Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cách tẩy chay kỳ lạ trong khủng hoảng Qatar

Sau khi phong tỏa biên giới, các nước vùng Vịnh đã thực hiện một loạt biện pháp để tẩy chay Qatar, trong đó có việc trục xuất công dân, ngừng nhận thư từ và chặn các trang tin tức.

Ngày 5/6, các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời phong tỏa không phận, hải phận và đất liền.

Phong tỏa đường biên chỉ là một trong số các biện pháp kỳ lạ được đưa ra nhằm “tẩy chay” Qatar, trong đó bao gồm cả các biện pháp nhằm vào chính công dân các nước này.

Trục xuất và hồi hương công dân

Các công dân Qatar ở Saudi Arabia, UAE và Bahrain được thông báo họ có 2 tuần để rời khỏi các nước này và trở về Qatar. Công dân 3 nước trên đang cư trú tại Qatar cũng được chính phủ của họ yêu cầu trở về nước ngay lập tức nếu không sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Al Jazeera, hàng nghìn cá nhân và gia đình đã chịu ảnh hưởng bởi lệnh này. Do mối quan hệ sâu sắc giữa các nước Vùng Vịnh nên nhiều cặp vợ chồng mang quốc tịch khác nhau, một người là công dân Qatar và người kia là công dân một nước Vùng Vịnh khác.

Quyết định này có thể khiến các gia đình bị chia tách. Những phụ nữ Qatar kết hôn ở Saudi Arabia, UAE và Bahrain sẽ phải bỏ lại con mình vì chúng chỉ mang quốc tịch theo chồng của họ.

Qatar bi cat dut quan he ngoai giao anh 1
Một phụ nữ đẩy xe đẩy gần một tòa nhà chọc trời văn phòng trong khu tài chính ở Doha, Qatar. Ảnh: Getty.

Hạn chế đồng cảm

Việc người dân các nước Vùng Vịnh thể hiện sự đồng cảm với Qatar trên mạng xã hội là một thảm họa truyền thông đối với các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với nước láng giềng này.

Để ngăn chặn phản ứng tiêu cực, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã tìm cách hạn chế công dân của họ bày tỏ ý kiến phản đối.

“Bất cứ ai bày tỏ thiện cảm hoặc bất kỳ hình thức thiên kiến nào đối với Qatar hay phản đối lập trường của UAE sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc”, Bộ trưởng Tư pháp UAE Hamad Saif Al Shamsi tuyên bố.

Gulf News dẫn lời ông Al Shamsi cho biết nhà chức trách sẽ có biện pháp chống lại bất kỳ ai bày tỏ những quan điểm như trên thông qua mạng xã hội hoặc các phương tiện văn bản và lời nói khác.

Qatar bi cat dut quan he ngoai giao anh 2
Một người đàn ông đứng giữa bầy chim bồ câu tại chợ Souq Waqif ở Doha, Qatar, ngày 6/6.

Gulf News cũng đưa tin văn phòng Công tố Liên bang tại UAE đã thông báo rằng bất kỳ ai đe dọa lợi ích, sự thống nhất và ổn định quốc gia của UAE sẽ phải đối mặt với án tù từ 3 đến 15 năm và phạt tiền không dưới 500.000 Dirham (khoảng 13.600 USD).

Các cơ quan truyền thông Saudi Arabia cho biết người bày tỏ sự ủng hộ với Qatar trên mạng có thể đối mặt với mức án 7 năm tù giam theo Điều 7 luật về tội phạm mạng vì "kích động chủ nghĩa khủng bố".

Bộ Nội vụ Bahrain sau đó tuyên bố người dân có thể phải chịu án phạt tối đa là 5 năm tù và phạt tiền theo Luật Hình sự nếu bày tỏ sự cảm thông với Qatar hoặc phản đối việc chấm dứt quan hệ ngoại giao của chính phủ.

Chặn các trang tin của Qatar

Khách trú tại các khách sạn ở Saudi Arabia không còn có thể xem các kênh của Al Jazeera sau khi Ủy ban Du lịch và Di sản Quốc gia nước này yêu cầu không phát sóng kênh Al Jazeera trong các khách sạn hoặc cơ sở du lịch.

Ủy ban này nhấn mạnh rằng tất cả kênh thuộc Mạng truyền thông Al Jazeera sẽ được đưa ra khỏi danh sách các kênh truyền hình vệ tinh trong "toàn bộ phòng khách sạn và các cơ sở du lịch", nếu không sẽ phải nhận hình phạt bao gồm phạt tiền lên đến 27.000 USD và hủy giấy phép của khách sạn.

Cuối tháng 5, Ai Cập đã chặn 21 trang web, trong đó có Aljazeera.net, tuyên bố những trang này có nội dung "ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan cũng như đăng tải những điều dối trá".

Qatar bi cat dut quan he ngoai giao anh 3
Phòng tin tức tại trụ sở kênh vệ tinh Al Jazeera của Qatar ở Doha , Qatar, ngày 15/11/2006. Ảnh: AFP/Getty.

Các nước khác cũng chặn các trang web từ Mạng truyền thông Al Jazeera và các trang báo Qatar như al-Watan, al-Raya, al-Arabal-Sharq.

Khi tìm đến các trang này, người dùng ở Saudi Arabia sẽ nhận được thông báo “Trang web được yêu cầu vi phạm các quy định và chỉ thị của Bộ Văn hoá và Thông tin".

Người dùng ở UAE khi cố gắng truy cập vào một số trang web, bao gồm Aljazeera.net, sẽ nhận được thông báo rằng nội dung của các trang web bị hạn chế và không tuân thủ các tiêu chuẩn của cơ quan viễn thông.

Ngừng dịch vụ bưu chính

Ngày 8/6, Tập đoàn Bưu chính Emirates của UAE thông báo tất cả dịch vụ bưu chính đến Qatar sẽ bị tạm dừng theo chỉ đạo của chính phủ.

Tập đoàn này cũng cho biết tất cả bưu điện trên cả nước đã được thông báo ngừng nhận thư gửi đến Qatar.

Liệt nhiều tổ chức vào danh sách khủng bố

Ngày 8/6, Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập đã phát hành một thông cáo báo chí chung trong đó nêu tên một số cá nhân và tổ chức của các quốc gia khác nhau là "phần tử khủng bố".

Danh sách này bao gồm 59 cá nhân, trong đó có Yusef al-Qaradawi, Chủ tịch Liên hiệp Học giả Hồi giáo Quốc tế, cũng như 12 tổ chức bao gồm Qatar Charity và Eid Charity.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố cáo buộc Qatar Charity thuộc "chủ nghĩa khủng bố" không chỉ là một sự phỉ báng về công tác từ thiện nhân đạo mà còn vi phạm các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế.

Hashtag tuần qua: Qatar giàu nhưng chưa mạnh Là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới nhưng Qatar không có quân đội "hoành tráng", đồng thời phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, trong khi 90% lương thực phải nhập khẩu.

Ngoại trưởng Qatar lên án cấm vận 'bất công', 'phi pháp'

Ngoại trưởng Qatar nói cấm vận mà Saudi Arabia và đồng minh áp đặt với Doha là "bất công" và "phi pháp" và không ai có quyền can thiệp vào chính sách đối ngoại của Qatar.

Câu hỏi đầu tuần: Khủng hoảng Vùng Vịnh và mối thù Trung Đông

Zing.vn mời độc giả tham gia trả lời câu hỏi về cuộc khủng hoảng ngoại giao ồn ào và nghiêm trọng nhất ở Trung Đông kể từ Chiến tranh Lạnh.



Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm