Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Những 'cao tốc' ma túy nối châu Á với châu Mỹ

Toàn cầu hóa kéo theo sự bùng nổ các hoạt động tội phạm quốc tế, đặc biệt là buôn bán ma túy. Cocaine được chuyển từ châu Mỹ đến châu Á và ma túy tổng hợp đi theo chiều ngược lại.

ma tuy xuyen quoc gia anh 1ma tuy xuyen quoc gia anh 2

Toàn cầu hóa kéo theo sự bùng nổ các hoạt động tội phạm quốc tế, đặc biệt là buôn bán ma túy. Cocaine được chuyển từ châu Mỹ đến châu Á và ma túy tổng hợp đi theo chiều ngược lại.

Một ngày mùa hè đầy nắng tháng tám, Daniela (tên nhân vật đã được thay đổi), một phụ nữ đến từ Venezuela, lần đầu đặt chân đến Hong Kong. Dù thời tiết oi bức, cô mặc áo khoác đen, áo thun trắng, quần bò ống loe và đi giày cao gót.

Daniela đang mang thai, nhưng đứa bé không phải là thứ duy nhất cô mang theo, bên trong chiếc quần bò ống loe là 4 bịch cocaine được dán vào sau bắp chân.

Cô bị bắt ngay tại sân bay, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu của câu chuyện.

ma tuy xuyen quoc gia anh 3

Daniela khai với cảnh sát Hong Kong rằng cô bị hai người Nigeria ép buộc vận chuyển ma túy trên chuyến bay khởi hành từ Sao Paulo, thành phố đông dân nhất của Brazil. Sau khi dừng chân ở Abu Dhabi, máy bay tiếp tục đi đến điểm cuối là sân bay quốc tế Hong Kong. Theo cảnh sát, số cocaine trên người Daniela có trọng lượng gần 2 kg, và có giá 255.000 USD nếu được tuồn ra ngoài trót lọt.

Daniela nói cô được đảm bảo rằng bất cứ ai đón cô ở Hong Kong đều sẽ nhận ra cô nhưng Daniela không hề có cơ hội gặp người đó.

Những tổ chức tội phạm Trung Quốc, những băng đảng ma túy châu Mỹ Latin và những tay buôn lậu người Nigeria đang ngày càng liên kết chặt chẽ để mở rộng mạng lưới buôn bán ma túy quốc tế. Trong khi lượng cocaine chuyển từ Nam Mỹ đến châu Á đang ngày càng tăng, ở chiều ngược lại, các băng đảng Nam Mỹ cũng tích cực thu mua tiền chất hóa học từ Trung Quốc để sản xuất các loại ma túy tổng hợp như methamphetamine (ma túy đá) và fentanyl (chất gây nghiện nhóm opiod) để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng ở Bắc Mỹ.

ma tuy xuyen quoc gia anh 4

Và điều này khiến một số phụ nữ như Daniela, và con cái của họ, trở thành những nạn nhân của sự bùng nổ hoạt động mua bán ma túy toàn cầu.

Jamie (tên đã được thay đổi) không hiểu tại sao lại có bức tường kính ngăn cách em và mẹ của mình, và cũng không hiểu tại sao em chỉ được trò chuyện với mẹ qua điện thoại. Jamie sinh ra trong một nhà tù với an ninh nghiêm ngặt nhất Hong Kong, cách xa những khu vui chơi của trẻ nhỏ và cũng không có cơ hội xem hoạt hình như những đứa bé cùng trang lứa. Phòng thăm nom của nhà tù là cơ hội hiếm hoi để Jamie có thể gặp gỡ những người sống bên ngoài.

Khi Daniela bị kết án 25 năm tù giam, con trai Jamie của cô trở thành nạn nhân gián tiếp của hoạt động vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Theo ước tính của trung tâm nghiên cứu Global Financial Integrity có trụ sở tại Washington, ngành kinh doanh bất hợp pháp này đem lại từ 426-652 tỷ USD doanh thu phạm pháp mỗi năm.

Theo các chuyên gia an ninh sân bay, những tên tội phạm điều hành đường dây thường xếp nhiều người mang ma túy trên một chuyến bay và sẵn sàng hi sinh một đến hai “con tốt thí” để giúp những kẻ còn lại vận chuyển trót lọt. Daniela tin rằng việc cô bị cảnh sát phát hiện đã được dự tính từ trước.

ma tuy xuyen quoc gia anh 5

Giáo sư Karen Laidler, giám đốc Trung tâm Tội phạm học của Đại học Hong Kong cho biết sự thâm nhập của những băng đảng tội phạm Nam Mỹ vào thị trường châu Á “chắc chắn đang diễn ra” và không khó để hiểu: có cầu thì sẽ có cung.

Bà Laidler cho biết: “Cocaine bắt nguồn từ Nam Mỹ và sẽ xuất hiện ở những nơi như Hong Kong… Nhu cầu cocaine đang gia tăng ở đây. Ketamine từng là loại ma túy phổ biến ở Hong Kong trong nhiều năm nhưng điều này đã thay đổi, bây giờ mọi người sử dụng ma túy đá và cocaine”.

Thật khó để trả lời câu hỏi tại sao “khẩu vị” ma túy của người dân ở đây thay đổi như vậy, nhưng bà Laidler nhận định: “nếu bạn nghĩ rộng hơn thì điều quan trọng là sự đa dạng sản phẩm của thị trường, và mức độ tinh khiết của sản phẩm đó. Theo bà Laidler, ketamine ở Hong Kong đã có sự đi xuống về chất lượng (giảm độ tinh khiết) trong vài năm qua và người dùng cũng bắt đầu nhận thấy những vấn đề về sức khỏe khi sử dụng nó. Bên cạnh đó lớp người dùng ketamine già đi, và giới trẻ bây giờ có nhu cầu sử dụng loại ma túy khác.

Tuy nhiên theo ông Jeremy Douglas, người đại diện của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma Túy và Tội phạm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có trụ sở tại Bangkok, thị trường châu Á vẫn đang bị thống trị bởi ma túy đá và heroin, đặc biệt là ma túy đá.

ma tuy xuyen quoc gia anh 6

Ông Douglas nhận định: “Cocaine chỉ được sử dụng bởi tầng lớp giàu có vì giá của nó rất đắt. Thường nó xuất hiện ở các bữa tiệc thượng lưu tại Bangkok, Hong Kong và một số thành phố lớn khác ở phía đông và phía nam Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải.”

Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng sáu về tình hình ma túy toàn cầu của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma Túy và Tội phạm, châu Á và châu Phi đang trở thành những trung tâm mới nổi về buôn bán và tiêu thụ cocaine. Loại ma túy này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia châu Á, thậm chí là cả ở những nước ít được nghĩ đến như Myanmar và Cambodia.

Mặc dù hàng năm rất nhiều người bị bắt vì mang theo loại ma túy này ở các sân bay trên thế giới, cocaine không đến với châu Á chủ yếu bằng đường không. Thay vào đó số lượng lớn cocaine thường được vận chuyển bằng đường biển trên các con tàu chở hàng.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, sản lượng vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển tăng 6% vào năm ngoái. Với việc số lượng các container di chuyển xuyên Thái Bình Dương và trên thế giới tiếp tục gia tăng, cơ hội để buôn lậu hàng cấm bằng đường biển cũng tăng theo, vì khác với an ninh ở sân bay, sự kiểm soát ở các cảng biển không thể chặt chẽ bằng.

Ông Douglas cho biết, các thành phố như Hong Kong và Thượng Hải có những cảng biển khổng lồ, và khả năng vận chuyển ma túy trót lọt cũng cao hơn so với quá trình rà soát hành khách kỹ càng ở các sân bay.

ma tuy xuyen quoc gia anh 7

Để hoạt động vận chuyển ma túy diễn ra thông suốt, các ông trùm ma túy Nam Mỹ hiểu rằng họ cần phải tìm kiếm những đối tác kinh doanh từ những băng đảng khác, những đồng minh từ lực lượng cảnh sát và thậm chí là cả quan hệ với chính phủ. Đây là điều đã được thể hiện trên phim ảnh với hai series nổi tiếng của Netflix là Narcos và El Chapo, dựa theo cuộc đời của hai trùm ma túy Pablo Escobar và Joaquin Guzman.

Những mối quan hệ như vậy vượt qua tất cả trở ngại về mặt địa lý hay thời gian. Từ những năm 1990, các băng đảng ma túy Nam Mỹ đã bắt đầu liên kết với những nhóm tội phạm ở châu Á – Thái Bình Dương để tìm nguồn nhập khẩu ephedrine và pseudoephedrine, hai tiền chất hóa học quan trọng để sản xuất ma túy đá. Khác với Bắc Mỹ hay châu Âu, nơi những tiền chất này bị quản lý chặt chẽ, việc tìm nguồn cung cấp số lượng lớn trở nên dễ dàng hơn ở Ấn Độ và Trung Quốc.

ma tuy xuyen quoc gia anh 8

Một trong những ông trùm nổi tiếng nhất giai đoạn này là Ignacio “Nacho” Coronel Villarreal, người được mệnh danh là “Ông vua Pha lê” vì vai trò quan trọng trong việc sản xuất và vận chuyển ma túy đá. Nacho có mối liên kết chặt chẽ với Joaquin “El Chapo” Guzman, ông trùm của băng Sinaloa khét tiếng ở Mexico. Có thông tin cho rằng Nacho cũng là một trong những người sáng lập băng Sinaloa bên cạnh El Chapo.

Nacho bị giết trong một cuộc đấu súng với quân đội Mexico vào năm 2010, còn El Chapo thì đang bị xét xử ở thành phố New York và nhiều khả năng sẽ ngồi tù trọn đời trên đất Mỹ.

Một số băng đảng ma túy khác của Mexico, như băng Colima hổi năm 1990 và băng Jalisco New Generation trong thời gian gần đây, được cho là những nhà sản xuất quan trọng cung cấp ma túy đá cho thị trường. Với giá sản xuất rẻ và không bị phụ thuộc vào đất đai hay thời gian như cocaine và cần sa, ma túy đá trở thành mặt hàng kiếm tiền dễ dàng nhất của các băng nhóm tội phạm.

Nhưng một vụ bắt giữ hồi năm 2007 tại Mexico đã cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các nhóm tội phạm ở hai bờ Thái Bình Dương. Zhenli Ye Gon, doanh nhân quốc tịch Mexico sinh ra ở Thượng Hải, bị phát hiện có 205 triệu USD tiền mặt trong nhà riêng của mình.

Ye Gon, người từng sở hữu tập đoàn bán lẻ dược phẩm Mexico Unimed Pharm Chem, bị các công tố viên Mỹ cáo buộc tham gia đường dây nhập khẩu chất hóa học từ Trung Quốc để phục vụ việc sản xuất ma túy đá của các băng đảng. Ye Gon bác bỏ các cáo buộc và vụ án bị dừng lại vào năm 2009 khi các nhân chứng từ chối xuất hiện trước tòa.

Trong những năm gần đây, cũng có những dấu hiệu khác cho thấy sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các băng đảng Nam Mỹ và các nhóm tội phạm châu Á. Vào năm 2013, ba cá nhân được cho là thành viên của băng Sinaloa bị bắt giữ ở Philippines. Các quan chức địa phương không thể lý giải sự xuất hiện của tội phạm Nam Mỹ ở đất nước Đông Nam Á này, nơi mà những băng đảng Trung Quốc và Tây Phi đã hoạt động từ lâu, nhưng đó là lần đầu tiên người ta xác nhận sự xuất hiện của băng đảng Mexico ở khu vực.

Ở phía bên kia, văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Mexico đưa ra một báo cáo vào năm 2013 cho biết hai băng đảng 14K và Sun Yee On của Hong Kong đang cung cấp tiền chất sản xuất ma túy đá cho băng Sinaloa.

Đến năm 2015, cảnh sát Philippines bắt quả tang thành viên băng Sinaloa có tên Horacio Herrera Hernandez và 255.000 USD tiền mặt trong vụ mua bán diễn ra ở Manila.

Khi ông Rodrigo Duerte trở thành Tổng thống Philippines vào năm 2016, mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều bởi chính sách cứng rắn với ma túy của nhà lãnh đạo này. Mặc dù vậy, sự kết nối giữa các băng đảng Mexico và các tổ chức tội phạm quốc tế ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Các nhà chức trách Australia vào năm 2016 cảnh báo về mối quan hệ phức tạp và chặt chẽ giữa những băng đảng ma túy của Mexico và các tổ chức tội phạm ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Điều này được thể hiện khi lượng ma túy đá và cocaine thâm nhập vào Australia ngày càng gia tăng.

Có hai lý do cho việc các băng đảng ma túy Mexico tích cực đi tìm kiếm thị trường mới, đầu tiên là về mặt lợi nhuận, cocaine có thể có giá trị gấp 10 lần khi được xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Lý do thứ hai là việc nguồn cung cocaine đang trở nên nhiều hơn so với trước đây. Theo báo cáo hồi tháng chín của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, sản lượng cocaine của Colombia đã đạt mức kỷ lục trong năm 2017, tăng khoảng 30% so với trước đó.

Ông Douglas nhận định: “Đang dư thừa nguồn cung cocaine, sản lượng ngày càng tăng và nếu nhu cầu ở châu Âu và Mỹ trở nên bão hòa, các băng đảng sẽ phải đi tìm thị trường mới. Châu Á là nơi người dân đang giàu lên và với tiềm năng tăng trưởng cao, đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho những kẻ buôn lậu”.

ma tuy xuyen quoc gia anh 9

Trong khi cocaine đang đi tới, ở chiều còn lại, hàng nghìn những lò sản xuất ở Trung Quốc và các địa điểm khác ở châu Á đang ngày đêm tạo ra số lượng lớn ma túy tổng hợp để xuất khẩu đi thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, Canada và Australia.

Chỉ tính riêng năm 2017, số trường hợp chết vì quá liều fentanyl đã lên tới 29.000 người ở Mỹ, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh nước này. Fentanyl là loại thuốc giảm đau nhóm opiod nhưng thường được người nghiện sử dụng như một loại ma túy vì nó có sức mạnh gấp 30 đến 50 lần so với heroin.

Hầu hết số fentanyl xuất hiện trên đường phố Mỹ được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mexico. Theo các chuyên gia, những băng đảng Mexico đang tận dụng mạng lưới buôn bán cocaine trước đây để phân phối ma túy tổng hợp nhóm opiod. Mặc dù số lượng lớn loại ma túy này được tuồn vào Mỹ qua biên giới phía nam, có lượng rất lớn khác được chuyển bằng đường biển trực tiếp từ Trung Quốc qua Dịch vụ Bưu chính Mỹ hoặc các kênh vận chuyển tư nhân khác. Điều tương tự cũng diễn ra ở Canada.

Ông Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu ngành châu Mỹ Latin học ở Viện nghiên cứu chiến lược thuộc trường Chiến tranh Quân sự Mỹ tại Pennsylvania, cho rằng đang có sự cạnh tranh giữa các băng đảng Trung Quốc và Mexico để đưa ma túy vào thị trường Mỹ.

“Rất nhiều mạng lưới bắt đầu với việc băng đảng Mexico đến Trung Quốc để tìm nguồn hóa chất sản xuất ma túy tổng hợp, và đôi khi nhập khẩu cả ma túy thành phẩm từ quốc gia này để đưa vào Mỹ. Nhưng khi tội phạm Trung Quốc phát triển tinh vi hơn, họ bắt đầu tìm kiếm đối tác trực tiếp từ thị trường Mỹ”.

Vào tháng 10/2017, nhà chức trách Mỹ lần đầu tiên công bố các cáo buộc với công dân Trung Quốc buôn lậu fentanyl và buộc tội 32 cá nhân có liên quan.

Bên cạnh Trung Quốc, nơi sản xuất fentanyl với quy mô lớn nhất châu Á, loại ma túy này còn xuất hiện ở Pakistan, Ấn Độ và cả Thái Lan, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh việc sản xuất ma túy tổng hợp đang trở nên phổ biến ở châu Á, khi các băng đảng tăng sự đa dạng mặt hàng sản phẩm, bên cạnh ma túy đá và ketamine. Fentanyl được các chuyên gia đánh giá là mối đe dọa mới vì nó khá dễ sản xuất, mang lại lợi nhuận cao và đặc biệt là đã có thị trường từ trước (người nghiện heroin).

ma tuy xuyen quoc gia anh 10

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa vấn đề này lên Twitter, vào hồi tháng tám, ông Trump cáo buộc Trung Quốc đứng đằng sau vấn nạn sốc thuốc fentanyl ở Mỹ. Bắc Kinh mô tả phát biểu của ông Trump là “vô trách nhiệm” và “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Ông Ellis nhận xét: “Đang có nhiều đổ lỗi cho nhau. Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc có thể làm tốt hơn trong việc quản lý nguồn cung, nhưng về phía Mỹ, họ cũng phải có trách nhiệm làm tất cả những gì có thể để kiểm soát nhu cầu ma túy ở đây".

Các chuyên gia cho rằng việc các băng đảng tăng cường liên kết quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và châu Mỹ Latin.

“Để phối hợp hiệu quả chống lại tội phạm, các bên cần phải trao đổi những thông tin về các quan chức nhúng chàm của bên kia, các chiêu thức phạm tội và dữ liệu cá nhân của công dân nước mình. Đây là không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức vì đôi khi việc này cần rất nhiều lòng tin".

Ông Ellis cũng cho biết các quan chức phòng chống ma túy sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại để chiến đấu với loại tội phạm này. Tới nay có rất ít các nhân viên điều tra trong lực lượng an ninh của các quốc gia Nam Mỹ có thể sử dụng tiếng Trung Quốc, điều này khiến cho những đường dây liên quan đến đại lục khó bị phát hiện.

ma tuy xuyen quoc gia anh 11

Không chỉ là thị trường hấp dẫn để tiêu thụ cocaine và tìm kiếm tiền chất sản xuất ma túy tổng hợp, châu Á và đặc biệt là Trung Quốc còn trở thành nơi lý tưởng để các băng nhóm dễ dàng hợp pháp hóa số tiền kiếm được từ các hoạt động buôn bán ma túy.

Bà Celina B. Realuyo, chuyên gia của chương trình Sáng kiến toàn cầu chống lại Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhận định: “Các băng đảng Mexico và Colombia từ lâu đã ‘hội nhập quốc tế’ bằng việc sử dụng các doanh nghiệp và công ty cung cấp dịch vụ tài chính ở Hong Kong và Trung Quốc để rửa tiền”.

Năm 2015, ba công dân Colombia đã bị các công tố viên Mỹ buộc tội tham gia vào đường dây rửa tiền quy mô quốc tế có trụ sở tại thành phố Quảng Châu. Thông tin từ vụ án cho rằng đường dây này đã rửa thành công ít nhất 5 tỷ USD qua các ngân hàng ở Hong Kong và Trung Quốc và chuyển tiền trở lại cho các băng đảng ma túy ở Mexico và Colombia. Các công tố viên cho biết những cửa hàng đổi tiền, sòng bạc, công ty xuất nhập khẩu và một số nhà máy đã nhận hàng tỷ dollar từ đường dây này.

Một trong những cách phổ biến để rửa những đồng tiền phi pháp là mua hàng giả từ Trung Quốc và sau đó bán lại ở Colombia hoặc những nơi khác.

Theo lời bà Realuyo, các băng đảng Mexico như Sinaloa hay Jalisco New Generation đang có được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán cocaine tới Hong Kong và các thị trường mới nổi khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này dẫn đến việc các tổ chức tài chính Trung Quốc trở thành nơi rửa tiền chủ yếu cho hoạt động tội phạm này và đang trở thành mục tiêu của kiểm tra gắt gao từ chính phủ quốc tế.

ma tuy xuyen quoc gia anh 12

Các công dân Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều hơn trong các vụ bắt giữ liên quan đến hoạt động của băng đảng ma túy Nam Mỹ. Vào tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Colombia đã triệt phá đường dây rửa tiền dính dáng đến băng Sinaloa của Mexico, và những người Trung Quốc được cho là mắt xích quan trọng trong đường dây này, theo báo El Tiempo.

Cảnh sát tịch thu lượng hàng hóa trị giá 88 triệu USD trong chiến dịch được mô tả là đòn giáng mạnh vào hoạt động của băng Sinaloa, đường dây này liên quan đến ít nhất 20 công ty, 17 trong số đó được điều hành bởi các công dân Trung Quốc. Vụ việc hé lộ mánh khóe của các băng đảng ma túy khi đưa công dân Trung Quốc (đôi khi không có thị thực) lên điều hành công ty để tạo hình ảnh một doanh nghiệp hợp pháp.

Vào tháng 5 năm nay, 6 công dân Trung Quốc cũng bị bắt tại Mexico City vì bị tình nghi liên quan đến đường dây rửa tiền cho các tổ chức tội phạm.

Báo cáo gần đây của Cục Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) cho rằng các băng đảng gốc Á tại Mỹ “đóng vai trò quan trọng trong việc hợp pháp hóa tiền buôn bán ma túy”. Những tổ chức này ký những hợp đồng dịch vụ để rửa tiền và đôi khi hợp tác trực tiếp với các băng đảng ma túy xuyên quốc gia của Mexico, Colombia và CH Dominica.

Báo cáo này cũng tiết lộ chiến thuật rửa tiền được sử dụng bởi các băng đảng gốc Á, đó là sử dụng các công ty bình phong để chuyển tiền đến Trung Quốc và Hong Kong.

DEA nhận định việc các băng đảng Nam Mỹ chuyển dịch hoạt động tới Trung Quốc và các địa điểm khác ở châu Á là do lượng lớn hàng hóa bất hợp pháp và chất hóa học được nhập khẩu từ đại lục.

ma tuy xuyen quoc gia anh 13

Mối liên kết của các băng đảng châu Á và Mỹ Latin là hết sức phức tạp, nhưng có những kẻ khác cũng đóng vai trò quan trọng mặc dù không hề nổi bật trong việc vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, đó là những tên tội phạm Nigeria.

Các nhân viên an ninh, các nhà nghiên cứu tội phạm và kể cả những người vận chuyển ma túy đã rất nhiều lần nhắc đến sự tham gia của các băng đảng Nigeria vào đường dây này. Những kẻ này thường khét tiếng với sự tàn nhẫn và vô đạo đức, đôi khi làm trung gian cho các băng đảng Mỹ Latin và Trung Quốc. Chúng hiện diện ở mọi điểm nóng về ma túy trên thế giới như Sao Paulo, Bangkok hay Hong Kong.

Mặc dù vậy, chuyên gia về ma túy của Liên Hợp Quốc ông Douglas cũng cho rằng những tên tội phạm Nigeria chính là kẻ đứng sau những vụ vận chuyển ma túy bị phát hiện ở những địa điểm ít người để ý như các sân bay ở Bangkok, Cambodia, Indonesia và Philippines.

ma tuy xuyen quoc gia anh 14

Ông Douglas nhận định: “Đây không phải là những kẻ sản xuất cocaine, chúng là những người trung gian, môi giới và sắp đặt người vận chuyển ma túy. Vai trò của chúng là vận chuyển. Những tên này cực kỳ cơ hội, nhưng chúng cũng không bao giờ để mình bị bắt vì vận chuyển ma túy”.

Ông John Wotherspoon, linh mục công giáo hoạt động ở Hong Kong và là người đứng đầu một số chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức phòng chống ma túy quốc tế, đã có cơ hội nói chuyện với những người vận chuyển ma túy bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ. Theo vị linh mục này, những tên tội phạm Nigeria đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển ma túy ở những nơi như Brazil hay Hong Kong.

Đối với những kẻ buôn lậu ma túy, Hong Kong được coi là địa điểm trung chuyển thuận lợi ở châu Á, rất nhiều hộ chiếu được chấp thuận ra vào đặc khu này, môi trường kinh doanh cũng cực kỳ thông thoáng và trên hết là sự gần gũi với thị trường Trung Quốc.

ma tuy xuyen quoc gia anh 15

Thành phố đông dân nhất của Brazil trở thành địa điểm quan trọng khác của những kẻ vận chuyển ma túy để đưa thứ hàng hóa này đi khắp nơi trên thế giới. Sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos là một trong những phi trường bận rộn nhất Nam Mỹ, với 3,1 triệu lượt khách đến và đi mỗi tháng cùng hàng trăm chuyến bay đi khắp nơi trên thế giới cất - hạ cánh ở đây mỗi ngày.

Một phát ngôn viên của cảnh sát Brazil tại sân bay giải thích lý do của việc này là vì Brazil có đường biên giới chung với cả Peru, Bolivia và Colombia, ba quốc gia sản xuất phần lớn lượng cocaine trên thế giới. Vị trí địa lý này tạo điều kiện thuận lợi khiến những kẻ buôn lậu ma túy chọn sân bay Guarulhos làm trung tâm đầu tiên để chuyển ma túy đi châu Âu và châu Á.

Từ Sao Paulo, cocaine được chuyển đến châu Phi và từ đó sẽ tiếp tục hành trình đến các địa điểm ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ma túy được chuyển thẳng đến các thành phố khác, ví dụ như Amsterdam hay Hong Kong.

ma tuy xuyen quoc gia anh 16

Theo thống kê của cảnh sát Brazil, 174 người đã bị bắt giữ vì vận chuyển ma túy qua sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos trong 8 tháng đầu tiên của năm 2018. Tổng cộng 1.300 kg ma túy đã bị tịch thu, 90% trong số này là cocaine.

Lượng cocaine bị phát hiện tại các cảng biển của Brazil cũng đạt mức kỷ lục trong vòng một thập kỷ qua. Trong 7 tháng đầu năm 2018, trung bình 66 kg cocaine được tìm thấy ở các cảng biển mỗi ngày.

Việc lượng cocaine bị tịch thu gia tăng có thể lý giải bởi hai nguyên nhân, hoặc là cảnh sát đã tăng cường hoạt động, hoặc cũng có thể là các băng nhóm đã tăng cường hoạt động.

ma tuy xuyen quoc gia anh 17

Những con số thống kê của nhà chức trách trên khắp thế giới cho thấy xu hướng rõ rệt trong thời gian gần đây: ngày càng có nhiều phụ nữ bị bắt giữ vì vận chuyển ma túy.

Người phát ngôn của lực lượng cảnh sát tại sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos cho rằng điều này liên quan đến tình hình kinh tế không mấy sáng sủa ở Brazil và các quốc gia lân cận. Ông này nhận định: “Có vẻ như các băng đảng sử dụng phụ nữ vì họ thường ít bị chú ý hơn bởi lực lượng an ninh.

Brazil đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và chính trị, nhưng nếu nhìn vào tình hình tại các quốc gia láng giềng thì mọi thứ còn tệ hơn. Điều này khiến cho những người dân tuyệt vọng dễ dàng trở thành con mồi cho những tên tội phạm ma túy.

Thống kê của cảnh sát Brazil cho thấy trong số những người bị bắt vì vận chuyển ma túy qua sân bay quốc tế Sao Paulo-Guarulhos, 36% là người Brazil, 34% châu Phi và 11% đến từ các quốc gia Nam Mỹ khác.

Tại Hong Kong, trong số 1.709 người nước ngoài đang bị giam giữ ở thành phố này, có đến 655 bị bắt vì vận chuyển ma túy và 205 trong số này là phụ nữ.

Theo linh mục Wotherspoon, hầu hết người bị bắt vì vận chuyển ma túy ở Hong Kong trong vài năm trở lại đây là phụ nữ. “Những tên tội phạm Nigeria nhắm đến phụ nữ vì đây là đối tượng dễ bị lừa, nhiều người là những bà mẹ đơn thân tuyệt mọng muốn kiếm tiền nuôi con. Họ đến từ những quốc gia khó khăn như Peru, Bolivia, Paraguay, Surinam...”, ông Wotherspoon nhận định.

ma tuy xuyen quoc gia anh 18

Chuyên gia Laidler từ Trung tâm nghiên cứu tội phạm của Đại học Hong Kong cho rằng việc ngày càng nhiều phụ nữ bị bắt giam vì buôn lậu ma túy đang là vấn đề diễn ra ở quy mô toàn cầu. “Ở châu Mỹ Latin… số những phụ nữ phải vào tù vì vận chuyển ma túy là rất lớn. Họ không nhất thiết là người sử dụng ma túy, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đã rơi vào những tình huống tệ hại”, bà Laidler nhận định.

Maria là một phụ nữ 55 tuổi và đang chờ đợi bị kết án vì vận chuyển ma túy, bà đến từ Peru và chỉ biết nói tiếng Tây Ban Nha, Hong Kong là vùng đất nước ngoài đầu tiên mà bà đặt chân đến, mặc dù mới chỉ bước vào sân bay và nhà tù ở đây.

Maria (không phải tên thật của bà) kể lại bà từng có cửa hàng ăn uống trên hè phố ở thủ đô Lima. Vào ngày nọ khi một gã đàn ông xuất hiện và giới thiệu về công việc ở thành phố, bà chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình sẽ làm người giúp việc.

Nhưng khi cả hai gặp lại vài ngày sau để bàn chi tiết mọi thứ, gã đàn ông nói rằng công việc của bà là nuốt 185 viên chứa cocaine và bay đến Hong Kong. Hắn sẽ trả cho bà 9.000 USD, số tiền đủ lớn để người phụ nữ này có thể giải quyết tất cả những vấn đề của mình.

Bà có thể trả hết khoản nợ đang mang, và cũng sẽ không bị mất mảnh đất mà bà dự định xây nhà ở đó. Bà Maria cho rằng đó là sai lầm lớn nhất của cuộc đời và bà cực kỳ hối hận điều này.

Mảnh đất đó giờ đã biến mất, và tất cả những ước mơ khác đã vỡ vụn kể từ ngày bà đặt chân đến Hong Kong. Bà cũng không nhận được đồng tiền nào như đã được hứa hẹn.

“Gia đình tôi không hề biết điều gì… Đó là nỗi xấu hổ với họ”, người phụ nữ chua chát nói.

Rất nhiều người vận chuyển ma túy không có mối liên hệ nào với các băng đảng, thậm chí đôi khi họ còn là nạn nhân của những kẻ buôn người, bị đe dọa và ép buộc phải làm việc này, giống như Daniela.

Linh mục Wotherspoon chia sẻ: “Có số ít người không biết mình đang dấn thân vào việc gì, nhưng có số khác đã quá tuyệt vọng… họ không phải là những tên tội phạm đích thực”.

Patricia Ho, luật sư chuyên về nhân quyền ở Hong Kong và là người từng có kinh nghiệm làm việc với những vụ án liên quan đến vận chuyển ma túy, cho rằng hệ thống pháp lý ở Hong Kong đang có vấn đề trong việc xử lý những trường hợp này. Cô cho biết nhiều người đã bị dí súng vào đầu hoặc bị dọa giết con cái của họ.

Luật sư này cho rằng Hong Kong cần có những luật lệ riêng để phòng chống buôn người và một cơ chế hiệu quả để phát hiện các nạn nhân và bảo vệ họ.

“Những người này vận chuyển ma túy vì không có lựa chọn nào khác, trong khi nhà chức trách không thể bắt giữ những tên tội phạm thật sự đứng đằng sau. Họ không muốn vậy, tôi không biết có phải là vì quan liêu không hay là thiếu khả năng hoặc nhân lực, nhưng những người này không thể trở thành nạn nhân trong cuộc chiến chống ma túy”, luật sư Ho nhận định.

Con trai Jamie của Daniela chuẩn bị bước tới sinh nhật 3 tuổi, đó cũng là độ tuổi giới hạn mà đứa trẻ được sống cùng mẹ trong tù ở Hong Kong. Rất nhiều trẻ em như Jamie sẽ được gửi trở lại quê hương của mẹ, hoặc đến với những trại trẻ mồ côi ở Hong Kong.

Daniela cầu nguyện cho số phận của con trai mình, trong khi chờ đợi phán quyết của tòa án về kháng cáo của cô. “Tôi hy vọng bản án với tôi sẽ được rút lại”, Daniela chia sẻ.

“Tôi hy vọng mình được trả tự do để có thể nuôi thằng bé”.

Sơn Trần

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm