Hội đồng Quản trị VPBank vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành thêm từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Cụ thể, nhà băng này dự kiến phát hành tối đa hơn 1,975 tỷ cổ phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 19.757 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Số phát hành này tương đương tỷ lệ 80%.
Trong đó, 62,15% cổ phiếu phát hành thêm là để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và 17,85% tỷ lệ phát hành thêm lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu VPB được hưởng quyền trên sẽ nhận thêm tổng cộng 8.000 cổ phiếu mới, trong đó có 6.215 cổ phiếu là từ cổ tức và 1.785 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau phát hành, tổng số cổ phiếu VPB lưu hành dự kiến vào khoảng 4,505 tỷ đơn vị, tương đương vốn điều lệ đạt trên 45.057 tỷ đồng. So với mức vốn điều lệ hiện tại, vốn sau phát hành của nhà băng này sẽ tăng 19.757 tỷ đồng.
VPBank dự kiến tăng gần gấp đôi vốn điều lệ trong năm nay. Ảnh: Nam Khánh. |
Để chuẩn bị vốn cho kế hoạch trên, VPBank dự kiến trích 15.349 tỷ từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cùng 3.600 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 808 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Theo kế hoạch, HĐQT VPBank xin cổ đông được thực hiện các thủ tục với cơ quan chức năng theo quy định, dự kiến phát hành trong quý III hoặc IV năm nay.
Theo lãnh đạo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ kể trên sẽ giúp nâng cao năng lực kinh doanh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc tăng vốn sẽ giúp VPBank đảm bảo tỷ lệ đầu tư, góp vốn mua công ty con và/hoặc góp vốn vào các lĩnh vực kinh doanh khác, đồng thời cải thiện các tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện tỷ lệ đầu tư, góp vốn của VPBank đã đạt mức tối đa và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch đầu tư, góp vốn nào cho đến khi tăng được vốn.
Chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng dự kiến phải đợi đến năm 2022 mới tiến hành chia cổ tức tăng vốn.
Trong đó, tính toán của lãnh đạo ngân hàng cho biết vốn điều lệ sau tăng vào năm 2022 của VPBank có thể đạt tối thiểu 75.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.
Diễn biến giá cổ phiếu VPB từ đầu năm đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Cũng tại phiên họp thường niên, HĐQT VPBank không có tờ trình chia cổ tức mà xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhà băng này chỉ trình cổ đông phương án tái phát hành/bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên năm 2021 (ESOP) với khối lượng 15 triệu đơn vị, trên tổng số 75,2 triệu cổ phiếu quỹ.
Chủ tịch VPBank cũng cho biết ban lãnh đạo đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Nếu đạt được thỏa thuận, VPBank sẽ dùng một phần cổ phiếu quỹ cùng số phát hành mới để bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường chứng khoán, VPB đang là một trong những cổ phiếu ngân hàng bị điều chỉnh mạnh nhất gần đây. Từ vùng giá gần 73.000 đồng/cổ phiếu đầu tuần trước, thị giá VPB hiện đã giảm về 65.000 đồng, tương đương mức giảm gần 11% sau một tuần.
Tuy nhiên, so với đầu năm, thị giá VPB hiện vẫn cao hơn gần 90%.