Bộ tranh BÁNH MÌ Việt Nam: Bộ tranh khẳng định nét đẹp ở các dòng bánh mì đặc trưng tại Việt Nam. Nhiều loại bánh mì nổi tiếng được nhắc tới, gắn với từng vùng miền địa phương như bánh mì cay Hải Phòng, Bánh mì ép của Huế, Bánh mì khô cá Đà Nẵng... và nhiều loại bánh mì được yêu thích khác như Bánh mì thịt nướng, Bánh mì kem, Bánh mì thanh long... Bộ tranh được thực hiện chỉ trong vỏn vẹn 9 tiếng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Lê Đức Hùng, Hồng Nhi, Đinh Nhung, Nhật Trần... |
Bộ tranh Quốc Tự: Bộ tranh vẽ 29 chữ cái tiếng Việt bằng lối minh họa với chủ đề văn hóa Việt Nam. Quốc Tự đồng tổ chức bởi Nguyễn Thế Mạnh và Vinh Vương, thừa kế tinh thần từ dự án Unlimited Letters của Đoàn Phú Trọng thực hiện năm 2013. Mỗi chữ cái trong Quốc Tự ứng với một câu chuyện văn hóa, có thể là văn hóa dân gian (tục ăn trầu, cờ người, tranh dân gian Đông Hồ, múa rối nước...), văn hóa thời bao cấp (nhà tập thể), văn hóa đương đại (trò chơi Flappy Bird, khoan cắt bê tông, xiếc của hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp...), nhưng nhìn chung là có độ phổ biến toàn quốc và quốc tế. Bên cạnh tranh vẽ minh họa, dự án còn có chú thích đi kèm, lý giải tại sao các họa sĩ lại chọn ý nghĩa đó để minh họa cho các chữ cái tiếng Việt. Quốc Tự có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Tùng Nâm, Hoàng Sym, Hồ Phú Vinh, Xoài Giòn, Trịnh Hoàng Khả Ly... |
Bộ tranh Canh Tý: Canh Tý là bộ tranh vẽ con chuột dựa trên các nét văn hóa Việt Nam, dân gian và đương đại do 23 họa sĩ thực hiện. Bộ tranh cố gắng sử dụng bộ màu tranh làng Sình, dòng tranh đặc biệt tại Thừa Thiên Huế. Tranh làng Sình sử dụng mộc bản lối in trên giấy điệp, nghệ nhân in đường nét bằng ván khắc, sau đó tô màu bằng bút rễ dứa. Màu tranh thường là các màu tươi sáng, trải rộng từ tranh thờ cúng sang tranh sinh hoạt. Bộ tranh Canh Tý phác họa lại nhiều hình ảnh con chuột gắn với đời sống người Việt Nam như giờ Tý, thành ngữ Chuột sa chĩnh gạo, tác phẩm O Chuột của nhà văn Tô Hoài hay các truyện dân gian, bản khắc hình chuột trên các bia khắc, gốm sứ... Bộ tranh được thực hiện nhân dịp năm mới Canh Tý với sự góp sức của nhiều nghệ sĩ như Vĩnh Lộc, Phan Hà, Lun Anh, Phạm Ngọc Đức, Đinh Nhung... |
Bộ tranh Yêu. Ma. Quỷ. Quái: Bộ tranh tổng hợp các loài yêu, ma, quỷ, quái, thần thú trong các truyền thuyết dân gian của người Việt suốt hơn 2000 năm qua. Hầu như mỗi tỉnh thành của Việt Nam đều có những điển tích riêng về các loài yêu quái, ma quỷ. Dựa trên những mô tả tư liệu tham khảo trên sách báo, dân gian truyền miệng, nhóm dự án đã xây dựng nên hình ảnh của các loài sao cho phù hợp và sinh động nhất. Các loài cũng được chia ra theo từng nhóm riêng bao gồm Yêu (Cá, Xương, Giao Long, Cáo Núi, Rắn Núi, Hồ Tinh...), Ma (Ma Mẹ Ma Con, Mẹ Ranh Càn Sát...), Quái (Long Mã, Đại Bàng Đá, Beo, Tê Giác...) và Thần Thú (Rùa Vàng, Garuda, Thằn Lằn - Heo - Nai - Cá...). Mỗi loài cũng được giới thiệu lại bằng các tích riêng do nhóm dự án góp nhặt và tổng hợp lại, nhằm đưa đến cho người xem cái nhìn khái quát nhất về các loài yêu tinh, quái vật trong văn hóa dân gian Việt Nam. Dự án quy tụ nhiều nghệ sĩ tham gia như Tạ Huy Long, Phan Vũ Linh, Nguyễn Minh Hải, Đạt Phan, Đốm Đốm, Hồ Quang Thái, Chu Quỳnh, Hiệu Sicula... |
Bộ tranh Miền Trung: Bộ tranh Miền Trung là cẩm nang thú vị dành cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu về dải đất miền Trung đầy nắng, gió, nhưng cũng là cái nôi văn hóa với nhiều công trình kiến trúc lâu đời, các món ăn ngon, và những chuyện xưa, tích cũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dự án được thực hiện bởi gần 90 họa sĩ trẻ, trong đó phần lớn là các họa sĩ được sinh ra và lớn lên ở miền Trung, hoặc đã có thời gian sinh sống, gắn bó với vùng đất này. Dự án được khởi nguồn từ ý tưởng “thông qua nghệ thuật để thúc đẩy du lịch”, và mong muốn bảo tồn các nét văn hóa lâu đời của Việt Nam - mà miền Trung là điểm đến đầu tiên của nhóm họa sĩ. |
Tính đến nay, duy nhất dự án tranh Miền Trung đã được xuất bản thành sách gồm 3 quyển Thực - Kiến - Tích. Cuốn Thực gắn với ẩm thực đa dạng của miền Trung, phải kể đến như Chả ram tôm đất Bình Định, Mắt cá ngừ đại dương Phú Yên, Bánh canh Nam Phổ Huế, Nem chua Thanh Hóa... Cuốn Kiến hướng chủ đề về kiến trúc, giới thiệu các danh lam thắng cảnh của miền Trung, dẫn dắt người đọc đến những địa danh nổi tiếng như Chùa Thiên Mụ ở Huế, Nhà thơ Mằng Lăng ở Phú Yên, Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.. Cuốn Tích kể lại một cách tóm lược những tích cổ, chuyện xưa gắn với từng vùng đất văn hóa, lí giải nguồn gốc các vị thần, sự tích các địa danh, gửi gắm bài học dân gian, thông qua hình thức tranh minh họa sáng tạo, đa phong cách, có cả hình thức truyện tranh. |