Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông phát biểu tại lễ trao danh hiệu "Chìa khoá vàng 2022". Ảnh: Đức Hưng. |
Ngày 9/12, tại sự kiện ra mắt bộ giải pháp Internet an toàn cho gia đình, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh thị trường Việt Nam từ lâu đã rất cần các sản phẩm có khả năng quản lý truy cập Internet an toàn cho gia đình, con cái mình.
Thứ trưởng TTTT cho rằng với 100 triệu dân, khoảng 27 triệu gia đình, nhu cầu của thị trường cho loại sản phẩm này là rất lớn. Những sản phẩm như SafeGate Family có thể mang lại lựa chọn tin cậy cho người dùng Việt Nam để bảo vệ mình và gia đình trên không gian mạng.
Đội ngũ sáng lập của Công ty An ninh mạng thông minh (CSC), đơn vị phát triển sản phẩm SafeGate Family gồm các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực an ninh mạng. Thứ trưởng TTTT cho rằng với đội ngũ có thâm niên, thị trường có nhu cầu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cố gắng chiếm lĩnh thị trường.
“Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một tập thể tiêu biểu cho tinh thần khởi nghiệp theo hướng nhóm nhỏ làm việc lớn, nhóm nhỏ nhưng khát vọng không nhỏ. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng với các doanh nghiệp Việt Nam để sáng tạo ra những sản phẩm xuất sắc”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
SafeGate là bộ giải pháp gồm router và phần mềm quản lý. Phần mềm tập trung vào việc tích hợp sẵn các tính năng bảo vệ, giúp người dùng tiếp cận dễ dàng hơn và quản lý các nội dung mà con em mình xem, đọc trên Internet.
Tại sự kiện, đại diện SCS cũng cho biết đang tiếp tục phát triển các tính năng chống lừa đảo cho người dùng, bao gồm cả người lớn tuổi trong gia đình. Trong năm sau, SCS sẽ ra mắt giải pháp SafeGate cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước SafeGate, đã có một số thiết bị, giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển được giới thiệu tới người dùng như: thiết bị Wi-Fi CyberPurify Egg của Công ty CyberPurify; hay bộ ứng dụng CyRadar Mobile Guard for Kid của Công ty CyRadar.
Đội ngũ sáng lập của Công ty An ninh mạng thông minh gồm nhiều chuyên gia có thâm niên như ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA). Ảnh: Minh Sơn. |
Trong sự kiện trao giải "Chìa khóa vàng" cho các doanh nghiệp an toàn thông tin cùng ngày, Thứ trưởng TTTT cũng chia sẻ chặng đường làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm, làm chủ thị trường ở phía trước của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất dài, nhiều thách thức.
Theo số liệu từ cục An toàn thông tin, số liệu doanh thu hàng quý, hàng năm so của sản phẩm nội địa với sản phẩm nước ngoài vẫn còn chênh lệch rất lớn. Hiện doanh thu của các sản phẩm nội địa mới chỉ đạt gần 60% so với doanh thu sản phẩm nước ngoài. Mặc dù đã làm chủ được trên 90% dòng sản phẩm, chúng ta chỉ mới chiếm lĩnh được khoảng 1/3 giá trị thị trường hiện tại.
“Mấu chốt là sản phẩm Việt Nam phải làm ra sản phẩm tốt hơn nước ngoài về chức năng, tính năng kỹ thuật, tốt về quy trình, về nhân sự hỗ trợ, đáp ứng được các nhu cầu đặc thù tại Việt Nam. Trong 4 yếu tố trên, tuy tính năng sẽ do thị trường đánh giá, sản phẩm Make in Vietnam lại có ưu thế trong 3 tính năng còn lại”, ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ Quốc Khánh, phó chủ tịch hội đồng bình chọn cuộc thi, hầu hết sản phẩm và dịch vụ đạt đạt danh hiệu năm nay là mới, với 83% số sản phẩm và 66% số dịch vụ được đưa ra đánh giá lần đầu tiên, thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp an toàn thông tin nội địa trong thời gian tới.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.
Bình luận