Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bóng ma mải miết tìm kiếm sự tồn tại

“Một chỗ trong đời” của nữ nhà văn Annie Ernaux là câu chuyện lạ kỳ đến lạnh lùng của những kẻ sống mà như ma đang chơi vơi, lạc lõng giữa hai giai cấp kiếm tìm sự ghi nhận.

Câu chuyện kể về một người cha lạ lùng. Ông không bao giờ bước chân vào viện bảo tàng, chỉ đọc báo địa phương, không dùng thêm thứ gì khác ngoài con dao Opinel của riêng mình.

Một người đàn ông xuất thân từ một gã nông dân bần hàn, trở thành một công nhân và cuối cùng thành chủ một tiện cà phê kiêm nhiệm bán vài thứ tạp phẩm lặt vặt. Cho đến cuối đời ông vẫn luôn lo lắng và ám ảnh việc nhầm “vị trí”. Rằng thì ông phải nên ở một vùng quê nào đó trồng trọt, nuôi gia súc một cách an ổn qua ngày.

Mot cho trong doi anh 1
Cuốn sách Một chỗ trong đời.

Người cha cũng rất tự hào về cô con gái nhờ được học hành tử tế mà được một vị thế xứng đáng trong xã hội, không bị khinh rẻ như ông và vợ trước kia. Nhưng thời đại đổi thay cô con gái dấn thân vào lối sống của tầng lớp tiểu tư sản. Một thế giới khác với vô số suy nghĩ ngược chiều khiến khoảng cách giữa hai cha con cứ thế nối dài.

Ông qua đời trong một buổi chiều thanh thản, nhẹ nhàng. Những khách quen cũ đều mừng cho kẻ đã khổ cả đời hy sinh xương máu cho đất nước được một giấc ngủ êm dịu và thiên thu. Người con gái bắt đầu viết lại về cha cô. Một cuốn nhật ký để phác lại toàn bộ cuộc đời ông, vừa là những suy nghĩ nặng trách móc, lạnh lùng về tư duy cũ kỹ bảo thủ của ông cụ.

Nhà văn Annie Ernaux đã chối từ thứ văn chương thuần hư cấu để chuyển mình sang thể loại tự truyện. Mỗi giai đoạn của cuộc đời bà đều được lưu lại mỗi tác phẩm và dường như Một chỗ trong đời là một tác phẩm bà viết về chính người cha của mình.

Annie Ernaux làm người đọc nhớ về một người tình Sa Đéc hoang hoải, cô đơn của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Cả hai người đều chọn lối dẫn dắt tự truyện, dùng ngòi bút để viết về cuộc đời của mình. Nhưng Annie Ernaux vẫn có những nét chấm phá riêng biệt. Bà gây dựng một phong cách trung tính, khách quan, không phán xét như thể mọi thứ tất nhiên phải tới.

Tác giả chỉ đóng vai một người kể chuyện, dẫn dắt người đọc và mê cung cảm xúc của riêng bà. Nếu có bức bối khó chịu lắm đi chăng nữa con chữ cũng chỉ dám đặt in nghiêng một chú giải đè nén về khoảng thời gian hiện tại không thể thoát nghĩa nổi cho cơn bĩ cực giai đoạn ấy. Cũng nhờ lối viết hững hờ đến tối giản đó mà Annie Ernaux đã được giải Renaudot năm 1984, giải thưởng văn học Pháp cao quý.

Một chốn trong đời viết dưới dạng nhật ký kể về đời người qua góc nhìn của kẻ khác. Một người cha mà trong câu chuyện cái tên cũng không được xuất hiện nhiều. Thứ duy nhất người đọc có thể mường tượng về ông là một gã nông dân nghèo hèn, một người hùng thời chiến và một ông chủ cửa hàng cà phê – tạp hóa thân thiện.

Người đàn ông này đi lên từ phía cuối xã hội để trở thành công nhân và có một gia đình hạnh phúc. Thời trẻ gã đã may mắn thoát khỏi bom đạn chiến tranh và có một gia đình hạnh phúc. Cô vợ khéo vun vén cũng đủ giúp cả hai len lỏi vào cuộc sống trung lưu. Nhưng buồn nỗi, thế thời chỉ phân định rõ sự giàu có giữa giai cấp tiểu tư sản với đám nông dân khố rách áo ôn. Những kẻ như ông, gia đình ông mắc kẹt chơi vơi giữa ranh giới giàu nghèo.

Mot cho trong doi anh 2
Nữ nhà văn Annie Ernaux.

Người cha vẫn giữ cốt cách, bản chất của một người nông dân với nỗi lo cây trồng mùa vụ, chi tiêu tiết kiệm để có chút tài sản nơi cuối đời. Tuy vậy ông vẫn phải khoác lên mình tấm áo rởm đời, tiêu pha vung tay quá trán dù trong bụng tiếc tiền đến nghẹn họng.

Những hành động ấy cố tỏ ra để trở thành một gã nhà giàu hào phóng để xã hội không khinh bỉ coi thường, thậm chí suy nghĩ này còn kỳ cục tới nỗi lão cảm thấy cáu giận với thứ phương ngữ quê hương, muốn xóa sạch đi để trở thành một con người khác. Mặc cảm giai cấp cứ vậy lớn dần, dằn vặt người đàn ông khiến ông tự tách biệt mình khỏi chính những người thân thiết.

Trong chương trình Táo Quân cuối năm, Táo nào đó đã phát ngôn một câu mà nghe đến giờ vẫn cảm thấy chua chát. Ông từng than thở với Ngọc Hoàng rằng: “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, còn thông minh nó tìm cách tiêu diệt”. Đó là người đời, người cha vừa đáng thương, vừa đáng tội làm gì có Thượng Đế để kêu ca. Ông chọn cách giải quyết cục cằn, gia trưởng khiến chính con gái mình cũng không thể chịu nổi, nhằm quyết giữ gìn một gia đình yên bình, không chịu bất cứ điều tiếng gì.

Một chỗ trong đời đơn thuần chỉ là kể lại tất cả các sự kiện nhanh như một đoàn tàu vụt qua. Một cuốn sách mỏng manh. Nội dung xoáy sâu và những mặc cảm giai cấp khiến người ta sống như một bóng ma, luôn cố với cao để tìm kiếm sự công nhận tồn tại. Cái chết của người cha tuy êm ái nhưng để lại một câu chuyện buồn, cay nhục hệt như cảm xúc của cô gái và người vợ khó khăn không thể vuốt mắt cho kẻ đã qua đời.

Annie Ernaux đã vô tình gieo vào người đọc câu hỏi “chúng ta là ai?” “ai là chúng ta?” “chúng ta đã và đang đấu tranh cho điều gì?”. Với một loạt các câu hỏi ấy khi gấp cuốn sách lại độc giả sẽ tìm cho mình một đáp án riêng biệt mà chỉ có bản thân thỏa mãn.

Gia Hạ

Bạn có thể quan tâm