Thế giới
Những bức ảnh được chụp sớm nhất trong lịch sử nhân loại
- Thứ năm, 2/5/2019 18:00 (GMT+7)
- 18:00 2/5/2019
Triển lãm mới mở ở Bảo tàng nghệ thuật Louvre Abu Dhabi của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất trưng bày 250 bức ảnh sớm nhất được chụp từ khắp nơi trên thế giới.
|
Khi những chiếc máy ảnh đầu tiên được du nhập từ châu Âu vào giữa thế kỷ 19, chúng dần trở thành một phương tiện hữu ích để thu thập và truyền bá thông tin về thế giới rộng lớn. Con người và cảnh vật trước đây chỉ được mô tả thông qua nghệ thuật hay được ghi chép lại bỗng dưng được lưu lại chính xác chưa từng có. Thông qua nhiếp ảnh, các nhà quản lý địa phương và các hiệu ảnh tư nhân từ Hồng Kông đến Calcutta đã tạo ra một lịch sử bằng hình ảnh phong phú về cuộc sống từ những năm 1800. Trong ảnh là bức ảnh "Thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi ngày nay" được chụp năm 1881 bởi Muhammad Sadiq Bey - giám sát viên, kỹ sư quân đội Ai Cập. Ông được coi là người chụp những bức ảnh đầu tiên về Mecca và Medina - hai địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo. Bức ảnh cho thấy tình trạng của nhà thờ Hồi giáo và kiến trúc của Mecca tại thời điểm đó. Ảnh: CNN. |
|
Bảo tàng nghệ thuật Louvre Abu Dhabi của UAE đã trưng bày 250 bức ảnh được biết đến sớm nhất từ Trung Đông, châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó bức lâu đời nhất có từ năm 1842. CNN đã yêu cầu người phụ trách triển lãm Christine Barthe chọn ra 10 bức ảnh từ bộ sưu tập và giải thích về chúng. Trong hình là bức ảnh "Cá sấu chết trên thuyền ở sông Nile, Ai Cập", chụp năm 1852. Ảnh: CNN. |
|
Bức ảnh "Đường phố Canton" chụp một địa danh thuộc Quảng Châu ngày nay trong giai đoạn 1870-1890. Bức ảnh do Lai Afong - một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ đầu - thực hiện. Bức ảnh này đặc biệt vì thời gian phơi sáng lâu đối với một chiếc máy ảnh thời đầu khiến chuyển động bận rộn của đám đông bị mờ. " Nó cho chúng ta cảm giác về một bức ảnh rất hiện đại", Barthe nói. "Trông như một bức ảnh được thực hiện trong thế kỷ 20". Ảnh: CNN. |
|
Bức ảnh Chân dung Ngài Pratab Singh (1882) được tạo ra nhờ quy trình in bạc - phương pháp in ảnh thương mại đầu tiên để sản xuất bức ảnh từ giấy âm bản. Bức ảnh gợi lại sự thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ thế kỷ 19. "Hình ảnh này cho thấy cách các nhiếp ảnh gia địa phương và châu Âu chụp ảnh có thể khá giống nhau", Barthe nói. "Bức chân dung toát lên sự mạnh mẽ và giàu có - một cách để thể hiện sức mạnh của người dân (Ấn Độ)". Bức chân dung này của nhiếp ảnh gia Ấn Độ Lala Deen Dayal. Ảnh: CNN. |
|
Chân dung Tiểu vương Abdelkader (1865) là bức ảnh tôn vinh Tiểu vương Abdelkader - một nhà lãnh đạo tôn giáo và quân sự Algeria, cũng là người lãnh đạo cuộc kháng chiến của người Algeria chống lại sự cai trị của thực dân Pháp vào giữa thế kỷ 19. Bức chân dung về ông được chụp tại Paris vào năm 1865 bởi nhà nhân chủng học người Pháp Jacques Philippe Potteau. "Ông ấy có một thái độ rất tích cực đối với nhiếp ảnh và ông cũng viết về vấn đề sự xuất hiện của nhiếp ảnh", Barthe giải thích. Ảnh: CNN. |
|
Dãy Andes (1849) là một trong những bức ảnh sớm nhất về Nam Mỹ, thuộc về nhiếp ảnh gia người Mỹ Robert H. Vance. Bức ảnh được thực hiện bằng phương pháp chụp hình dương bản Dage (Daguerreotype), dùng một miếng đồng, đánh bóng nó đến mức độ nhạy cảm với ánh sáng, sau đó phủ lên các dung dịch để có thể lưu lại hình ảnh. Chỉ cần cho bề mặt miếng đồng tiếp xúc đủ lâu với ánh sáng sẽ thu được hình ảnh. Cách làm này sau đó đã trở nên phổ tiếp suốt hơn 20 năm sau đó. Ảnh: CNN. |
|
Quần thể đền Prambanan (Yogyakarta, Indonesia (1889-1890) là bức ảnh chụp quần thể đền thờ Hindu ở Trung Java - một địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt, nhìn kỹ vào bức ảnh có thể thấy nhiếp ảnh gia Kassian Cephas đang đứng bên lối vào ngôi đền. Nó có thể là "một ví dụ rất sớm về việc chụp ảnh tự sướng", Barthe nói. Ảnh: CNN. |
|
Maharani của Nepal và những thị nữ của cô (1885-1894) là một trong những hình ảnh hiếm hoi về Nepal thế kỷ 19. Khoảng năm 1882, hai nhiếp ảnh gia người Anh P.A. Johnston và Theodore Hoffmann đã lập ra một trong những studio chụp ảnh tư nhân lớn nhất Ấn Độ, chụp hàng loạt ảnh chân dung người dân trên dãy Himalaya. Hình ảnh trên được chụp tại Nepal, một khu vực hẻo lánh hầu như không được lưu lại trong thời kỳ đầu của nhiếp ảnh và hiện vẫn còn nhiều câu hỏi về nguồn gốc của bức ảnh.. Ảnh: CNN. |
|
Chân dung của một phụ nữ trẻ (Ethiopia, 1885-1888) thuộc về nhà thám hiểm người Pháp Jules Borelli, tác giả những cuốn nhật ký minh họa chi tiết về những chuyến đi của mình ở Ethiopia, nơi ông thường chụp ảnh người dân từ các dân tộc Amhara, Oromo và Sidama. Bức ảnh này nổi bật với ông Barthe vì "nụ cười bí ẩn" của người phụ nữ trẻ. Không giống như những chân dung mang phong thái hình thức về dân tộc học của thời đại, bức chân dung cho thấy tâm trạng thoải mái của thiếu nữ trong ảnh. Ảnh: CNN. |
|
Toàn cảnh cảng Kobe (Nhật Bản, 1870-1874) được chụp ngay sau khi Nhật Bản mở cửa ra thế giới sau nhiều thập kỷ cô lập, cho thấy một thành phố bên bờ vực của sự thay đổi lớn. Ichida Sota, người thực hiện bức ảnh toàn cảnh này, là một trong những nhiếp ảnh gia tư nhân đầu tiên của xứ sở hoa anh đào. Ông đã mở một studio ở Kyoto vào năm 1867. Bức ảnh gây chú ý nhiều hơn với đường viền trang trí nó. Theo Barthe, nó cho thấy nhiếp ảnh đã sớm được hợp nhất với thiết kế của Nhật Bản theo cách độc đáo. "Chúng cho thấy thị hiếu của Nhật Bản đã thay đổi và được biến đổi hoàn toàn trong những bức ảnh kiểu này", Barthe giải thích. Ảnh: CNN. |
những bức ảnh được biết đến sớm nhất thế giới
Indonesia
Ai Cập
Nepal
Trung Quốc
Nhật Bản
Mỹ
Anh
Pháp
Trung Đông
ảnh lâu đời nhất
câu chuyện đằng sau những bức ảnh
triển lãm ở Louvre Abu Dhabi