Tại mỗi nước Luxembourg, Hà Lan và Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. "Đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết", theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Nếu như ở Luxembourg, lãnh đạo Chính phủ thúc đẩy kết nối tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thì ở Hà Lan và Bỉ, Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp), như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.
Nâng cao vị thế Việt Nam trong lòng châu Âu
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, 3 quốc gia châu Âu đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Rời Luxembourg - đất nước có thu nhập bình quân thu nhập đầu người cao nhất thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chuyến thăm chính thức Hà Lan - xứ sở hoa tulip.
Hà Lan là một nước có nền kinh tế phát triển cao, độ mở lớn và những năm gần đây luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.
“Tính đến 1/2022, với dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 380 dự án trị giá hơn 13,5 tỷ USD”, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT).
Ngay trong ngày đầu tiên làm việc ở Hà Lan, Thủ tướng đã đi hơn 100 km từ thủ đô La Hay đến tỉnh bắc Brabant của Hà Lan để tới thăm Khu công nghệ cao Brainport (BIC) - nơi được ví như "thung lũng silicon" của châu lục. Chia sẻ ấn tượng với mô hình này, Thủ tướng muốn Hà Lan hỗ trợ xây dựng Trung tâm công nghệ cao tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Khu công nghệ cao Brainport (BIC) - nơi được ví như "thung lũng silicon" của châu lục. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Với mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư, cuộc tọa đàm giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với một số lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Hà Lan kéo dài một tiếng so với dự kiến. Thủ tướng nói “không giới hạn thời gian” vì muốn nghe đề xuất của các nhà đầu tư.
Tin vui cùng được nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan thông báo tới lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khi họ có kế hoạch mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tổng giám đốc Giám đốc Heineken toàn cầu Dolf van den Brink cho biết Heineken dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc. |
Tổng giám đốc Heineken toàn cầu, ông Dolf van den Brink, cho biết trong 10 năm tới, Heineken dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam. Trước đó, sau 31 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam một tỷ USD.
Ông Arnout Damen, Giám đốc điều hành Damen Shipyards Gorinchem cũng thông báo dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam và muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon.
"Trong 10 năm tới, Heineken dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam"
TGĐ Heineken toàn cầu Dolf van den Brink
“Với bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam mong muốn hợp tác với Hà Lan trong xây dựng các cảng biển, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế”, Thủ tướng nói.
Nhân rộng mô hình hợp tác giữa các địa phương của Hà Lan và Việt Nam cũng là nội dung quan trọng được các nhà lãnh đạo hai bên đề cập.
Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema cho biết thành phố Amsterdam và TP Hà Nội đã có nhiều dự án hợp tác rất thiết thực. Thành phố Amsterdam muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Hà Nội trong chuyển đổi năng lượng, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, xử lý ngập úng vùng nội đô, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và phát triển bền vững.
Thị trưởng Amsterdam Femke Halsema muốn hợp tác với Hà Nội trong xử lý ngập úng vùng nội đô, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Mô hình hợp tác giữa Eindhoven và Bình Dương cũng được dẫn chứng như một điển hình của hợp tác thành công.
Ông Joost Helms, Giám đốc Văn phòng Dự án quốc tế Eindhoven (EIPO), cho biết dự án hợp tác giữa Eindhoven và Bình Dương bắt đầu từ năm 2014.
Eindhoven hỗ trợ Bình Dương đưa ra chiến lược phát triển thành phố thông minh, đặt nền móng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Bình Dương và đem đến cho tỉnh những cơ hội hợp tác quốc tế.
Kết quả cho những nỗ lực hợp tác của hai địa phương là trong hai năm liền (2021-2022), Bình Dương lọt vào Top 7 các cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới. Eindhoven khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa Bình Dương vào nhóm tỉnh, thành phố thông minh nhất thế giới.
Là thành viên tháp tùng Thủ tướng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá chuyến công du lần này đã giúp nâng cao hình ảnh Việt Nam trong lòng châu Âu. Điều này cũng có ý nghĩa trong việc mở rộng kết nối đầu tư giữa các lĩnh vực của Việt Nam với các nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Âu.
Nhấn mạnh Việt Nam đang tiếp cận nền nông nghiệp sinh thái bền vững, ông Hoan cho rằng những đề nghị, thông điệp của Thủ tướng đưa ra về định hướng này đều được các nước đón nhận và ủng hộ.
Hợp tác phát triển xanh, chung tay ứng phó biến đổi khí hậu
Trong những ngày tại Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các các cấp của Bỉ, lãnh đạo nước EU và đối tác cùng những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia này.
Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua chiếc lược phát triển xanh, bền vững được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh xuyên suốt trong từng cuộc gặp gỡ, trao đổi.
"Đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững"
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần kiên trì mục tiêu đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Thủ tướng Vương quốc Bỉ Alexander De Croo chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Cụ thể hóa hơn định hướng này, lãnh đạo một số địa phương của Việt Nam đã cùng địa phương, doanh nghiệp của Bỉ ngồi lại bàn chiến lược hợp tác.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho hay nhiều cơ hội mới trong hợp tác thương mại đã được mở ra.
Bến Tre và doanh nghiệp của Bỉ dự kiến hợp tác triển khai dự án sản xuất than hoạt tính từ vỏ dừa, thân dừa, gáo dừa và một số vật liệu khác của cây dừa. Theo ông Thọ, ý tưởng này phù hợp với xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án cũng nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của Bến Tre và vùng ĐBSCL.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Bỉ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Bỉ và chia sẻ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Muốn hiện thực hóa ý tưởng hợp tác, vị bí thư Bến Tre cho rằng địa phương cần đổi mới từ tổ chức sản xuất đến thay đổi tư duy và cách làm, gắn phát triển kinh tế với phát triển khoa học công nghệ, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác tiềm năng lợi thế các bên để tạo ra không gian lớn trong phát triển thị trường tiêu thụ.
"Bến Tre và doanh nghiệp của Bỉ dự kiến hợp tác sản xuất than hoạt tính từ vỏ dừa, thân dừa, gáo dừa và một số vật liệu khác của cây dừa”
Ông Lê Đức Thọ
“Hợp tác đưa nông sản như trái cây, thủy sản vào thị trường EU là mục tiêu địa phương hướng tới. Chúng tôi đã trao đổi với các đối tác về việc mở rộng hợp tác đầu tư phát triển, nhưng phải đáp ứng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc”, ông Thọ nói.
Bí thư Bến Tre khẳng định nhu cầu của thị trường EU rất cao, khả năng cung ứng dịch vụ của các địa phương ở Việt Nam cũng rất lớn. “Phải làm sao tạo thành vùng sản xuất tập trung, phát triển logistics, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng GDP, GRDP và thu ngân sách tốt, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, theo lời ông Thọ.
Ông Phạm S - Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng chuyến công du lần này của Thủ tướng có ý nghĩa rất quan trọng với các địa phương. Thúc đẩy hợp tác với tỉnh Flanders của Bỉ cũng là mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đạt được trong chuyến đi này.
10 năm qua, tỉnh Lâm Đồng và Flanders của Bỉ đã cùng bắt tay hợp tác phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Bỉ là quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và đặc biệt rất quan tâm đến chỉnh trang đô thị, bảo tồn các di sản kiến trúc.
Với sự hợp tác cùng địa phương của Bỉ, Lâm Đồng kỳ vọng "xóa bỏ" nhà kính vào năm 2030. Ảnh: Lê Quân. |
Đây cũng là điều mà Lâm Đồng hướng tới. Trên địa bàn tỉnh có Đà Lạt - được coi là thành phố hiếm của Việt Nam, nên việc phát triển nông nghiệp hài hòa với phát triển đô thị và cảnh quan môi trường, đảm bảo du lịch chất lượng cao, là điều mà Lâm Đồng luôn mong muốn.
Theo ông S, ở địa phương, hạ tầng nhà kính rất quan trọng nhưng thời gian qua đã phát triển với quy mô lớn, tốc độ nhanh nên ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan du lịch và hệ sinh thái đô thị.
"Lâm Đồng dự kiến từ năm 2022 đến 2030, toàn bộ diện tích nhà kính trong khu vực nội ô của Đà Lạt sẽ di chuyển ra vùng ven"
Ông Phạm S
So sánh với một số quốc gia khác như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Phó chủ tịch Lâm Đồng cho biết các nước mất khoảng 35-40 năm mới hoàn thiện vấn đề sản xuất nhà kính hài hòa giữa đô thị và vùng ven, song tỉnh Lâm Đồng khẳng định mục tiêu sẽ rút gọn thời gian này còn 10 năm.
“Lâm Đồng dự kiến từ năm 2022 đến 2030, toàn bộ diện tích nhà kính trong khu vực nội ô của Đà Lạt sẽ di chuyển ra vùng ven”, ông S nêu mục tiêu và cho rằng cùng với sự hợp tác với đối tác có nền tảng công nghiệp cao như Bỉ, địa phương sẽ hiện thực hóa mục tiêu này.
Bản sắc Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.