Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bức tranh thắm tình xuân của họa sĩ triệu USD Mai Trung Thứ

Khi trở về với tác phẩm của mình, Mai Trung Thứ luôn giữ một ước mơ hòa bình, một mùa xuân cho đời sống. Và trẻ thơ là một trong số những đề tài sáng tác chính của ông.

Xuân ở đây có thể là một mùa trong năm, nhưng cũng có thể là biểu tượng cho sự tươi đẹp, trẻ trung, cho quê hương, bản sắc, niềm hoài cảm… Cùng Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ (thường kí Mai Thứ) là một cá tính sáng tạo, góp phần tạo nên phong cách riêng của “Bộ tứ Paris”.

Ngày 17/4/2021, tại phiên đấu giá của Công ty Sotheby’s Hong Kong, bức Chân dung cô Phượng (Portrait de Mademoiselle Phuong, sơn dầu, 135,5cm x 80cm, 1930) của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được bán hơn 3,1 triệu USD. Đây là mức giá cao nhất của tranh Việt trên thị trường công khai, vượt xa “quán quân” trước đó là một tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ, được bán 1,4 triệu USD tại Christie’s Hong Kong vào sáng 26/5/2019.

Xem lại các bức tranh tiêu biểu của Mai Trung Thứ, thấy đa số ông dành tâm sự và tâm trạng cho niềm hồi hương, thương nhớ những vẻ đẹp của quê cha đất tổ. Họa sĩ Lê Phổ từng nhận xét: “Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ”.

Mai Trung Thứ kinh qua nhiều vật liệu và chất liệu, nhưng có dấu ấn đặc biệt nhất với tranh lụa, tạo nên một bảng màu “không đụng hàng” cho lịch sử tranh lụa. Là một nghệ sĩ yêu nước, có đóng góp rất nhiều công sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, khi trở về với tác phẩm của mình, Mai Trung Thứ luôn giữ một ước mơ hòa bình, một mùa xuân cho đời sống, và trẻ thơ là một trong số những đề tài sáng tác chính của ông.

Chúng ta thử thưởng lãm qua một vài tác phẩm vẽ trên lụa có nhân vật là trẻ thơ của ông:

Trẻ em tắm

Bức tranh Trẻ em tắm (Les Enfants au Bain, mực và gouache trên lụa, 54,5cm x 46cm, 1971) là một điển hình cho phong cách lụa của Mai Trung Thứ.

Mai Trung Thu anh 1

Tranh Trẻ em tắm.

Theo họa sĩ Trịnh Cung: “Trong tranh lụa truyền thống không ai vẽ được những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục… một cách đậm đà và tươi tắn như Mai Trung Thứ. Đây là một điểm khác biệt rất lớn trong dùng màu cho tranh lụa của Mai Trung Thứ so với tranh lụa của hầu hết họa sĩ Việt Nam, từ những bậc thầy như Nguyễn Phan Chánh, như Lê Văn Đệ…”

Còn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng thì cho rằng: “Mai Trung Thứ chịu ảnh hưởng lối vẽ của tranh miniature (tế vi họa) của Ba Tư khá rõ, tuy nhiên điều này chưa thấy ai chỉ ra. Tôi ngờ là chất liệu bột màu (pigment) mà ông sử dụng để vẽ tranh lụa cũng từ Ba Tư (hoặc Ấn Độ và Hồi giáo nói chung), ông ít khi dùng màu gouache hoặc màu nước thương hiệu của châu Âu, vì vậy trông màu rất khác lạ. Ngoài ra, bảng màu mà ông và cả Lê Phổ thường sử dụng trong tranh lụa là bảng màu tranh Đôn Hoàng mà họa giới Trung Quốc và Nhật Bản cũng thường sử dụng, ví dụ như màu xanh, thanh lục, màu đỏ gạch... mà nguồn gốc sâu xa hơn là từ Ba Tư và Trung Á”.

Với bố cục đứng đặc trưng của tranh Đông phương, chia làm hai phần là dưới ao và trên sàn gỗ, thay vì ba phần như thường lệ. Tranh vẽ 14 đứa trẻ, trong đó 6 bé trai đang tắm, 6 bé gái và trai khác đang xem, 2 bé gái và trai đang chèo ghe hái hoa súng.

Khung cảnh này cho ta thấy điều gì nếu không phải là sự an toàn và yên bình, nơi các em bé được vui sống một cách vô tư, không có sự giám sát hoặc e ngại từ người lớn.

Thư pháp

Mai Trung Thu anh 2

Tranh Thư pháp.

Bức tranh Thư pháp (La calligraphie, mực và gouache trên lụa bồi giấy lót ván, 44,5 cm x 94,5 cm, 1964) một lần nữa khẳng định khả năng bậc thầy về lụa của Mai Trung Thứ.

Áo trắng chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, tay chân sạch sẽ…, 8 đứa trẻ thể hiện được sự trang nghiêm, kỷ luật của một lớp học có tổ chức. Các em cùng nhau hoàn thiện bức thư pháp, khi mỗi em mỗi việc, từ mài mực, chuẩn bị bút, giữ giấy, nhắc câu chữ…

Khoảnh khắc này không chỉ đẹp về một hình ảnh mang tính truyền thống, mà còn đem lại sự cách tân về tác phong của học sinh, về sự bình đẳng nam nữ thời bấy giờ. Hơn nữa, hình ảnh thư pháp gia vốn gắn với những ông đồ già, những họa sĩ - đạo sĩ trung niên, tóc dài, nay được giao trọng trách cho một bé trai, tưởng rằng chỉ để trêu chọc, nhưng nhìn phong thái thấy đĩnh đạc, thẩm mỹ, quả là đáng yêu, đáng trân quý.

Có 6 đứa trẻ gắn liền với mặt đất, 2 đứa trẻ đầu hơi nhô lên trời xanh, nên tác phẩm này như kể một câu chuyện về quê cha đất tổ đang trong quá trình chuyển đổi các giá trị giữa Đông phương và Tây phương.

Đấu vật

Tác phẩm Đấu vật (La Lutte, mực và gouache trên lụa bồi giấy, 45,5cm x 33cm, 1956) mang lại sự sinh động hiếm gặp cho tranh lụa.

Trước và sau Mai Trung Thứ, tranh lụa Việt Nam thường có màu sắc hơi âm âm, u u, với cây đa, bến nước, mái đình, mục đồng… như chậm rãi trong khói lam chiều, buồn buồn.

Mai Trung Thu anh 3

Tranh Đấu vật.

Bức Đấu vật này phá cách quan niệm và quy tắc đó, nơi các đô vật nhí được thời trang hóa với áo quần sặc sỡ, sạch sẽ. Màu sắc trang phục này đương nhiên là kết quả của tưởng tượng và mơ ước, vì kỹ thuật dệt nhuộm, cũng như các quy chuẩn về ăn mặc của cung đình đã làm cho màu sắc trong dân gian kém phong phú.

Họa sĩ đứng từ trên cao nhìn xuống sân đấu vật, theo nguyên tắc của nhiếp ảnh, các đứa trẻ như lùn hơn thực tế một chút. Nền đất vàng ươm như thịnh vượng, phong cảnh yên bình, vô tư, vui vẻ… là những điều mà tác giả gởi gắm vào tác phẩm. Cũng xin nói thêm, huyện An Dương, Hải Phòng - quê hương của Mai Trung Thứ - là nơi có hội vật truyền thống độc đáo, với lịch sử gần 700 năm, do anh em sinh đôi Vũ Giao - Vũ Sào sáng lập từ thời vua Trần Duệ Tông lên ngôi năm 1370.

Mai Trung Thứ sinh ngày 10/11/1906 tại làng Do Nha (Ro Nha), huyện An Dương, tỉnh Kiến An cũ, nay là Hải Phòng, trong một gia đình thượng lưu, nhiều đời làm quan lớn.

Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên, 1925-1930, của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay sau đó, tác phẩm của ông đã xuất hiện tại nhiều phiên đấu xảo quốc tế và nhiều triển lãm ở Italy - như Roma năm 1932, Milan năm 1934, Naples năm 1934…; ở Bỉ - Brussels năm 1936; ở Mỹ - San Francisco năm 1937; và nhiều lần ở Pháp. Ông định cư tại Pháp từ năm 1936, ngoài vẽ tranh, ông còn quay phim, đóng phim, chụp hình, trình diễn các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, nhị…

Lý Đợi / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY