Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ‘bóng hồng’ tài năng của Vietjet

Không có nhiều nữ giới làm lãnh đạo trong lĩnh vực hàng không thế giới. Thế nên, sự thành công của các nữ lãnh đạo tại Vietjet để lại nhiều dấu ấn.

Dưới sự dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo Vietjet, hãng hàng không này đã có những bước tiến nổi bật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cặp đôi chủ tịch - tổng giám đốc

Tham gia sáng lập Vietjet từ những ngày đầu cùng CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà là nguồn cổ vũ cho toàn bộ nhân viên Vietjet bởi sự lãnh đạo quyết đoán và tiên phong, mạnh mẽ trong mọi hành động. Bà Thanh Hà từng là lãnh đạo quản lý của ngành hàng không. Kinh nghiệm của bà đã phát huy hiệu quả trong các hoạt động và thành công của Vietjet.

Theo bà Thanh Hà, để Vietjet phát triển mạnh mẽ hơn, hãng phải gắn với công tác đào tạo và tự thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, cung ứng, chủ động trong khai thác và kiểm soát chất lượng phục vụ hành khách, tối ưu hóa chi phí vận hành… Chính vì vậy, bà Hà cùng các thành viên HĐQT, ban lãnh đạo Vietjet đã quyết tâm xây dựng, đưa vào hoạt động học viện hàng không, tổ chức bảo dưỡng kỹ thuật và mới đây là trung tâm khai thác dịch vụ mặt đất.

Vietjet anh 1

Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà.

Cùng với bà Thanh Hà, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo là lãnh đạo có xu hướng đi đầu trong việc đưa công nghệ mới, hiện đại của ngành hàng không vào hoạt động của Vietjet với những kết quả nổi bật. Cụ thể: Chuyển từ vé máy bay giấy sang vé điện tử, tài trợ chương trình ứng dụng giải pháp và công nghệ tiên tiến với tổng công ty quản lý bay, nâng năng suất điều hành...

Tỷ phú tự thân duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là người khơi nguồn cảm hứng để phụ nữ Việt Nam, doanh nhân, người khởi nghiệp tự tin, sáng tạo, bứt phá định kiến về giới, kể cả ở những lĩnh vực vốn được coi là “địa hạt” của nam giới như hàng không.

Dưới sự dẫn dắt của bà Phương Thảo, Vietjet đã trở thành hãng hàng không tư nhân thành công tại Việt Nam. Thành tích của Vietjet trong suốt một thập kỷ qua mang dấu ấn của nữ CEO với những quyết định táo bạo, sáng suốt, quyết đoán.

Vietjet anh 2

CEO Nguyễn Thị Phương Thảo góp phần đưa Vietjet trở thành hãng hàng không tư nhân thành công tại Việt Nam.

Hàng năm, bà Phương Thảo và Vietjet đều quyên góp cho các làng SOS trên toàn quốc, đưa ra sáng kiến chương trình “Chắp cánh yêu thương” để trao học bổng, trao quà cho trẻ em tại các trại trẻ mồ côi, khuyến khích trẻ em nghèo đến trường và trao áo ấm mùa đông cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa...

Trong đại dịch Covid-19, Vietjet đã chuyên chở miễn phí hàng nghìn y bác sĩ, cán bộ y tế, quân nhân vào miền Nam chống dịch, trao tặng xe cứu thương, hàng triệu mẫu xét nghiệm, liều vaccine. “Bếp ăn yêu thương” do bà Phương Thảo phát động đã cấp hơn 1,8 triệu suất cơm và hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho các cán bộ bệnh viện dã chiến, các hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.

Hai “phó tướng”

Bên cạnh nữ chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, dàn lãnh đạo của Vietjet nổi tiếng với 2 phó tổng giám đốc: Bà Hồ Ngọc Yến Phương và bà Nguyễn Thị Thúy Bình.

Bà Yến Phương là giám đốc tài chính, “tay hòm chìa khóa” của Vietjet, nhân tố chủ chốt giúp hãng vượt qua đại dịch, duy trì hoạt động khai thác liên tục và phát triển bền vững trong tương lai.

Vietjet anh 3

Phó tổng giám đốc Yến Phương là “tay hòm chìa khóa” của Vietjet.

Vietjet là một trong số ít hãng hàng không trên thế giới có kết quả kinh doanh tích cực trong đại dịch, duy trì hoạt động khai thác chính, dự trữ xăng dầu, mở rộng hoạt động kinh doanh mới, đẩy mạnh đầu tư tài chính, dự án để bổ sung nguồn doanh thu. Hàng cũng đảm bảo việc làm, thu nhập cho nhân viên. Đó là nỗ lực điều tiết và sử dụng nguồn vốn một cách đúng đắn từ bộ phận tài chính, được dẫn dắt bởi bà Yến Phương.

Trong khi đó, bà Thúy Bình chú trọng đến việc phát triển thương mại, dịch vụ Vietjet trên thị trường trong nước và quốc tế. Tại một diễn đàn, bà Bình chia sẻ: “Vietjet nhìn nhận thị trường giống như khi nhìn vào một cốc nước. Hãng không nhìn vào phần cốc nước đã có bao nhiêu mà nhìn vào phần cốc nước còn có thể rót thêm. Với 100 triệu dân, mới chỉ 1% người dân Việt Nam sử dụng phương tiện hàng không thì còn 99% cơ hội là dư địa của ngành hàng không”.

Đến nay, Vietjet đã mang thương hiệu ra thế giới qua việc thành lập liên doanh hàng không Thai Vietjet. Hãng cũng được trao giải thương hiệu Việt Nam truyền cảm hứng toàn cầu qua sự bình chọn của nhiều chuyên gia uy tín trên thế giới.

Bà Thúy Bình khẳng định: “Vietjet đã thực hiện vai trò của một đại sứ truyền cảm hứng Việt tới khắp bạn bè năm châu, đóng góp vào sự phát triển du lịch và kinh tế trên toàn cầu, cũng như ký kết các hợp tác thương mại toàn cầu với tổng giá trị lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động ở các nước tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á”.

Vietjet anh 4

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình là người đưa ra những quyết sách về việc phát triển thương mại, dịch vụ Vietjet.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà, các nữ lãnh đạo Vietjet đều có những gia đình hạnh phúc, thành đạt, viên mãn. Họ cho thấy phụ nữ có thể thành công trong vai trò lãnh đạo ở bất cứ lĩnh vực nào và là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, chăm lo cho hạnh phúc của cộng đồng.

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm