Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bức tranh gắn liền với Tết xưa

Sau những buổi chợ cuối năm, mẹ mang về cho các con những bức tranh Tết: Đám cưới chuột, tranh Thầy đồ cóc, tranh Lý ngư vọng nguyệt, Đàn lợn mẹ conn...

Tranh dân gian "Đám cưới chuột".

Tết phải có pháo, không pháo còn gì là Xuân:

Tạch đùng! Tiếng pháo mừng xuân,

Xác hồng đầy ngõ, đầy sân trước nhà.

Ông Tú Xương trong một bài thơ cũng nhắc tới pháo Tết:

Đì đẹt ngoài sân, tràng pháo chuột,

Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà.

Pháo với tranh là hai thứ đặc biệt trong ngày Tết của các em. Các em sung sướng châm ngòi pháo nổ, các em cũng hân hoan, sau những buổi chợ cuối năm, bà mẹ mang về cho mình những bức tranh Tết. Các em dán đầy tường đầy vách: tranh Đám cưới chuột, tranh Thầy đồ cóc, tranh Lý ngư vọng nguyệt, tranh Gà gáy sáng, tranh Đàn lợn mẹ con, tranh Thạch Sanh bắn đại bàng, tranh Hai Bà Trưng đuổi quân Tô Định... được bày bán ở chợ bên những bức tranh cổ Tiến tài, Tiến lộc, Vũ Đinh, Thiên Ất...

Các tranh Tết làm các em say mê không kém gì pháo xuân. Chơi tranh đốt pháo là hai thú của các em, ai nói sao thì nói, hoặc có thể chê bai:

Thừa tiền mua pháo đốt chơi,

Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống sông.

cũng không sao!(1)

Tết quê hương thú vị như vậy, vậy mà không được về quê ăn Tết, ai không nhớ quê hương những ngày Xuân tới. Thi sĩ Nguyễn Bính gặp Tết trong lúc tha hương đã than:

Chao ôi! Tết đến em không được,

Trông thấy quê hương, thật não nùng!

Ngày xưa chơi pháo còn lành mạnh như thế. Nhưng càng về sau này người chơi pháo trở nên cực đoan làm lãng phí tiền của và gây nguy hiểm nên nay chính phủ ta đã cấm đốt.

Tết đến mọi người đều vui, mừng được thêm tuổi, nhưng nhiều người cũng lo Tết lắm, lo quần áo cho các con, lo cỗ bàn ngày Tết, lo nợ Tết, lo gửi Tết, lo biếu Tết, lo sửa soạn bàn thờ gia tiên ngày Tết:

Tết đến sau lưng,

Ông vải thì mừng,

Con cháu thì lo!

Ông vải mừng là chính đáng lắm, không phải mừng vì được con cháu lo cúng lễ, đốt vàng mã kính biếu, mừng vì dịp Tết là dịp con cháu tụ họp đông đủ, vong hồn các cụ vui mừng nhìn con đàn cháu đống. Và cũng trong dịp này, anh em họ hàng nơi xa mới có thì giờ tới lễ các cụ, uống chén rượu, nếm miếng bánh chưng mừng Xuân.

Bà con vì tổ, vì tiên.

Không ai vì tiền, vì gạo.

Vì tổ tiên nên xưa kia mới có sự sum họp của đại gia đình dưới cùng chung một mái nhà, giường thờ khói hương nghi ngút mỗi lần Tết đến Xuân về.

Tết là vui, Tết là lo, nhưng ai lo lắng thế nào cũng chỉ lo đến đêm Ba mươi Tết. Ngày Tất niên này, những người làm ăn kém may mắn, mang công mắc nợ thật là khổ sở, chủ nợ thẳng thừng thúc đến tận lúc giao thừa:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,

Giàu nghèo Ba mươi Tết mới hay.

Đêm Ba mươi Tết, khách nợ còn réo ráo riết, đố ai giấu được cái nghèo.

Đêm Ba mươi Tết qua, sự lo lắng cũng tạm qua. Đầu năm mới không ai đòi nợ, mọi người vui vẻ với nhau để tránh dông cả năm. Các cậu bé, các cô bé coi chừng đấy, vì “nếu năm mới năm me, ba que đét đít”, dông các cô các cậu sẽ suốt năm ăn đòn. Đầu năm phải đòn chí tử thì lơ láo lắm, khác chi anh đốt pháo giật mình:

Mông mênh lơ láo Như thằng đốt pháo giật mình!

Ngày Tết vui, vui với người thừa tiền sẵn của, nhưng người nghèo cũng cứ tạm vui đi, ít ra trong mấy ngày Tết cũng không lo đói, đi tới đâu cũng được bạn bè họ hàng mời nếm bánh chưng:

Đói ngày giỗ cha, No ba ngày Tết.

Cảnh no đói này là của thời xưa, ngày nay Tết tới có thể nói rằng chẳng ai đói.

Dân Việt Nam vốn rất lịch sự. Tết nhất dù nhà nghèo giàu, có khách cũng cố mời nếm bánh, khách từ chối chẳng được, chủ nhà viện lý do bị dông để ép khách, bởi vậy vào đâu cũng có ăn.

Tết no, ngược lại ngày giỗ cha, tuy cỗ bàn đấy, vẫn đói, vì bận lo cúng vải, lo tiếp khách, ăn vào lúc nào. Còn ngày Tết thật là rỗi, đã được mời ăn, về nhà lại muốn ăn lúc nào cũng được! Và ngày Tết được mời ăn bánh chưng nhiều quá, thấy bánh chưng ngày thường vẫn khao khát, nay chỉ dửng dưng:

Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết.

Ta lại có câu:

No ba ngày Tết, Đói ba tháng hè.

Ba tháng hè là ba tháng chờ đợi lúa mùa, hay sớm nhất là lúa ba trăng gặt vào tháng trong thu. Chờ gặt, thiếu gạo, chuyện no lòng đối với người nghèo thật quả là khó. Còn ngày Tết, chỉ trông thấy bánh chưng cũng đủ thấy no, huống hồ còn được mời ăn uống:

Đói cho chết, ba ngày Tết cũng no.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY