Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư lệnh các ngành nói gì về dự án tỷ USD trên sông Hồng?

Trong khi Bộ Kế hoạch và đầu tư ủng hộ thì cũng có ý kiến băn khoăn, lo lắng quanh dự án xây đập làm thủy điện trên sông Hồng của công ty bầu Thụy.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng.

Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT) đề xuất. Mục đích của dự án này là tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Chủ đầu tư muốn tăng khả năng kết nối thủy lộ thẳng từ Trung Quốc dọc sông Hồng, qua Hà Nội và nhiều tỉnh, tới các cảng biển phía Bắc.

Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng).

Bau Thuy dau tu dai du an tren song Hong anh 1
Vụ trưởng Vụ giám sát và Thẩm định đầu tư Nguyễn Xuân Tự cho rằng, dự án dù ở bước sơ khai nhưng nhận được sự đồng thuận khá cao. Ảnh: Dũng Tuấn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đề xuất của Xuân Thiện mới là bước ban đầu, chưa thể nói là nghiên cứu tiền khả thi trong các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ này xác định dự án phù hợp với nhiều tuyến giao thông mà Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch. Đặc biệt, dự án sẽ kết nối được với tuyến thủy lộ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định) mà Bộ Giao thông vận tải đã và đang đầu tư.

Công nhận việc dự tính làm thủy điện nhỏ của Xuân Thiện trên sông Hồng là chưa có trong quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2020), chưa có trong quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu của dự án “đáp ứng nhu cầu giao thông là số 1”.

Được biết, Bộ Quốc phòng cũng không phản đối chủ trương đầu tư. Trong văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng, quan điểm của Bộ Quốc phòng được trích dẫn “thống nhất chủ trương đầu tư dự án, quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai để giải quyết các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”...

Văn bản cũng cho biết hai tỉnh thành có ảnh hưởng nhiều là Yên Bái và Lào Cai đều đã đồng ý về chủ trương tiến hành dự án.

Bau Thuy dau tu dai du an tren song Hong anh 2
Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam lo ngại việc xây dựng thủy điện vắt ngang qua sông sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước, lòng sông, môi trường rừng. Ảnh: Dũng Tuấn

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong liên quan dự án xây dựng đập làm thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đầu tư xây dựng bất cứ công trình gì, cũng phải dựa vào quy hoạch, trong đó, dự án trên phải dựa trên quy hoạch thủy điện, giao thông thủy.

“Trước hết Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét về mặt quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, xem có ảnh hưởng các mặt khác hay không, sau đó mới quyết định được”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nếu quan điểm.

Ông Thắng cũng cho rằng, muốn triển khai dự án phải đánh giá kỹ xem tác động nhiều mặt thế nào, và phải có hồ sơ dự án chứ không thể sơ bộ thế được. “Chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp làm hồ sơ phải chuyển cho phía Bộ xem xét đánh giá, hiện nay chưa rõ quy mô thế nào cả”, ông Thắng nói.

Bộ Giao thông vận tải cũng ủng hộ dự án này. Trong khi đó,  Bộ Tài chính còn nhiều băn khoăn.

Khẳng định “Dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn”, Bộ Tài chính phân tích: Công trình thủy điện có yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, kết hợp thủy điện với cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, phương án giải quyết khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, một số đập sẽ nằm rất gần các cầu hiện có, cần đánh giá tác động địa chấn của các đập đầu mối, nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên cầu.

Về vốn đầu tư, Bộ Tài chính nêu các tính toán của Xuân Thiện mới là sơ bộ. Đầu tư thực tế còn phụ thuộc vào việc sẽ dùng công nghệ nào, phương án giải phóng mặt bằng, lãi vay...

Nợ công gần 127 tỷ USD, chúng ta có gì?

Theo thống kê, nợ công Việt Nam đã đạt 62,2% GDP, khoảng 126,9 tỷ USD, phần nhiều dùng trong các dự án ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng.


Kiều Vui (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm