Như đã trình bày ở bài viết trước, các đòn khóa của môn nhu thuật Brazil gây ra rất nhiều đau đớn và vì thế, các võ sĩ thường nhanh chóng xin thua để tránh những chấn thương nghiêm trọng và thậm chí bảo toàn tính mạng.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, họ lại từ chối tap-out (xin hàng) hoặc chậm trễ trong việc thực hiện điều này dẫn đến hậu quả to lớn.
Ronda Rousey thực hiện đòn khóa bẻ tay với Miesha Tate. |
Hình ảnh ghê người trong lồng bát giác
Vào năm 2011, Lyoto Machida đang là một ngôi sao lớn tại UFC. Võ sĩ người Brazil có phong cách chiến đấu riêng biệt và đã có nhiều đòn knock-out đẹp mắt khiến người xem thích thú.
Machida là người hiếm hoi thành công tại giải đấu võ tự do lớn nhất hành tinh bằng những đòn thế của môn karate. Tại sự kiện UFC 140, Machida chạm trán với Jon Jones trong trận đấu tranh đai vô địch hạng dưới nặng.
Không ưa sự kiêu ngạo của nhà vô địch trẻ nhất lịch sử UFC Jon Jones, Machida rất tự tin tuyên bố sẽ giành chiến thắng và dạy cho võ sĩ người Mỹ một bài học.
Tuy nhiên, thực tế, Jones là người chơi tốt hơn. Anh nhanh chóng lấn át và làm Machida chịu vết thương lớn ở mắt. Sang hiệp 2, sau một chuỗi đòn đấm và gối, Jones thực hiện một đòn khóa cổ đằng trước (guillotine choke).
Lyoto Machida mất nhận thức sau đòn khóa của Jon Jones. |
Bất lực trong việc thoát ra, Machida vẫn từ chối xin thua. Trọng tài John McCarthy chậm trễ trong việc cho dừng trận đấu và Machida sau đó đổ gục xuống sàn đấu, hoàn toàn bất tỉnh.
Sự kiện UFC 140 còn chứng kiến một hình ảnh đáng sợ khác khi Frank Mir sử dụng đòn khóa của môn nhu thuật Brazil bẻ gãy tay của Antonio Nogueira.
Nigueira, Machida không phải là những cái tên duy nhất. Các võ sĩ Tom Lawlor, Takeya Mizugaki, Ed Herman, Miesha Tate, Tim Sylvia… cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Nhà Gracie nổi tiếng với vai trò người sáng lập và phổ biến rộng rãi môn nhu thuật Brazil cũng từng nhiều lần chịu chấn thương nặng trước đòn khóa của môn này. Võ sĩ người Nhật Kazushi Sakubara từng khiến Royce và Renzo Gracie gãy tay bằng đòn khóa Kimura.
Renzo Gracie (dưới): "Sakubara bẻ gãy tay là cảm giác đau đớn nhất tôi từng cảm nhận". |
Trước tình trạng xuất hiện nhiều hơn chấn thương trong những trận đấu MMA nói chung và nhu thuật Brazil, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có thay đổi về luật lệ để hạn chế tính bạo lực. Cây viết võ thuật nổi tiếng Ivan Tremble, Sean Gregory, võ sĩ Bob Reilly là một trong số những người tiêu biểu ủng hộ quan điểm này.
Đã đến lúc hành động để bảo vệ các võ sĩ
Hồi năm 2010, tờ MMAjunkie từng có một bài báo phân tích việc cấm sử dụng đòn khóa giữ gót chân (heel hook) bởi sự nguy hiểm mà đòn đánh này mang lại.
Tiến sĩ, bác sĩ Ethan Kreiswirth nêu ra quan điểm: “Lực quay tròn của đòn Heel Hook tác động tức thì đến hệ thống dây chằng và mô sụn bên trong đầu gối. Thậm chí, đòn khóa này còn ảnh hưởng dây chằng hai bên. Vì thế, khi lực tác động đạt đến một mức nhất định (có thể trong một vài giây) sẽ làm cho những cơ quan này bị tổn thương”.
Một đòn khóa heel hook. |
Điều này có nghĩa hậu quả có thể xảy ra ngay trước khi võ sĩ kịp nhận thức và xin hàng.
Nói đến những đòn khóa nguy hiểm, không thể không nhắc đến đòn khóa cổ. Tình trạng thiếu máu lên não ở một số trường hợp gây ra tình trạng đột quỵ và cướp đi mạng sống các võ sĩ trong chưa đầy 30 giây.
Ngoài ra, vấn đề đạo đức của các võ sĩ cũng là điều đáng được xem xét và cải thiện. Tại sự kiện UFC Fight Night 29, võ sĩ Rousimar Palhares cố tình tiếp tục thực hiện đòn khóa dù đối thủ đã xin thua và có sự can thiệp của trọng tài.
Vì thế, để bảo vệ cho các võ sĩ, việc xem xét loại bỏ những đòn khóa nguy hiểm là cần thiết. Hiện nay, quy định của UFC và đa số các giải MMA lớn trên thế giới đều chỉ cấm duy nhất đòn khóa với ngón tay và ngón chân mặc dù đòn thế này không ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của người bị khóa.
Nếu điều này diễn ra trong tương lai, giải vô địch võ tự do thế giới sẽ dễ tiếp cận và được đón nhận hơn ở một số nước châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.