Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những áng thơ nổi tiếng về chùa Hương

Chùa Hương là một thắng tích. Nhiều văn nhân thi sĩ đi trẩy hội có đề thơ trên vách đá.

Ngoài ra còn một ngôi chùa nữa, đi theo ngả khác nhưng cũng thuộc khu vực Hương Sơn đó là chùa Tuyết Sơn. Muốn viếng chùa Tuyết Sơn, không phải đi theo đò Suối. Từ bến đò Suối có đường bộ đi theo phía tay trái chừng một cây số.

Chùa xây ngay chân một trái đồi đất lẫn đá. Cảnh trí cũng rất mỹ quan, cửa chùa nhìn ra cánh đồng chiêm, mùa lúa đang con gái xanh mướt như nhung, bám sát những trái núi màu xanh hòn đậm, hòn nhạt, màu sắc hòa hợp đẹp như bức tranh tuyệt tác khổng lồ.

Chùa Hương nổi tiếng linh thiêng, chùa Hương có cảnh đẹp thiên nhiên mơ màng quyến rũ. Từ đò Suối vào đến Thiên Trù cảnh trời mây non nước đã đẹp với vẻ đẹp hùng vĩ bao la, thì từ Thiên Trù vào chùa Trong đi theo đường rừng, đường núi, có hoa thơm ngào ngạt có rừng mơ tươi tốt, có chim bay, bướm lượn, có từng bầy khỉ đùa rỡn bên đường, mặc cho du khách qua lại nhộn nhịp không sợ hãi. Phải chăng nơi thiên nhiên này là giang sơn của chúng cũng như của những loài dã cầm, dã thú tự do sinh hoạt!

Chùa Hương là một thắng tích. Nhiều văn nhân thi sĩ đi trẩy hội có đề thơ trên vách đá, và trong dân chúng cũng truyền tụng rất nhiều thi ca ca tụng cảnh chùa và ca tụng đò Suối.

Nep cu anh 1

Động Hương Tích. Ảnh: Anvientv.

Cụ Phan Mạnh Danh có bài thơ Hương tích tuyền độ sau đây nói về đò Suối:

Phong điềm lãng tĩnh quýnh vô trần, Lưỡng ngạn sơn đầu thảo mộc xuân. Khê hạ nhất hoằng nguyên thủy lục, Chu hành nghi vị Vũ lăng tân.

Cụ Đông Viên đã dịch:

Sóng êm chẳng chút bụi trần bay, hai mạn xanh rì núi cỏ cây.

Dòng suối dưới khe tuôn nước biếc,

Thuyền đi ngỡ bến Vũ Lăng đây.

Cụ nghè Chu Mạnh Trinh xưa cũng đã để lại cho chúng ta một bài thơ tuyệt bút về hương Sơn thắng cảnh:

Bầu trời cảnh bụt, Thú hương sơn ao ước bấy lâu nay,

Kìa non non, nước nước, mây mây.

Đệ nhất độnghỏi rằng đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lửng lơ khe yến cá nghe kinh;

Thoảng bên tai một tiếng chày kình.

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Này suối giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh!

Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt

Chập chờn mấy lối uốn thang mây.

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay sắp đặt?

Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”

Cửa từ bi công đức biết là bao.

Càng trông phong cảnh càng yêu.

Cụ Chiêu Dương, một thi sĩ lão thành và là một trong những nhà thơ cổ cuối cùng, trong tập Sơn Nhân nhàn bút xuất bản năm 1959 cũng có bài thơ Vịnh chùa hương Tích:

Nam thiên đệ nhất động hương Sơn,

Riêng thú thanh cao cảnh núi ngàn.

Cõi Phật bốn mùa thừa thụy khí,

Bầu trời muôn trạng góp kỳ quan.

Hữu tình núi Tượng, gà, Chiêng, Trống,

Vô tận kho Tơ, Thóc, Bạc, Vàng,

Có lối lên trời, đường xuống đất,

Long lanh cẩm thạch rọi hào quang.

Cứ kể ra văn thơ về chùa Hương còn nhiều, rất tiếc viết lại ra đây không xuể. Nào bài Cảnh chùa hương của cụ Thám Hoa Vũ Phạm Hàm, bài Động hương Sơn của cụ Dương Khuê, lại còn bài thơ Chùa hương của Nguyễn Nhược Pháp có lẽ trong chúng ta không mấy người là không biết.

Cảnh chùa Hương đẹp, văn thơ chùa Hương hay, và trước đây ở miền Bắc không ai là không ước ao trẩy hội chùa Hương một lần!

Toan Ánh/ NXB Trẻ

SÁCH HAY