Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bài toán cần giải với siêu dự án trên sông Hồng

Không phải ngẫu nhiên mà các dự án tỷ USD luôn nhận nhiều ý kiến trái chiều, siêu dự án trên sông Hồng cũng không phải là ngoại lệ.

Dự án giao thông thủy xuyên Á, kết hợp thủy điện trên sông Hồng theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) do công ty con của bầu Thụy đầu tư, đang vấp phải nhiều phản ứng. Trong đó, đa phần ý kiến các chuyên gia xoay quanh việc cần làm rõ 5 câu hỏi khi triển khai dự án này.

Thứ nhất, tính cấp thiết của dự án này tới mức nào?

Thứ hai, tại sao lại là BOO mà không phải là hình thức khác?

Thứ ba, mục tiêu và lợi ích tổng thể về kinh tế, xã hội và môi trường dự án mang lại là gì?

Thứ 4, danh mục những tổn thất và tác động mà dự án này có thể gây ra, và có đáng để đánh đổi khi làm dự án này không?

Thứ năm, chủ dự án sẽ xây dựng, vận hành và sở hữu công trình, tức sở hữu tài sản công là dòng chảy sông Hồng. Điều này có phù hợp với các luật hiện hành không, cần làm rõ? Nếu có mâu thuẫn với các nhu cầu sử dụng nước khác thì sẽ được xử lý ra sao? 

Lo ngại bài toán môi trường

Dự án mới đề xuất bước đầu đã nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia lại bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của nó tới môi trường sống.

Bau Thuy xay dung sieu du an tren song hong anh 1
Nếu siêu dự án triển khai cần phải cân đối được bài toán môi trường và lợi ích kinh tế. Ảnh: Lao Động

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Bài học nhãn tiền về hạ lưu sông Mekong ngập mặn vì những đập nước ở thượng nguồn vẫn chưa kết thúc. Đến nay, nếu sông Hồng lại bị 'băm nát' tương tự thì chúng ta đang chấp nhận đánh đổi cả một cùng văn hóa châu thổ, đời sống của người dân đồng bằng ở hạ nguồn để lấy giao thông và thủy điện”.

Sông Hồng không chỉ chảy từ Trung Quốc về mà còn kết nối với hàng loạt con sông khác như sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Luộc... Do vậy nếu dòng sông Hồng bị xáo trộn sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ.

TS Vũ Trọng Hồng, chuyên gia thủy lợi lo ngại: “Sông Hồng là mạch sống của đồng bằng Bắc bộ, là tài sản quốc gia nên phải có ý kiến Quốc hội về dự án. Tuy nhiên, nếu chấp thuận đầu tư dự án sẽ ảnh hưởng đến vựa lúa phía Bắc. Lòng sông Hồng hiện đã cạn nước, nên nếu tiếp tục làm thủy điện sẽ khiến lòng sông lún, tạo điều kiện cho nước biển xâm lấn làm ảnh hưởng cả vùng hạ du”.

Các chuyên gia đều bày tỏ quan điểm, là trước khi triển khai dự án cần phải có báo cáo chi tiết về tác động môi trường, hiệu quả kinh tế. Không phải chỉ cấp phép rồi đưa ra những cách giải quyết nhất thời, thậm chí buộc người dân lựa chọn giữa thủy điện và môi trường.

Bài toán kinh tế có xứng đáng đánh đổi?

Không cần đến khi vận hành mà bài toán này này được giải ngay trong góp ý của Bộ Tài chính về dự án. Quan điểm của Bộ Tài chính cũng thể hiện được lợi ích kinh tế của dự án này đang đi ngược chủ trương và không đáng để “hy sinh” sông Hồng. Ngay cả năng lực của chủ đầu tư vẫn chưa được đánh giá xác đáng, thì đây đang là một dự án đầu tư mạo hiểm.

Bau Thuy xay dung sieu du an tren song hong anh 2
Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam lo lắng nhiều đến ảnh hưởng dòng chảy, môi trường rừng, ảnh hưởng nguồn nước nếu xây dựng thủy điện trên sông Hồng. Ảnh: Dũng Tuấn

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, theo hồ sơ, tổng mức đầu tư (bao gồm cả chi phí lãi vay) khoảng 24.510 tỷ đồng. Tuy nhiên, các yếu tố tính toán trong giai đoạn này mới chỉ mang tính sơ bộ, làm định hướng huy động nguồn. Dự án triển khai còn phụ thuộc vào việc xác định công nghệ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, các điều kiện vay: chi phí vay vốn, lãi vay, thời gian vay vốn…

Bên cạnh đó, với vốn chủ sở hữu là 30%, nhà đầu tư sẽ phải huy động khoảng 7.353 tỷ đồng, tương đối lớn so với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng của công ty (theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25/5/2015). Vì vậy, Bộ Tài chính cũng cho rằng, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn để thực hiện dự án.

Về sơ bộ rủi ro trong quá trình đầu tư, nhà đầu tư cho rằng tuy có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng các yếu tố chính về nguồn thu từ bán điện, năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý đầu tư khai thác có độ tin cậy cao của mình nên bảo đảm tính khả thi cho dự án.

Tuy vậy, mức giá bán điện chủ đầu tư đề nghị (giai đoạn 2021 – 2026 là 1.900 đồng/kWh, và tăng dần trong các năm tiếp theo đến tối thiểu 2.970-3.560 đồng/kWh) được Bộ Tài chính nghi ngờ: Có thể đặt nhà đầu tư trước rủi ro không bán được điện. Đây cũng có thể trở thành rủi ro tài chính của dự án. Bởi việc đề xuất đó đi ngược với chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh của Chính phủ.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID)  bày tỏ: “Thế mạnh của dự án này là nhà đầu tư được sở hữu công trình và tùy ý khai thác nguồn nước là tài sản chung. Thế mạnh chỉ cho nhà đầu tư, còn lo lắng dồn cho cộng đồng.

Thế giới đã có bước ngoặt năng lượng với xu thế dùng năng lượng mặt trời và gió. Thủy điện đã hết thời cũng như không được ủng hộ vì những hệ lụy lâu dài không thể sửa chữa được. Lợi ích kinh tế vẫn đang nằm trong vòng rủi ro, thì việc đánh đổi cả môi trường sống của vùng châu thổ rộng lớn có phải là điều xứng đáng?”.


Bình Nguyên (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm