Trong 7 ngày qua, Nga và Anh đều bắt đầu cho tiêm vaccine cho người dân. Hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) tuyên bố vaccine Covid-19 của họ hiệu quả đến 95%. Nga cũng khẳng định chỉ số của vaccine Sputnik V không kém cạnh với 93%.
Điều này mở ra hy vọng lớn về khả năng cuộc sống sớm trở lại bình thường sau một năm đại dịch hoành hành. Chính quyền các nước đều khẳng định toàn dân ở quốc gia của họ đều sẽ được tiêm chủng.
Tuy nhiên, do năng lực sản xuất có hạn mà việc vận chuyển và bảo quản vaccine phức tạp, các chính phủ buộc phải ban hành quy định những ai mới được tiếp cận vaccine trước hết.
Cụ bà Margaret Keenan, người đầu tiên được tiêm ngừa vaccine Covid-19 tại Anh. Ảnh: AFP. |
Ưu tiên người lớn tuổi và nhân viên y tế
Tại Anh - quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 khẩn cấp, đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu, những người trên 80 tuổi và các nhân viên nhà dưỡng lão. Đây được xem là các đối tượng có nguy cơ mắc và tử vong cao do Covid-19.
Sau đó, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cho người từ 50 tuổi trở lên (ưu tiên người cao tuổi và có bệnh nền).
Cảnh sát, quân đội, những người trong ngành tư pháp, giáo viên, người làm việc trong hệ thống vận tải công cộng và các công chức liên quan tới công tác phòng chống dịch sẽ là những người trong nhóm được tiêm đợt hai.
Còn tại Mỹ, chính quyền đương nhiệm cho biết việc tiêm chủng cho phần lớn người dân dự kiến hoàn thành sớm nhất vào tháng 4/2021.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị việc tiêm chủng nên được ưu tiên cho hơn 21 triệu nhân viên y tế của nước này, cùng hơn 3 triệu người lớn tuổi tại các cơ sở dưỡng lão.
Dù khuyến nghị của CDC là không bắt buộc, phần lớn các bang tỏ ý đồng thuận với đề nghị này.
Tuy nhiên, Pfizer nói chỉ có thể sản xuất được 22,5 triệu liều vaccine vào cuối tháng 1/2021.
Vì thế, các bang phải tự quyết định những đối tượng ưu tiên nào được tiêm phòng trước. Chính quyền Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ để các tiểu bang tự chủ hoàn toàn trong việc này.
Nhân viên giám sát bên thiết bị đặc biệt để bảo quản lạnh vaccine Covid-19 do Pfizer sản xuất tại một cơ sở ở Los Angeles, California. Ảnh: Reuters. |
Những cách tiếp cận khác
Ở các quốc gia có tình hình dịch bệnh ít phức tạp hơn - như Canada và Nhật Bản, sự chú ý tập trung vào nhóm những người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết mỗi cá nhân sẽ được cấp phiếu chứng nhận thứ tự ưu tiên của mình.
Ở Ấn Độ, sự phân cách địa lý và địa vị xã hội tạo ra sự khác biệt trong số ca tử vong vì đại dịch ở nước này.
Theo giáo sư Anup Malani (Đại học Chicago, Mỹ), tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trong nhóm khoảng 80 tuổi ở một số bang lại thấp hơn so với nhóm khoảng 60 tuổi ở vài bang khác.
Do vậy, chính phủ Ấn Độ quyết định sẽ hạ mức tuổi ưu tiên của người được tiêm vaccine xuống 50 - thấp hơn nhiều các quốc gia phương Tây.
Đây sẽ là một thách thức khổng lồ vì quốc gia Nam Á này ước tính có hơn 260 triệu dân từ 50 tuổi trở lên. 20 triệu nhân viên y tế đang làm việc tại các tuyến đầu chống dịch ở Ấn Độ.
Một số quốc gia có hướng tiếp cận khác đối với việc mua sắm vaccine và tiêm ngừa.
Do kết quả chống dịch ở Hàn Quốc khá tốt, nước này có ý định ưu tiên việc mua vaccine với giá vừa phải hơn là mua càng sớm càng tốt. Seoul cũng dự định chỉ mua lượng vaccine đủ cho khoảng 60% dân số.
Một phòng lấy mẫu xét nghiệm tại Hàn Quốc. Ảnh: National Geographic. |
Ở Indonesia, chính phủ quyết định sẽ ưu tiên cho toàn bộ nhân viên y tế trước tiên, sau đó tới người lao động trong độ tuổi 18-59. Hiện lô hàng 1,2 triệu liều vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất đã được bàn giao cho nhà chức trách Indonesia.
Thách thức với việc tiêm chủng
Đối với các quốc gia, thách thức lớn nhất vẫn là việc nhiều người dân ngần ngại, thậm chí từ chối tiêm chủng.
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang ở trong thế khó vì “chưa quốc gia châu Âu nào có hơn 60% người dân muốn được tiêm chủng”.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ. Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng từng khẳng định việc tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ không bắt buộc với toàn dân.
Theo số liệu khảo sát từ Gallup, chỉ 50% người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine miễn phí vào tháng 9. Con số này dần tăng lên, song vẫn chưa đạt tới 60% vào tháng 11.
Bên cạnh đó, dù đã được tiêm chủng, người dân vẫn phải chờ nhiều tuần trước khi được miễn dịch hoàn toàn. Nguyên nhân do vaccine của Pfizer yêu cầu tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 3 tuần.