Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bí ẩn lớn nhất trong vụ máy bay Malaysia mất tích

Máy bay biến mất vào thời điểm an toàn, dấu hiệu phi cơ quay trở lại, hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp là những mắt xích bí ẩn trong chuyến bay MH370.

Phi cơ không để lại dấu vết

Ba ngày đã trôi qua và người ta vẫn chưa phát hiện bất kỳ manh mối nào về chiếc máy bay Boeing 777 cùng toàn bộ 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn, bất chấp nỗ lực tìm kiếm của hàng chục tàu và phi cơ.

Một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không quốc gia Malaysia. Ảnh: Getty.

Ngay sau khi chiếc Boeing 777 của hãng hàng không quốc gia Malaysia, Malaysia Airlines (MAS) biến mất, người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi về số phận của nó. Thân nhân những người có mặt trên máy bay đang tập trung ở Kuala Lumpur, Malaysia và Bắc Kinh, Trung Quốc để ngóng chờ tin người thân. Các đội tìm kiếm quốc tế cũng sẵn sàng tới khu vực mà phi cơ phát tín hiệu cuối cùng để giúp chính phủ Malaysia tìm kiếm chiếc phi cơ mất tích.

Vai trò của những hành khách dùng hộ chiếu đánh cắp

Các điều tra viên Malaysia đang rà soát toàn bộ dữ liệu giám sát ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong ngày 7 và 8/3 nhằm làm rõ danh tính và mục đích của hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay mất tích. Đây là những hộ chiếu của du khách châu Âu, bị đánh cắp ở Thái Lan trong năm 2012 và 2013.

Ngay sau khi nhận tin về hai trường hợp này, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã điều tra về những hộ chiếu và người sử dụng chúng. Dữ liệu của Interpol cho thấy chưa ai sử dụng hai hộ chiếu từ khi chúng rơi vào tay kẻ cắp. Vụ việc khiến dư luận lo ngại về tình trạng an ninh lỏng lẻo đối với các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan ngày càng lan rộng.

Máy bay gặp sự cố lúc an toàn nhất

Các chuyên gia hàng không khẳng định, thời điểm nguy hiểm nhất đối với một chiếc máy bay là giai đoạn cất và hạ cánh. Rất ít phi cơ gặp nạn khi đang bay ổn định ở độ cao hơn 10.000 m, độ cao mà chiếc Boeing 777 của MAS bay trước khi mất tích. Tuy nhiên, máy bay gặp sự cố khi đang di chuyển ở độ cao này thường kéo theo những hậu quả thảm khốc.

Đại tá Stephen Ganyard, chuyên gia tư vấn hàng không của Mỹ, cho biết: “Điều này khó xảy ra. Một chiếc máy bay sẽ không rơi một cách dễ dàng khi đang bay ổn định”. Trong khi đó, Boeing 777 là loại máy bay an toàn nhất hành tinh, với duy nhất một vụ tai nạn chết người từ khi chúng bắt đầu hoạt động năm 1994.

Các đội tìm kiếm chưa thể xác định vị trí chiếc Boeing 777 mất tích. Ảnh: Malaysian Times.

Trên thực tế, chiếc máy bay của Malaysia bắt đầu hoạt động từ hơn 11 năm trước và chưa gặp phải bất kỳ vấn đề lớn nào. Đây không phải thời gian hoạt động quá dài đối với một chiếc Boeing 777 trị giá hàng trăm triệu USD.

Phi công không phát tín hiệu cấp cứu

Một trong những yếu tố khiến máy bay chở khách mất tích là do phi công không phát tín hiệu cấp cứu khi sự cố xảy ra. Trong những trường hợp này, người ta thường đặt ra hai giả thuyết để làm sáng tỏ quyết định này của các phi công. Thứ nhất, phi hành đoàn không ý thức được những đe dọa với máy bay cho tới khi sự cố xảy ra. Thứ hai, sự cố quá nghiêm trọng, buộc phi hành đoàn tập trung cứu máy bay và không kịp phát tín hiệu cấp cứu.

Máy bay Boeing 777 sở hữu thiết kế khá ưu việt. Phi công có thể khởi động lại các động cơ nếu nó ngưng hoạt động khi đang bay. Hệ thống ác quy dự trữ có thể ngăn mọi sự cố với nguồn cung điện của chiếc máy bay. Nếu động cơ ngừng hoạt động giữa trời, thiết kế khí động học giúp nó không rơi đột ngột.

Quân nhân Việt Nam trên một máy bay dùng máy ảnh để quan sát mặt biển trong quá trình tìm kiếm phi cơ Malaysia mất tích hôm 10/3. Ảnh: Reuters

Vụ mất tích của chuyến bay số hiệu MH370 của MAS có khá nhiều điểm tương đồng với vụ mất tích của chiếc máy bay số hiệu 447 của hãng hàng không Pháp Air France năm 2009. Phi hành đoàn trên chiếc Airbus của Pháp không nhận ra nguy hiểm tới khi chiếc máy bay lao xuống Đại Tây Dương. Các nhà điều tra mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc ấy.

Dấu hiệu máy bay quay trở lại

Tư lệnh Không quân Malaysia, tướng Rodzali Daud, cho biết, tín hiệu máy bay Boeing 777 quay lại đã xuất hiện trên radar quân sự. Dữ liệu của hệ thống radar phòng không và radar dân sự ghi nhận sự thay đổi lộ trình bay của chiếc Boeing 777 sau khi cất cánh lúc sáng sớm ngày 8/3.

Thông tin đó khiến người ta đặt câu hỏi: Vì sao máy bay quay đầu trở lại mà không báo cho bộ phận kiểm soát không lưu ? Nghi vấn này càng trở nên bí ẩn hơn khi cơ trưởng của chuyến bay là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, một người dày dạn kinh nghiệm với 18.365 giờ bay.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm