Tuần trước, anh Hưng phụ trách khâu hậu cần của một công ty đặt tại tòa nhà Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM) nhận được thông báo từ Chủ tịch UBND TP.HCM về việc các doanh nghiệp thuộc địa bàn thành phố chỉ có thể tiếp tục hoạt động nếu đáp ứng đầy đủ một trong hai nguyên tắc là “3 tại chỗ” (gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) hoặc “một cung đường 2 địa điểm” (chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở tập trung). Quản lý này đã vội vã bắt tay triển khai.
Đối với nguyên tắc “3 tại chỗ”, không phải xây dựng khu lưu trú tạm thời như các nhà máy khác, anh Hưng tận dụng không gian 100 m2 của văn phòng công ty dựng lều sinh hoạt cho 34 nhân viên.
"Thành phố đưa ra yêu cầu khá gấp, nên khâu chuẩn bị cũng bị động. Riêng khoản lều để ở, tôi nhanh chóng liên hệ với nhiều nhà sản xuất, tuy nhiên thị trường không còn loại đơn hoặc 2 chỗ ngủ, nên tôi phải chấp nhận mua loại lớn 4 chỗ ngủ với giá 850.000 đồng/lều", anh Hưng cho biết.
Chia sẻ với Zing, Hào Phát - đại diện một cơ sở chuyên sản xuất lều tại quận Bình Tân, TP HCM - cho biết nhu cầu cung cấp lều cho doanh nghiệp quá lớn. Do đã hết nguyên liệu, cơ sở của anh đang tạm ngừng sản xuất.
“Bên tôi chỉ cung cấp được 1.000-1.200 lều/ngày. Trước đó với nguyên liệu có sẵn, cơ sở đã cung cấp khoảng 15.000 lều cho các doanh nghiệp, nhà máy…”, anh Phát nói.
Một doanh nghiệp tại TP HCM tận dụng nhà xe 3 tầng, dựng 500 lều lưu trú cho công nhân. Ảnh: Chí Hùng. |
Khác với những loại lều dã ngoại, du lịch, dã chiến, lều phòng dịch thường được may đơn giản, không cần chống thấm nước, không gian phù hợp tối đa 2 người. Đây là mặt hàng sản xuất riêng cho các doanh nghiệp mua số lượng lớn, có ưu điểm thoáng khí, quy trình hoàn thiện nhanh và giá thành hợp lý.
Trên website của cơ sở này, một lều phòng dịch có giá niêm yết khoảng 300.000 đồng/chiếc. Nếu mua số lượng lớn doanh nghiệp sẽ có giá bán sỉ riêng.
Do hạn chế nguyên liệu, cơ sở sản xuất của anh Phát không tăng công suất hoạt động. “Đối tượng khách của chúng tôi chủ yếu là các khu công nghiệp rải rác tại TP HCM. Trước khi có dịch chúng tôi thường nhận các đơn hàng xuất khẩu nước ngoài, do vậy việc đáp ứng số lượng đơn hàng lớn như hiện tại không quá khó, vướng mắc duy nhất là vấn đề nguyên liệu”, anh Phát kể.
Một số cơ sở sản xuất lều khác cũng gặp vấn đề tương tự. Trao đổi với Zing, Thùy Minh - đại diện cơ sở sản xuất đồ cắm trại tại Nam Định - cho biết thời điểm dịch bùng phát mạnh tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, số lượng đơn hàng đặt lều từ doanh nghiệp tăng đột biến.
“Số lượng đặt lều vượt quá khả năng cung cấp của chúng tôi. Nhân viên nhà máy thường tăng ca trung bình 2 giờ để mỗi ngày chúng tôi vận chuyển từ 400-500 chiếc. Tuy nhiên ngần đó chỉ đủ cho một vài khách. Sau khi dịch được kiểm soát, chúng tôi cố gắng sản xuất cho những đơn hàng phía Nam”, chị Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, chị cho biết công suất hoạt động của nhà máy đã giảm còn 60% do nguyên liệu cạn kiệt. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động bình thường trở liệu vào cuối tháng 7.
Công ty TNHH Hana Micron Việt Nam (khu công nghiệp Vân Trung) sắp xếp nơi nghỉ cho người lao động thời điểm Bắc Giang bùng dịch. Ảnh: Đông Giang. |
Một số nhà cung cấp lều tung ra các gói vật dụng lưu trú dành riêng cho công nhân với giá dao động từ 900.000-1.500.000 đồng/người. Tùy vào gói sẽ bao gồm lều, phụ kiện, trang thiết bị sinh hoạt cần thiết như chăn, ga, gối, đệm hay quạt điện.
Trên sàn thương mại điện tử, mặt hàng lều dã ngoại cũng tương đối đắt khách, một số mẫu bán được trên 1.000 đơn. Tuy nhiên theo chia sẻ của một tiểu thương, phần lớn khách hàng mua phục vụ mục đích cắm trại, số lượng đơn đặt hàng lều cũng chỉ tăng nhẹ.
Tại cuộc họp báo cáo về tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp trên địa bàn hôm 13/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông báo tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP vẫn còn phức tạp.
Nhiều ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi lưu trú đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
UBND TP.HCM đã yêu cầu siết chặt quản lý chống dịch tại các doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bênh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu hàng đầu là đảm bảo sức khỏe của nhân dân.