Theo báo cáo mới công bố của Savills Việt Nam, trong quý II, có 8 khách sạn được phép cách ly đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn kiểu này tại TP.HCM lên 25 cơ sở, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số khách sạn cách ly tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình. Tại Hà Nội, 10 khách sạn từ 3 đến 5 sao cũng đã được lựa chọn làm địa điểm cách ly.
Xu hướng này được dẫn dắt bởi nhu cầu cách ly tập trung đến từ một lượng lớn khách nhập cảnh, khách công vụ trong và ngoài nước.
Đây được xem là cách làm sáng suốt của các chủ khách sạn tại 2 thành phố lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và ngành khách sạn truyền thống tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực từ đợt dịch lần thứ 4.
Một khách sạn tại quận Tân Bình được lựa chọn làm khu cách ly tập trung có thu phí tại TP.HCM. Ảnh: iBis. |
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị sử dụng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn làm khu cách ly để đảm bảo chất lượng, điều kiện sinh hoạt của người cách ly, tránh lây nhiễm chéo.
Tại thị trường TP.HCM, do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào quý II cùng với các biện pháp giãn cách khiến cho nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm 11% theo quý ở cả 3 phân khúc, chỉ còn 13.400 phòng với 103 khách sạn hoạt động.
Tuy nhiên, nguồn cung tăng 7% theo năm, với 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí.
Ở phân khúc căn hộ dịch vụ, thị trường quý II không ghi nhận nguồn cung mới và có 3 dự án dừng hoạt động, làm giảm 3% tổng nguồn cung so với cùng kỳ năm trước.
Giá thuê căn hộ dịch vụ trung bình giảm 4% theo quý và 11% theo năm xuống còn 21 USD/m2/tháng. Phân khúc hạng B ghi nhận xu hướng giảm nhiều nhất do đối mặt với việc chấm dứt hợp đồng sớm, gần 30% dự án giảm giá tới 30% cho các hợp đồng thuê dài hạn.
Nhiều ưu đãi khác được cung cấp thêm như miễn phí chỗ đậu ôtô, hổ trợ tiền điện nước hoặc nâng cấp căn hộ lên diện tích thuê lớn hơn.
Công suất cho thuê trung bình 64%, tăng 1% theo quý do các dự án hoạt động kém hiệu quả đã đóng cửa và tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước do các hợp đồng lưu trú dài hạn trở lại và các chuyên gia nước ngoài quay lại Việt Nam.
Các hợp đồng thuê ngắn hạn từ khách thuê trong nước, chủ yếu là khách đi công tác, tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian bùng phát dịch bệnh Covid-19.