Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ngân hàng báo lãi lớn từ đâu?

Bất chấp dịch bệnh, kết quả kinh doanh quý II và nửa năm của các ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh. Thậm chí, một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp nhiều lần.

Ngan hang lai lon tu dau? anh 1

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố báo cáo tường thuật buổi gặp gỡ nhà đầu tư của ngân hàng ACB.

Trong đó, lãnh đạo ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay ước đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, lợi nhuận trước thuế riêng quý II của ACB vào khoảng 3.300 tỷ, tăng 74%.

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết nửa đầu năm qua, tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng đã đạt 9,4%, xấp xỉ mức trần Ngân hàng Nhà nước cho phép (9,5%), trong khi huy động vốn chỉ tăng 1,8% và tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,7% tổng dư nợ.

Hiện ngân hàng này đã được cơ quan quản lý tiền tệ nâng mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 13,5%.

Theo lãnh đạo ACB, lợi nhuận tăng mạnh nửa đầu năm qua chủ yếu đến từ tăng trưởng các khoản phí và thu nhập dịch vụ. Với triển vọng hiện nay, lãnh đạo ngân hàng tin rằng thu nhập từ phí và dịch vụ vẫn tích cực nửa cuối năm, bất chấp tác động của dịch Covid-19.

Ngan hang lai lon tu dau? anh 2

Hầu hết ngân hàng đều ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng mạnh nửa đầu năm. Ảnh: Nam Khánh.

Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng mạnh

Trước ACB, một loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm với khoản lợi nhuận tăng từ hai cho tới ba chữ số.

Trong đó, Vietcombank cho biết lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của ngân hàng vào khoảng hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên cao nhất các ngân hàng công bố đến nay.

Lãnh đạo nhà băng này nói với Zing, với đà kinh doanh và tình hình dịch bệnh hiện nay, mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng cả năm của ngân hàng có thể đạt được. Tuy nhiên, con số cụ thể sẽ phụ thuộc vào các đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một ngân hàng quốc doanh khác đã công bố kết quả kinh doanh bán niên là VietinBank, với khoản lãi trước thuế 13.000 tỷ, tăng 75%. So với kế hoạch lợi nhuận 16.800 tỷ đồng cả năm, nhà băng này đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch chỉ sau nửa năm tài chính.

Lãnh đạo MBBank cũng ước tính lợi nhuận trước thuế nửa năm nay vào khoảng 7.986 tỷ đồng, tăng 56%.

Tương tự, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng cũng ghi nhận tăng trưởng vượt bậc ở chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 6T ĐẦU NĂM CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG
Nguồn: Báo cáo KQKD, SSI Research, Tổng hợp
Nhãn Vietcombank VietinBank Techcombank VPBank MBBank BIDV ACB HDBank VIB TPBank
6T2021 tỷ đồng 14500 13000 11200 8500 7986 7246 6400 4500 3952 3007
6T2020
10982 7460 6738 6584 5119 4454 3820 2908 2356 2034

Cụ thể, TPBank cho biết lợi nhuận bán niên đạt khoảng 3.007 tỷ đồng, tăng 48%; MSB ước tính lãi 2.800 tỷ, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch năm; SeABank báo lãi 1.557 tỷ, tăng 2,3 lần; ABBank lãi 1.164 tỷ, tăng 85%; PGBank lãi 175 tỷ, tăng 58%...

Trước đó, Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cũng ước tính lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý II và nửa đầu năm với xu hướng tăng mạnh.

Trong đó, HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế quý II đạt 2.400 tỷ, tăng 45%, lợi nhuận 6 tháng tương ứng đạt 4.500 tỷ, tăng 55%; Techcombank kỳ vọng lãi 5.700 tỷ riêng quý II, tăng 58% và lợi nhuận bán niên đạt trên 11.200 tỷ đồng, tăng 66%; VPBank có thể đạt 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng quý II và 8.500 tỷ đồng trong nửa năm, tăng lần lượt 23% và 29% so với cùng kỳ…

Các mảng kinh doanh hiệu quả

Xét trong nhóm ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II và ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm, điểm chung của các nhà băng này là đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, đóng góp vào mức lợi nhuận trên 14.500 tỷ đồng của Vietcombank nửa năm qua là mức tăng trưởng tín dụng lên tới 9,8% so với đầu năm, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng cùng kỳ là 5%.

Tăng trưởng tín dụng kể trên của ngân hàng này gần chạm trần 10,5% mà NHNN giao từ đầu năm. Tương tự, cùng với khoản lợi nhuận bán niên tăng 68%, ACB cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 9,4%, xấp xỉ mức trần NHNN cho phép (9,5%).

VietinBank nửa đầu năm 2020 chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng 1%, thì đến năm nay, tăng trưởng đã lên tới 5%, với dư nợ tín dụng vượt 1,06 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng nửa năm của VietinBank hiện đã chiếm 2/3 tổng hạn mức tăng trưởng mà NHNN giao cho nhà băng này cả năm (7,5%).

Cùng với việc công bố khoản lãi gần 8.000 tỷ sau nửa năm, lãnh đạo MBBank cũng ước tính dự nợ tín dụng ngân hàng mẹ 6 tháng đầu năm nay tăng tới 11%, đạt trên 339.900 tỷ đồng và chạm trần hạn mức NHNN giao.

Ngan hang lai lon tu dau? anh 3

Lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng cao nửa đầu năm có đóng góp từ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nam Khánh.

Mới đây, ngân hàng đã phải xin NHNN và được chấp thuận điều chỉnh mức tăng trưởng này lên 15% cả năm.

Một loạt nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nửa đầu năm qua cũng có tăng trưởng tín dụng tốt như ABBank tăng 6,4%; BIDV tăng 7%; VIB tăng 8,1%; MSB tăng 10,5%... đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài lãi từ tín dụng, lợi nhuận ngân hàng nửa năm qua còn đến từ mảng dịch vụ và thu nhập từ phí. Các chỉ số này đều tăng hai chữ số tại hầu hết nhà băng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết khác với trước kia khi nguồn thu của ngân hàng chủ yếu đến từ lãi vay, hiện nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các nhà băng đều đã gia tăng. Có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% lợi nhuận.

Hiện hầu hết ngân hàng đều đã mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác. Điều này đã giúp một số nhà băng ghi nhận tăng trưởng đột biến từ mảng dịch vụ.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng nhấn mạnh lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng một phần là nhờ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020 của NHNN.

“Quy định này giúp các ngân hàng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, nguyên Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng cho biết các ngân hàng đang được tạm tính lợi nhuận trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Sẽ bị ảnh hưởng nửa cuối năm

Ghi nhận tăng trưởng cao nửa đầu năm, tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia cho rằng chỉ tiêu lợi nhuận của các nhà băng sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn cuối năm.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới chỉ tiêu kinh doanh này chính là tình hình dịch bệnh có xu hướng phức tạp trở lại, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và Hà Nội. Điều này khiến tăng trưởng tín dụng bị lo ngại chậm lại.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng quý III và 6 tháng cuối năm 2021 của Vụ Dự báo, Thống kê (thuộc NHNN) cho biết hầu hết ngân hàng đều lo ngại về việc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng chậm lại nửa cuối năm.

Trong đó, dư nợ tín dụng dự báo sẽ tăng 4,7% trong quý III và đạt mức 13,1% trong cả năm nay. So với dự báo trước đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm nay đã giảm 1,6 điểm % (từ mức 14,7%).

Hạn mức tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng (%):

Ngân hàng Ban đầu 2021 Điều chỉnh 2021
TPBank 11,5 17,4
Techcombank 12 17
MBBank 10,5 15
VIB 8,5 14,1
Vietcombank 10 14
VPBank 8,5 12,1
Sacombank 6,5 10,5
Eximbank 6,5 10

Ngoài ra, hầu hết ngân hàng đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng của đơn vị trong năm nay so với trước đó do tác động khó lường của dịch bệnh.

Việc lo ngại tăng trưởng tín dụng giảm cũng thể hiện ở việc NHNN nới room tín dụng cho một số ngân hàng nhưng chỉ ở mức thận trọng.

Như MBBank được nới room tín dụng từ 10,5% lên 15% cả năm nhưng vẫn thấp hơn mức từ 11,8% lên 20% năm trước. Tương tự, VIB mới được nâng từ 8,5% lên 14,1% năm nay, thấp hơn mức 10,5% lên 30% năm 2020.

Một loạt ngân hàng khác dược nới room tín dụng đợt này như VPBank từ 8,5% lên 12,1%; Sacombank từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank từ 6,5% lên 10%; Techcombank từ 12% lên 17%; Vietcombank từ 10,5% lên 14%... đều thấp hơn hoặc bằng năm 2020.

Đáng chú ý, trong nhiều năm gần đây, NHNN chỉ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng một lần/năm, nên gần như mức tăng trưởng tín dụng mới sẽ là giới hạn cho các ngân hàng trong cả năm nay.

Ngoài yếu tố tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận các ngân hàng nửa cuối năm còn chịu tác động trực tiếp từ việc giảm lãi suất cho vay.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư vừa qua, lãnh đạo ACB cho biết tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa đầu năm đã tăng 0,5 điểm % lên 4% nhờ tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cho rằng NIM nửa cuối năm sẽ giảm 0,5 điểm % do cắt giảm lãi suất cho vay trên toàn bộ cơ sở khách hàng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thu hút khách hàng mới.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết với tổng dư nợ vào khoảng 350.000 tỷ đồng hiện nay, nếu lãi suất giảm 1% trong 5-6 tháng cuối năm thì lợi nhuận của ngân hàng này sẽ giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% kế hoạch.

Thực tế tại Sacombank cũng cho thấy đa phần lợi nhuận năm 2020 đến từ việc ngân hàng xử lý tài sản tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng thừa nhận, việc giảm lãi suất cho vay từ tháng 7 có thể ảnh hưởng từ vài trăm tỷ cho tới vài nghìn tỷ đồng tới lợi nhuận năm nay.

Lợi nhuận VIB tăng gần 70% nửa đầu năm

Với khoản lãi trước thuế gần 4.000 tỷ đồng, VIB hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận kỳ này của ngân hàng tăng tới 68%.

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

Sau khi đồng thuận về việc giảm lãi suất cho vay và đối tượng thụ hưởng từ tháng 7, đến nay, một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho khách hàng.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm