Nhằm tôn vinh những tác giả đã góp công trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ và văn hóa Việt, mới đây Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt bộ sách Chuyện đời xưa - Chuyện giải buồn - Chuyện cười cổ nhân của ba nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học uy tín của hai thế kỷ trước: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển.
Một chặng đường phát triển của chữ Quốc ngữ
Bộ sách được in bìa cứng trang trọng, với phong cách trình bày cổ điển và minh họa đậm chất dân gian truyền thống của họa sĩ Đặng Văn Long, Lâm Chí Trung.
Chuyện đời xưa - Chuyện giải buồn - Chuyện cười cổ nhân gồm ba tác phẩm: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, gồm 74 chuyện, Truyện cười cổ nhân của Vương Hồng Sển gồm 203 truyện, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của gồm 112 chuyện, chuyển thể từ những chuyện chữ Hán hoặc các chuyện xảy ra tại thời điểm của tác giả.
Bằng lời văn Quốc ngữ bình dị mà giàu sức sống, đậm chất dân gian, bộ sách đưa người đọc quay về quá khứ, quan sát đời sống của người dân Việt Nam nhiều thế kỷ trước, với những tập tục, nếp sinh hoạt, các nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội thuộc về một thời đã qua.
Thông qua bộ sách ta cũng thấy được một chặng đường phát triển của chữ Quốc ngữ từ xưa đến nay, hiểu thêm về sự phong phú và sức biểu cảm của tiếng nói dân tộc mình, sẵn dịp trau dồi thêm vốn liếng ngôn ngữ của ta.
Bộ sách Chuyện đời xưa - Chuyện giải buồn - Chuyện cười cổ nhân. Ảnh: M.L. |
Những bài học về đối nhân xử thế
Trong cuốn Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, bạn đọc sẽ bắt gặp những câu chuyện rất quen thuộc mà các bộ sách truyện cho thiếu nhi sau này soạn lại nhiều lần, mang hơi hướm ngụ ngôn, cổ tích, hoặc kể về sự việc trong đời sống. Đó là các chuyện cười chê sự hà tiện, tánh cậy mạnh, thói tham lam, sự dốt mà hay nói chữ, tánh dối trá, việc vong ân phụ nghĩa, tật sợ vợ, thói biếng nhác, nghề ăn trộm…
Có thể kể ra những truyện như: Đặt lờ trên cây (cười sự thiếu hiểu biết), Bốn anh học trò đặt thơ trong chùa (thơ con cóc, cười sự dốt mà tưởng mình hay), Ông thầy ăn khín bánh của học trò (cười sự tham ăn), Học phép hà tiện (cười sự bủn xỉn), Bạn học trò một người đậu một người rớt (chê sự giàu bỏ bạn sang bỏ vợ)...
Điểm đặc biệt và giá trị của cuốn sách này là ở chỗ độ hiếm của các câu chuyện sưu tầm và ngôn ngữ thời đó. Bên cạnh đó, mục đích ban đầu của Trương Vĩnh Ký viết ra là để cho "con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho quen": "Người ta dùng sách nầy mà học tiếng thì lấy làm có ích, vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng An-Nam ròng, có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm. Vậy sách xuất bản vào thời điểm hiện nay, cũng rất hữu ích để ta hiểu thêm về 'tiếng An-Nam ròng' quý giá của ông cha ta vậy".
Chuyện cười cố nhân của Vương Hồng Sển được tổng hợp từ 43 sách và tài liệu cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, có nhiều cuốn trong đó hiện đã tuyệt bản. Học giả Vương Hồng Sển là người đọc nhiều và sưu tầm nhiều tư liệu, vì vậy điểm đắt giá trong cuốn sách này chính là những lời bàn, bản gốc, tư liệu tham khảo, giải thích từ ngữ, chứ không chỉ ở nội dung câu chuyện.
Chẳng hạn như trong bài Mảng lo viết văn, vốn dịch từ bản tiếng Pháp, bên dưới bản tiếng Việt ông đăng hẳn ba bài văn Pháp để bạn đọc tiện so sánh đối chiếu. Hoặc như trong bài Giấu cày, ông đăng cả phiên bản bằng tiếng miền Nam và miền Bắc. Trong bài Uống rượu bằng chén, ông tỉ mỉ ghi thêm giải thích về “chén hạt mít”, “chén mắt trâu”, “chén tốt, chén quân, chén tống”...
Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của có đặc trưng là những từ ngữ rặt Nam Bộ và cách hành văn mà tác giả đã dùng ở thời điểm viết tác phẩm. Điều này giúp bạn đọc tiếp cận và hiểu thêm về ngôn ngữ vùng đất mới khai phá thời kỳ nửa sau thế kỷ 19.
Chuyện giải buồn được viết với ngôn ngữ bình dân để phù hợp với dân trí và nhận thức của người dân Nam Bộ thời kỳ đó. Nhưng Chuyện giải buồn ở đây cũng không phải là chuyện mua vui, mà là những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị dùng làm bài học khuyên đời. Đoạn cuối hoặc câu cuối mỗi chuyện thường là lời đúc kết thấm thía.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!