Những bức phên dậu mềm bảo vệ đất nước từ xa
Những mối quan hệ kinh tế bền chặt của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài giống như những phên dậu mềm, góp phần bảo vệ đất nước.
Thủ tướng Campuchia Hunsen trong một chuyến thăm dân và bộ đội đóng quân tại tỉnh Kampuchea, Campuchia không ngần ngại ngợi khen mạng viễn thông Metfone (thương hiệu của Viettel) khi mạng này đi được đến tận những vùng rất xa, ngay cả trong rừng. Ông Hunsen nói: “Tôi khuyên các bạn nên sử dụng mạng 097 (đầu số di động của Metfone tại Campuchia) không phải vì thiên vị mà tôi thấy cái gì tốt thì nên dùng”.
Một hoạt động xã hội của Metfone (thương hiệu của Viettel) tại Campuchia. |
Một sự kiện đặc biệt hơn là cuối năm 2012, Viettel đã trở thành “đặc sứ” trong chuyến công du của Thủ tướng Cộng hòa Haiti đến Việt Nam. Chuyến đi ấy đã diễn ra một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi một doanh nghiệp trở thành “đối tác” của một Chính phủ. Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đích thân Thủ tướng Laurent Salvador Lamothe đã cùng Tổng giám đốc Viettel ký bản ghi nhớ Viettel trở thành đối tác đầu tư chiến lược của Chính phủ Haiti.
Vì sao Viettel có được những sự ủng hộ ấy? Câu trả lời có lẽ nằm ở một phát biểu của ông Fransico Chate, Giám đốc phụ trách Viễn thông, Cơ quan Quản lý Viễn thông Mozambique - một quốc gia thuộc châu Phi mà Viettel đầu tư.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, ông này nói rằng “Cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cử Viettel đến đất nước chúng tôi. Chỉ sau một năm, Viettel đã làm được nhiều hơn những gì đã cam kết làm trong 3 năm với chính phủ Mozambique.”
Có đến 30% số xã của Mozambique chỉ có sóng di động của Movitel (thương hiệu của Viettel tại đây). Sau hơn một năm kinh doanh, Movitel đã chiếm tới 80% thuê bao di động phát triển mới ở quốc gia Đông Phi này. Giờ đây, hạ tầng mà Movitel đầu tư ở Mozambique đưa quốc gia này trở thành đất nước có tài nguyên viễn thông lớn thứ ba vùng Cận Sahara, chỉ sau Nam Phi và Kenya.
Trước đó, ở Campuchia và Lào, hạ tầng Viettel đã đầu tư cũng là những mạng lưới lớn nhất, phủ đến tận làng xã. Không những vậy, Viettel còn kết nối đường trục truyền dẫn Đông Dương nối trực tiếp ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia để vừa gia tăng dung lượng mạng lưới cho nước bạn, lại vừa vu hồi cho đường trục Bắc-Nam của Viettel tại Việt Nam. Ngoài ra, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ Campuchia xây dựng hệ thống chính phủ điện tử, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia nước này xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng.
Năm 2010, khi tình hình biên giới Campuchia và Thái Lan có những căng thẳng tại khu vực đền cổ Preah Vihear, lúc nhận được đề nghị của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Campuchia, Viettel đã lập tức triển khai một trạm phát sóng ở khu vực này, vốn là một vách núi cheo leo đến mức người thường không thể đi bộ lên được. Và chỉ sau chưa đầy một tuần, Thủ tướng Hunsen đã có thể gọi điện trực tiếp đến chỉ huy quân đội hoàng gia tại khu vực xung đột để có những điều hành trực tiếp… Tương tự đối với Lào, Viettel cũng triển khai hệ thống cầu truyền hình cho Bộ Quốc phòng nước này và đưa mạng của quân đội Lào trở thành mạng lớn nhất.
Đối với người dân các nước đến đầu tư, Viettel không chỉ mang lại cơ hội phổ cập viễn thông cho mọi tầng lớp xã hội mà còn tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, trực tiếp góp phần vào ổn định an sinh xã hội. Mạng Internet trị giá hàng chục triệu USD được đưa miễn phí tới các trường học như là một sự đóng góp đầu tư vào tương lai của Viettel với những đất nước mình đến. Bởi vậy, ở Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, rồi Peru, Timor-Leste, Cameroon, Viettel đều xây dựng được mối quan hệ mật thiết tốt đẹp với chính phủ, quân đội và nhân dân các nước, trực tiếp nâng cao thương hiệu, uy tín, vị thế, tạo được sự ủng hộ nhiều mặt của nước bạn với đất nước và quân đội Việt Nam.
Dù là láng giềng gần hay bạn bè xa, một mối quan hệ bền chặt và khăng khít được tạo nên bởi một hiện thực sống động, liên tục phát triển như những gì Viettel đã làm không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, cho đất nước, mà còn góp phần tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng chính là những bức phên dậu mềm bảo vệ đất nước từ xa trong thời đại của hòa bình và phát triển.
Theo VietNam+