nghị đón chị về gia đình em. Chị đã tự do năm hai mươi tuổi. Xin em hãy cho phép con đường chị chọn - một mình. Remember what mother taught us, if you love somebody, never let that person be bothered by the borden of your love”. Khi ta yêu ai, ta đừng để người ấy chìm dưới sức nặng tình yêu của mình.
Yến là con một người mẹ Việt chủ một tiệm nail lớn đông khách. Mẹ cô chiều con, thương cả họ hàng bên Việt, luôn gửi thịt xay phomai hộp bơ sữa về trong những năm khó khăn. Yến được mẹ mua xe BMW từ năm 16, đến 30 tuổi vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì, xăm mình, trải nghiệm a hell of three nights” - ba đêm địa ngục, cùng các loại đồ chơi tình dục và vẫn canh cánh đau khổ việc tìm ra meaning of life - ý nghĩa của đời mình.
Hay chuyện những đồng nghiệp cùng văn phòng tán gẫu về các First Ladies, phần lớn đồng ý Jackie Kenedy là đệ nhất phu nhân xinh nhất, còn Michelle Obama là một big girl quá cao to vâm váp xôi thịt. Câu chuyện chuyển sang ký ức về ngày 11/9. Asley kể, lúc ấy em đang học lớp 9, mẹ em đột ngột đến trường đón sớm, ôm chặt em và bảo “về thôi con”. Còn một nhà văn Việt sau hôm ấy đã viết thư cho em mình “nước Mỹ chưa bao giờ là thiên đường nhưng nước Mỹ là nơi sản sinh ra American dreams... Em, chính em là người tạo ra ước mơ đó”.
Và sau tất cả, những vại bia đen Amber là nơi giải toả các u sầu cả cuộc sống, cũng như mọi nơi trên thế giới này. Sandy 65 tuổi, đi làm nuôi con trai tuổi 40 thất nghiệp cùng bạn gái của anh ta, tuổi 45. Cô bạn gái còn mang theo một đứa cháu ngoại Mia bị câm. Sandy đã mở rộng vòng tay đón họ quay trở lại nhà mình, làm hết sức để tạo dựng một gọi cái là “family” cho Mia, đứa trẻ tật nguyền không chung dòng máu. “Trước khi tỉnh ra thì mình đã già mẹ nó rồi!”.
Nhưng rồi cậu con trai đã làm giả chữ ký mẹ, rút hết tiền trong tài khoản rồi mang bầu đoàn thê tử bỏ đi. Hôm ấy trời đầy mây tím và tất cả mọi tội lỗi đó chắc là đều từ những đám mây tím hình thù kỳ quặc đang lơ lửng trên đầu đó. Và Amber bia mát lạnh cùng nhạc Johny Cash đã làm Sandy thấy OK, sau tất cả.
If I could start again
A million miles away
I will keep myself
I would find a way.
(Nếu tôi có thể làm lại từ đầu/Bắt đầu tự con đường triệu dặm trong quá khứ/Tôi sẽ giữ mình thanh sạch/Tôi sẽ tìm ra lối đi).
Ngày nay, khi xu hướng dịch chuyển của người Việt trẻ càng phổ biến, càng có nhiều tác phẩm của chính họ viết về cuộc sống toàn cầu dưới những góc nhìn khác nhau. “Giấc mơ Mỹ” thực sự là một giọng điệu riêng trong làn sóng đó.
Tác giả tâm sự: "Hy vọng bạn sẽ có một hành trình thú vị khi nhìn thấy nước Mỹ qua một lăng kính mới.” Đọc tập truyện của An Lâm, niềm vui và nỗi buồn đều bình dị, sâu lắng và thực tế như uống ly bia Amber trong một chiều hè lộng gió sau một ngày bộn bề của cuộc sống thường nhật.