Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bà Tân vlog nổi danh ở Trung Quốc, đổi đời nhờ Internet

Trước bà Tân Vlog ở Việt Nam, nhiều nông dân Trung Quốc đã trở thành ngôi sao trên mạng xã hội thông qua các video phát trực tiếp.

Tại một vườn cam nằm trên đỉnh đồi ở ngoại ô Trương Gia Giới, thuộc tỉnh Hồ Nam, anh nông dân Zhong Haihui đã trở thành ngôi sao trên mạng xã hội chỉ sau 2 năm.

Vào năm 2017, láng giềng rất ngạc nhiên trước cảnh Zhong Haihui đội mũ cao bồi, đứng trên một tảng đá lớn và nói chuyện hàng giờ liền với... chiếc điện thoại.

nong dan livestream anh 1
Hình ảnh quen thuộc của anh nông dân Zhong Haihui, một ngôi sao livestream tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Đến nay, người đàn ông 40 tuổi này đã trở thành ngôi sao trên mạng xã hội và là hình mẫu để hàng trăm nông dân khác khắp đất nước Trung Quốc mạnh dạn đưa sản phẩm nông nghiệp lên các video phát trực tiếp.

Từ ruộng đồng đến Internet

Zhong Haihui là một trong những nông dân đầu tiên tại Hồ Nam bán trái cây trên video phát trực tiếp. Anh tiếp cận người dùng trên khắp cả nước thông qua ứng dụng chia sẻ video ngắn Kuaishou và chợ điện tử Taobao Marketplace của Alibaba Group Holding.

Theo Zhong, khả năng giao tiếp và ăn nói của anh đã phát triển tốt hơn khi trò truyện với mọi người trên mạng xã hội. Anh lấy nickname “Uncle” và gọi những người xem video của mình là "bao bao" (có nghĩa tương tự baby trong tiếng Anh). Đây là cách xưng hô khá phổ biến trên các nền tảng livestream của Trung Quốc.

Vào tháng 2, thời điểm trước Tết Nguyên Đán, nhóm phóng viên Abacus có dịp ghé thăm trang trại và theo dõi một buổi livestream của anh nông dân nổi tiếng trên mạng xã hội này.

Zhong mở đầu video livestream vào lúc 10 giờ sáng với slogan đã trở thành thương hiệu: "Chào mừng các 'bao bao' mới! Hãy bấm theo dõi nào! Theo dõi Uncle để có thêm nhiều món ăn ngon!". Đây là câu nói luôn được dùng trên các video phát trực tiếp của Zhong.

nong dan livestream anh 2
Zhong bắt đầu buổi livestream vào lúc 10 giờ mỗi ngày với câu chào hỏi quen thuộc: Chào mừng các 'bao bao' mới. Ảnh: SCMP. 

Sau đó Zhong đưa máy lên, quay một vòng khung cảnh trang trại của mình, hát một đoạn nhạc ngẫu nhiên nào đó và hỏi thăm người xem đã ăn gì chưa. Zhong cùng với một người bạn 21 tuổi tên Xiaoqiang liên tục giải đáp những câu hỏi do người xem đưa ra về các loại trái cây mà họ bán vào ngày hôm đó và những loại dự định kinh doanh sau khi nghỉ Tết.

Người xem rất hào hứng với video và liên tục gửi lời chúc cả hai có kỳ nghỉ lễ vui vẻ. Khi Zhong nói rằng phải tạm dừng phát trong vài phút, nhiều fan đã van nài anh tiếp tục trò chuyện. "Uncle đừng đi, hãy ở lại nói chuyện tiếp!", một bình luận khiến Zhong bật cười.

Zhong Haihui từng làm việc tại trạm xăng và nhà máy. Năm 2011, anh ta mở một gian hàng trên Taobao kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên công việc khá bấp bênh cho đến cuối năm 2017, khi Zhong quyết định livestream bán hàng.

Thị trường livestream tỷ USD

Nhiều ứng dụng livestream tại Trung Quốc giúp cho người bán dễ dàng tiếp cận và tương tác với khách hàng của họ. Người dùng có thể mua hàng từ Kuaishou, nền tảng được thiết kế với mục đích ban đầu là chia sẻ video ngắn. Kể cả chợ điện tử Taobao cũng cho phép các thương nhân phát trực tiếp trên gian hàng.

Taobao đặt mục tiêu phát triển 1.000 kênh livestream bán hàng tại 100 huyện trong năm 2019, mang lại thu nhập trung bình 1.400 USD/người/tháng. Trong khi đó, Kuaishou ước tính có 1 triệu người dùng ở nông thôn đang bán hàng qua video hoặc livestream, tạo ra doanh thu 2,65 tỷ USD trong năm 2018.

Thị trường kinh doanh qua livestream tại Trung Quốc bùng nổ từ năm 2016. Các nền tảng và nhà sáng tạo nội dung đã thu về hàng tỷ USD thông qua kênh bán hàng này. Một yếu tố giúp kinh doanh qua livestream cất cánh là mối lo lắng về an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng. Người dùng cảm thấy yên tâm hơn khi được tận mắt xem nơi nuôi trồng những sản phẩm.

nong dan livestream anh 3
Video phát trực tiếp cuộc sống tại nông thôn được cư dân thành thị Trung Quốc quan tâm. Ảnh: SCMP.

Zhong Haihui đã mở rộng kinh doanh thông qua việc liên kết với một số trang trại khác. Anh dự định tổ chức livestream bán hàng tại vườn của đối tác và cũng muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch thông qua video trực tiếp ở Trương Gia Giới.

Thị trường livestream tại quốc gia đông dân nhất hành tinh có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Nguyên nhân đến từ chính sách kiểm duyệt gắt gao hơn và người dùng không còn quá tò mò với hình thức này. Theo Trung tâm thông tin mạng Internet Trung Quốc, năm 2018 có 396,8 triệu người tham gia livestream, giảm 6% so với 2017.

Trong khi cư dân mạng mất đi hứng thú với những video ca hát, biểu diễn nghệ thuật, trọng tâm dần chuyển sang các video mang tính đời thường hơn, do những người nông dân thực hiện.

Cư dân thành thị ở nước này thích thú với cuộc sống làng quê, đó chính là tiền đề để những người nông dân nhanh chóng trở thành ngôi sao livestream, như trường hợp của Zhong Haihui.

Kuaishou sớm nhìn thấy điều đó. Họ đăng tải video có phần thô thiển, nguy hiểm hoặc ngớ ngẩn do những người nông dân thực hiện. Lúc đầu việc này gây ra những tranh cãi, nhưng dần dà mọi thứ đã thay đổi.

Kênh phát trực tiếp của Zhong hiện có hơn 82.000 người theo dõi. Rất khó để đạt được điều đó, đặc biệt đối với một người không quen sử dụng máy ảnh và môi trường văn hóa Internet như anh ấy.

Zhong và bạn của mình vẫn tiếp tục tìm cách nâng cao sức hút của các video phát trực tiếp, thậm chí có lúc họ trò chuyện với mọi người đến tận nửa đêm. “Trở về nhà sau buổi livestream, tôi thường không nói thêm lời nào nữa. Hết chuyện để nói”.

'Tài khoản định danh mới được livestream trên Facebook ở Việt Nam' Bộ TTTT đang yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam và chỉ cho phép các tài khoản xác nhận sở hữu mới được livestream.

Livestream khi tắm, 4 cô gái Hàn Quốc bị khóa tài khoản

Twitch cho rằng đoạn livestream vi phạm nguyên tắc về nội dung nên đã khóa tài khoản của họ trong 3 ngày.

Nguyễn Hiếu

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm