Ông Tập Cận Bình ngang nhiên nói các đảo ở Biển Đông “thuộc lãnh thổ nước này từ thời cổ đại” trong bài phát biểu ở Đại học Quốc gia Singapore ngày 7/11. Ảnh: Japan Times/AP |
Tác giả Donald Kirk của tờ Forbes gọi chuyến đi của ông Tập Cận Bình là “cuộc tấn công hòa bình ở Đông Á”.
Nhà báo Mỹ 77 tuổi, từng “đóng đô” ở Đông Nam Á từ thập niên 60 thế kỷ trước, trải qua vụ lật đổ Tổng thống Sukarno ở Indonesia năm 1965-66, Sihanouk ở Campuchia năm 1970, chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng Triều Tiên sau này, ví von ông Tập đã bắt tay chừng đó lãnh đạo trong khu vực, như thể ông đang “vận động giải Nobel Hòa bình” năm nay.
Donald Kirk giải thích đó là những cường quốc láng giềng mà Trung Quốc đã “cơm không lành canh không ngọt”, và nếu ông Tập không bắt tay được, thì các phó tướng của ông làm thay. Ví dụ với Triều Tiên, ông phái một quan chức cao cấp sang đứng kế bên lãnh đạo Kim Jong Un trong cuộc diễu binh khổng lồ tháng trước; sau đó cử nhân vật số hai, Thủ tướng Lý Khắc Cường sang Seoul phó hội 3 bên với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn quốc Park Geun-hye. Cuối tuần ông đích thân gặp lãnh đạo Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Donald Kirk nhận xét rằng mẫu số chung ở những điểm đến đó là mối nghi ngờ rằng Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh của mình và vươn đến tận rìa của các khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á. Thành ra, sứ mạng của ông Tập là nhằm thuyết phục những ai đang nghi kỵ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Donald Kirk đã hai lần nhấn mạnh rằng ông Tập “không nhượng bộ một điều gì”, “không thỏa hiệp gì”, cho dù ông có muốn nói rõ rằng ông không muốn thấy chiến tranh nổ ra.
Đến đây, có thể ngưng trích dẫn Donald Kirk để tự nhìn và thấy với những tuyên bố “giờ thứ 25” ở Singapore rằng Biển Đông “thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời” của nước ông để (1) nhớ cho kỹ ông nói gì - (2) và đó chính là lập trường không thay đổi của nước ông - (3) mà tự xác định cho chính xác tình hình.
Kế đến, những thề nguyền của ông, rằng Trung Quốc không có bất cứ vấn đề nào với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông chẳng qua là những phản ứng bắt buộc nhằm đáp ứng tình hình mà nước ông đã tự đưa vào. Vụ tàu Mỹ USS Lassen “vô hại” đi vào, không bật radar cảnh giới (để tránh suy diễn là sinh sự), đã là sự thách đố của một bên tuân thủ luật biển với một bên phi pháp chiếm cứ và ra sức biến dải đá thành đảo.
Thanh minh là mục đích chính của chuyến đi này, còn chuyện gặp lãnh đạo Đài Loan “nhẹ nhàng” như thế chỉ là để trang điểm thêm bộ mặt “hiếu hòa”. Thế nhưng, vẫn còn đó một sự thực không thể nào quên: ông Tập không suy suyển gì về vấn đề “chủ quyền lịch sử” mà ông gán cho nước mình. Thành ra, có “xử lý tốt các vấn đề” trên Biển Đông, cũng cần xem lại đó là Biển Đông “như thế nào?”.