'Binh đoàn' Viettel
Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel thực ra là một mô hình hiện đại của chế độ ngụ binh ư nông đã có từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam. Họ chính là một binh đoàn đặc biệt.
Ngụ binh ư nông ở thời hiện đại
Sử sách chép rằng, từ thời nhà Lý đến triều Lê sơ, chính quyền Việt Nam sử dụng chế độ "gởi binh lính làm việc nông nghiệp". Ngụ binh ư nông là việc liên kết hài hoà giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình và sang thời chiến khi cần. Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì. Sử sách còn ghi lại, thời Lý có số quân tham chiến chống nhà Tống khoảng 10 vạn người, thời Trần khi có chiến tranh chống quân Nguyên có hơn 20 vạn quân, sang thời Lê sơ khi có chiến tranh có thể huy động 26 - 30 vạn quân.
Viettel đến Haiti đầu tư và tạo ra một điều kỳ diệu về xây dựng hạ tầng viễn thông di động tại quốc gia vừa trải qua thảm họa động nhất kinh hoàng nhất lịch sử. |
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, chính sách ngụ binh ư nông phản ánh tư duy nông binh bất phân (không phân biệt quân đội và nông dân), đâu có dân là đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một đất nước cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc.
Ngày nay, một cách ngẫu nhiên, những người mặc áo lính làm kinh doanh ở Viettel cũng chính là một hình thức ngụ binh ư nông rất linh động và hiệu quả. Chữ "nông" ngày xưa, được chuyển thể thành hai nhánh: hoạt động kinh doanh và hoạt động đổi mới công nghệ viễn thông - quốc phòng.
"Nông" của Viettel, là sự tăng trưởng vượt bậc về kinh doanh, mở rộng vùng phủ sóng sang khắp các quốc gia trong khu vực. Là sự thỏa mãn của hơn 80 triệu người dân Việt Nam khi luôn trong tình trạng kết nối với nhau dù đang ở phương nào, núi rừng, đèo cao hay hải đảo xa xôi.
"Nông" của Viettel, là những đột phá quan trọng của việc nghiên cứu kỹ thuật quân sự, khi nghiên cứu cải tiến những công nghệ phục vụ công tác hiện đại hóa quân sự, quốc phòng từ hệ thống ra đa, từ hệ thống liên lạc cá nhân bảo mật tuyệt đối cho đến những dự án rộng lớn hơn như hệ thống quản lý vùng trời quốc gia...
"Nông" của Viettel, còn là lực lượng hàng vạn kỹ sư, chuyên viên công nghệ thông tin tay nghề vững, chuyên môn cao định kỳ tích cực thao luyện theo quy chuẩn của binh đoàn chính quy, để bất cứ lúc nào cũng có thể lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc.
Những người lính này đang gầy dựng vào sự hùng mạnh về kinh tế của một tập đoàn đa ngành đang vươn ra phạm vi toàn cầu. Những người lính này không chỉ "canh tác" ở mọi vùng miền của mảnh đất hình chữ S, mà đã khẳng định dấu ấn của mình ở vị trí số một trong các thị trường lân cận như Campuchia, Lào hoặc những miền châu Phi, châu Mỹ xa xôi.
Đóng góp đến 2/3 tổng nộp ngân sách quốc phòng của các doanh nghiệp quân đội (từ năm 2007 đến năm 2012, tổng cộng Viettel đã nộp ngân sách quốc phòng gần 1,5 ngàn tỷ đồng và là đơn vị mang lại nguồn thu lớn nhất cho Quân đội. Những người lính Viettel ngày nào vừa hoàn thiện hệ thống viễn thông quốc gia, phủ sóng khắp vùng trời, vùng biển của tổ quốc lại vừa kinh doanh hiệu quả nguồn vốn được cấp.
Gia tăng tiềm lực quốc phòng Việt Nam
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của doanh nghiệp, là hoạt động hiệu quả về doanh số và lợi nhuận. Và Viettel là một minh chứng cho việc này một cách ngoạn mục. Từ năm 2000 đến năm 2012: Doanh thu tăng 2,6 nghìn lần (từ 53,7 tỷ lên 141.086 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế tăng 22 nghìn lần (từ 1,25 tỷ đồng lên 27.514 tỷ đồng); Tổng giá trị tài sản tăng 41,9 nghìn lần (từ 2,3 tỷ đồng lên 96.529 tỷ đồng); Vốn chủ sở hữu tăng 9,3 nghìn lần (từ 6,6 tỷ đồng lên 63.166 tỷ đồng). Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của một tập đoàn kinh tế nhà nước với mô hình gần như là độc nhất - một tập đoàn trực thuộc Bộ chủ quản và không tồn tại hội đồng quản trị.
Sau khi đạt được những kết quả xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh, Viettel đang có những thành công bước đầu trong việc sản xuất nhiều thiết bị quân sự đặc chủng, góp phần tiết kiệm cho ngân sách cả tỷ USD. |
Không tồn tại hội đồng quản trị, đơn giản là để đảm bảo không bị chi phối bởi các cá nhân, nhóm quyền lợi hoặc băn khoăn về vấn đề cổ phần. Không tồn tại hội đồng quản trị để có thể ra quyết định nhanh, chớp cơ hội kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ công ích tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. Không tồn tại hội đồng quản trị để Đảng uỷ thực hiện chức năng quản lý toàn diện về mọi mặt. Vì vậy, mọi nỗ lực đuợc đặt hết vào việc phát triển kinh doanh và hoàn tất nhiệm vụ gia tăng tiềm lực quốc phòng.
Chính bệ đỡ của thành công về kinh doanh đã tạo đà cho việc xây dựng hệ thống nghiên cứu đổi mới công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin gắn với quốc phòng. Từ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel, không chỉ có những sản phẩm viễn thông được thương mại hóa, mà còn là hệ thống ra đa cảnh giới vùng trời quốc gia, còn có những thiết bị thông tin đặc chủng dành riêng cho quân đội, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi tự sản xuất các thiết bị quốc phòng công nghệ cao trên toàn thế giới.
Qua một báo cáo nội bộ của Viettel vừa được tiết lộ, tất cả đều bị ấn tượng, bởi đơn giản, nó vượt khỏi tầm vóc của một báo cáo thành tích của một đơn vị kinh doanh, mà nó lại là một chỉ dấu cho thấy sự phát triển của tiềm lực quân sự Việt Nam: chỉ từ một nhánh nhỏ tách ra làm kinh tế đã có thể đặt chân lên hành trình chế tạo trang thiết bị quân sự công nghệ cao, có thể tự thiết kế và làm chủ hoàn toàn mạng viễn thông lớn nhất cả nước mà không có bàn tay nước ngoài chạm vào, có thể tập hợp một lực lượng hùng hậu các chuyên gia quân sự - kỹ thuật và công nghệ dưới màu áo lính để cùng nhau theo đuổi một hành trình ít có người đi.
Theo Vietnamnet