Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều cây viết trẻ mải chạy theo thị trường

​Các nhà văn thuộc các thế hệ đi trước đang đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ các cây viết trẻ, mong muốn đội ngũ kế cận trong tương lai sẽ nhập cuộc đi sâu vào muôn mặt của đời sống.

Sáng 28/8 tại Bảo tàng Văn học diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. Đến hẹn lại lên, 5 năm một lần, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc là nơi gặp gỡ của những cây viết trẻ. Năm nay, hội nghị lần thứ IX có sự góp mặt của 120 đại biểu ở nhiều lĩnh vực của nền văn học như: văn xuôi, thơ, lý luận - phê và dịch thuật.

Điểm nổi bật của hội nghị lần này là sự góp mặt của nhiều tác giả thuộc thế hệ 9X, đặc biệt một số cây viết trẻ mới chỉ sinh năm 1999 và vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường THPT nhưng đã tạo được dấu ấn riêng trong sáng tác như: Vũ Hương Nam (Đắc Lắc), Ngô Gia Thiên An (Hà Nội).

Hoi nghi Dai bieu nhung nguoi viet van tre toan quoc lan thu IX anh 1
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khai mạc hội nghị. Ảnh Hữu Đố.

Trong bản tham luận mở đầu hội nghị, khái quát về tình hình văn học trẻ từ năm 2010 đến nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, các nhà văn trẻ đã tham gia khám phá và soi rọi nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, đi sâu, đi sát vào đời sống. Nhiều tác giả đã say mê tìm khiếm kiếm những cách biểu hiện mới, mang lại những màu sắc thâm trầm cho văn chương.

Theo một số đại biểu tham dự hội nghị, những người viết trẻ hiện nay đang phải đối mặt với những sức ép của nền văn học mang tính thị trường. Nhiều cây viết trẻ mải chạy theo thị trường mà ít quan tâm đến giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nên trong sáng tác của một số cây viết trẻ có độ chênh về số lượng và chất lượng. Nhiều tác giả đã xuất hiện rầm rộ, ra mắt nhiều đầu sách nhưng ít có tác phẩm đặc sắc.

Hoi nghi Dai bieu nhung nguoi viet van tre toan quoc lan thu IX anh 2
Một số nhà văn trẻ đọc tham luận tại hội nghị. Ảnh: Hữu Đố.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự nhập cuộc của các cây viết ở miền núi, các cây viết là đồng bào dân tộc thiểu số. Bước đầu, họ đã cố gắng vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ để viết nên nhiều tác phẩm có giá trị. Đó không chỉ là những sáng tạo văn học, mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa tộc người cần được bảo tồn và gìn giữ.

Trong thời đại bùng nổ của internet và các trang mạng xã hội, các cây viết trẻ dễ dàng tiếp cận và đưa tác phẩm của mình đến với công chúng nhưng để tác phẩm tạo lập được chỗ đứng trong lòng người đọc không phải là điều dễ dàng.

Dù viết ở thể loại nào, người viết trẻ cũng phải giữ được trong các sáng tác của mình vẻ đẹp của tinh thần nhân văn, nhân bản. Sáng tạo không phải là “đạp đổ” cái cũ mà đôi khi là sự tìm tòi từ nền móng của những giá trị trong quá khứ.

Theo đánh giá của các nhà văn tiền bối, bên cạnh sự phát triển của đội ngũ những người cầm bút trẻ ở lĩnh vực sách tác, các lĩnh vực khác như nghiên cứu, lý luận - phê bình, dịch thuật cũng cho thấy sự nhập cuộc hăng say của thế hệ trẻ.

Nhiều công trình nghiên cứu, lý luận phê bình có chất lượng được ra mắt thời gian gần đây như: Không gian văn học đương đại (Đoàn Ánh Dương), Văn học trẻ như tôi hình dung (Đoàn Minh Tâm), Chân lý và hư cấu (Ngô Hương Giang)… Không chỉ nhạy bén trong nghiên cứu, đội ngũ các nhà phê bình trẻ phần lớn là những người được đào tạo bài bản. Họ có thể còn thiếu kinh nghiệm và sự va vấp về văn học và văn hóa. Nhưng bù lại họ thành thạo ngoại ngữ và có điều kiện tiếp thu với nhiều lý thuyết phê bình mới trên thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của văn học nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, có một phần công sức không nhỏ của đội ngũ dịch giả trẻ, có thể kể đến một số cái tên như: Cao Việt Dũng, Nham Hoa, Lê Nguyễn Lê, Trần Nhật Mỹ, Đoàn Phương Thúy....

Nhờ có họ, độc giả Việt Nam hiện nay có cơ hội tiếp xúc, cập nhận nhanh chóng các sáng tác mới của các tác giả tên tuổi trên thế giới. Các nhà văn thuộc thế hệ đi trước hy vọng với vốn ngoại ngữ sâu rộng cùng nhiệt huyết với văn chương, các dịch giả trẻ không chỉ đưa văn học thế giới đến với độc giả trong nước mà còn mang văn học Việt Nam ra thế giới.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm